Sáng kiến liên kết thanh toán xuyên biên giới này nằm trong khuôn khổ triển khai Kế hoạch tổng thể hệ thống thanh toán Indonesia 2025 - kế hoạch của BI nhằm phát triển ngành công nghiệp thanh toán trong kỷ nguyên kinh tế kỹ thuật số.
Phó Thống đốc BI cho biết, hệ thống này cho phép người tiêu dùng và người bán hàng ở cả ba quốc gia thực hiện và chấp nhận thanh toán ngay lập tức bằng mã QR. Theo đó, thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR sẽ cho phép các giao dịch hiệu quả hơn, đồng thời thúc đẩy số hóa thương mại và doanh nghiệp. Hình thức liên kết thanh toán này cũng giúp duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô bằng cách thúc đẩy sử dụng rộng rãi hơn khuôn khổ thanh toán bằng nội tệ. Các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số cũng sẽ thúc đẩy sự bao trùm về tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp thiếu kiến thức về tài chính.
Trước đó, BI thông báo vừa hợp tác với BNM ra mắt một hệ thống cho phép thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR quốc gia như một phần trong nỗ lực của các ngân hàng trung ương Đông Nam Á nhằm thiết lập các hệ thống thanh toán bán lẻ nhanh chóng và hiệu quả trong khu vực. Với tên gọi Liên kết thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR, hệ thống trên cho phép người bán và khách hàng ở cả hai quốc gia thực hiện và nhận thanh toán bằng hệ thống thanh toán sử dụng mã QR tiêu chuẩn Indonesia (QRIS) hoặc QR DuitNow - hệ thống mã QR quốc gia của Malaysia.
Hệ thống này đang trong giai đoạn thử nghiệm và dự kiến sẽ chính thức hoạt động thương mại vào quý III/2022. Ngoài ra, BI cũng đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống thanh toán xuyên biên giới với BOT vào tháng 8/2021. Hệ thống này dự kiến sẽ chính thức hoạt động thương mại trong quý I năm nay.
Hồi tháng 5/2019, BI đã ra mắt hệ thống QRIS nhằm phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt trong nước, theo đó cho phép người dùng chuyển tiền từ một dịch vụ thanh toán sang bất kỳ dịch vụ khác trong hệ sinh thái của ngân hàng trung ương.