Nguy cơ mắc bệnh dại từ việc giết mổ chó, mèo

Trong nghiên cứu công bố ngày 18-3 trên tạp chí PLoS Medicine, TS Heiman Wertheim thuộc Mạng lưới nghiên cứu lâm sàng các bệnh truyền nhiễm ở Đông – Nam Á* và các đồng nghiệp thuộc Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương ở Hà Nội, đưa tin hai người bệnh phải nhập viện với triệu chứng bệnh dại và sau đó đều tử vong. Cả hai không hề bị các động vật có khả năng truyền bệnh dại cắn những tháng trước đó.

Người bệnh thứ nhất là một công nhân xây dựng 48 tuổi, giết mổ và ăn thịt con chó bị xe chẹt chết trên đường hai tháng trước khi nhập viện. Bệnh nhân kể, khi giết mổ con chó này, ông có đi găng tay bảo hộ lao động. Ông không cho rằng mình đã bị xướt xát hay đứt tay khi làm thịt chó. Những người khác ăn thịt chó hôm đó đều vẫn khoẻ mạnh. Thịt chó đã được nấu kỹ trước khi ăn.

Người bệnh thứ hai là một nam nông dân 37 tuổi, giết mổ và ăn thịt con mèo bị ốm từ ba ngày trước đó. Ba tuần sau khi ăn thịt mèo, ông phải nhập viện. Những người khác ăn thịt mèo hôm đó vẫn bình thường.

Các chuyên gia không thể kiểm nghiệm các con vật bị giết thịt có mắc bệnh dại hay không nên không hoàn toàn khẳng định những con vật này là nguồn bệnh. Tuy nhiên, họ lưu ý, việc giết thịt các con chó/mèo chưa được tiêm vaccine ở những nước vẫn còn bệnh dại có thể là yếu tố dẫn đến truyền bệnh.

TS Wertheim và các đồng nghiệp cho rằng, việc lây bệnh nhiều khả năng do giết mổ chứ không phải do ăn thịt, bằng chứng là nhiều người khác cũng ăn thịt những con vật đó nhưng vẫn khoẻ mạnh.

“Chúng ta cần cảnh báo cả người dân và các thầy thuốc lâm sàng về nguy cơ chung quanh việc giết mổ và chế biến thịt chó, mèo. Người dân không nên giết mổ những con vật có thể đã mắc bệnh dại. Bệnh dại có thể phòng ngừa bằng vaccine và những người phơi nhiễm với bệnh dại có thể đi chủng ngừa sau phơi nhiễm, nhưng phải càng sớm càng tốt. Một khi đã xuất hiện triệu chứng của bệnh dại thì hầu như cầm chắc tử vong. Các bác sĩ Việt Nam đã coi việc giết mổ là yếu tố nguy cơ dẫn đến lây truyền bệnh dại nhưng điều quan trọng là các cán bộ y tế khác, các nhà hoạch định chính sách, cả ở trong và ngoài Việt Nam, nhận thức được yếu tố nguy cơ này,” TS Wertheim nói.

Ở Việt Nam, những người làm việc ở các lò mổ chó được tiêm vaccine phòng bệnh dại theo chương trình phòng chống bệnh dại quốc gia. Tuy nhiên, việc giết mổ chó, mèo tại nhà còn khá phổ biến.

Bệnh dại rất nguy hiểm và hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều tử vong. Ước tính ở châu Á, khu vực có nhiều nước còn phổ biến thói quen ăn thịt chó, mỗi năm có hơn 30 nghìn người tử vong vì bệnh dại.

Triệu chứng bệnh dại gồm co giật , sốt, sợ nước và không còn phản xạ uống, cuối cùng là tử vong. Các con vật có thể truyền bệnh dại qua vết cắn của mình là chó, mèo và dơi. Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ một đến ba tháng.

---

* Mạng lưới nghiên cứu lâm sàng các bệnh truyền nhiễm ở Đông – Nam Á do Quỹ Wellcome Trust của Anh (chuyên tài trợ các nghiên cứu về y sinh) và Viện Nghiên cứu Quốc gia về các bệnh dị ứng và truyền nhiễm, Viện Y tế Quốc gia của Mỹ tài trợ.

          THÁI THANH
(theo PLoS Medicine)