Ông nêu rõ đối thoại giữa Pháp và Việt Nam là một phần của cuộc đối thoại cần thiết giữa các nền văn minh khác nhau, hai bên cùng trao đổi và cùng giúp nhau phát triển thịnh vượng. Tổng Thư ký AAFV nhấn mạnh Việt Nam mang đến cho Pháp rất nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp thu và giảm ảnh hưởng tiêu cực của các nền văn minh khác. Tuy nhiên trên thực tế, mối quan hệ đối tác chiến lược này còn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.
Để bày tỏ tình hữu nghị với Việt Nam, AAFV đã quảng bá nhiều hơn giúp người dân Pháp hiểu biết hơn về lịch sử, văn hóa, xã hội, những thành tựu và thách thức của Việt Nam, từ đó thúc đẩy động lực hợp tác mới, quan hệ đối tác công, tư và giữa hai dân tộc, đặc biệt là thông qua hợp tác giữa các địa phương. Hợp tác giữa các địa phương rất quan trọng vì có sự tham gia của người dân và mang lại sức sống cho tình đoàn kết của các thành phố, địa phương kết nghĩa với nhau. Hợp tác địa phương giữa Pháp và Việt Nam góp phần thúc đẩy mối quan hệ khăng khít giữa hai nước, mang lại lợi ích cho việc nghiên cứu và thực hiện các dự án chung. Tổng Thư ký Jean-Pierre Archambault nhấn mạnh tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước đang ngày càng gắn kết vì Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc.
Cùng chung quan điểm nêu trên, Thượng nghị sĩ Catherine Deroche (Ca-tơ-rin Đơ-rốt), Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt của Thượng viện Pháp, đã đề cao mối quan hệ năng động đang ngày càng được củng cố giữa hai nước. Thượng nghị sĩ Catherine Deroche khẳng định Pháp rất coi trọng quan hệ đối tác chiến lược gắn kết với Việt Nam từ năm 2013 và chính phủ luôn tạo điều kiện thực hiện nhiều dự án. Bà cho rằng trong bối cảnh đại dịch gây nhiều thách thức hiện nay, hai nước cần phải tăng cường mối liên kết, không chỉ trong lĩnh vực y tế, mà còn tập trung vào năng lượng, môi trường, giao thông... Hai nước có thể dựa vào mối quan hệ hợp tác lâu dài vốn đã rất phát triển để hiện thực hóa các dự án mới. Hội nghị hợp tác phi tập trung tiếp theo sẽ diễn ra tại Hà Nội vào cuối năm 2022 là một dịp quan trọng để đề cập vấn đề này.
Bà Catherine Deroche nhận định, những thay đổi về kinh tế, xã hội của Việt Nam, sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu, nhu cầu mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng và sự phát triển của khu vực tư nhân khiến Việt Nam trở thành một đối tác thương mại tiềm năng. Cơ hội hợp tác đang mở ra cho các doanh nghiệp Pháp trong lĩnh vực năng lượng, hàng không, môi trường và hậu cần. Về vấn đề Biển Đông, Thượng nghị sĩ Catherine Deroche nhấn mạnh, Pháp vẫn kiên định quan điểm giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, quyền tự do hàng hải và hàng không theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Thượng nghị sĩ Catherine Deroche đánh giá chuyến thăm chính thức CH Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính mở đầu cho việc nối lại các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước sau một thời gian đình trệ do đại dịch Covid-19. Trong năm 2018, hai nước đã có một loạt các cuộc tiếp xúc song phương đặc biệt ở cấp cao nhất, với chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Édouard Philippe (Ê-đu-a Phi-líp). Những chuyến thăm này đã giúp hai nước vạch ra một lộ trình đầy tham vọng, được nêu trong Tuyên bố chung Pháp - Việt và được hiện thực hóa bằng việc ký kết nhiều thỏa thuận. Việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược song phương đang được tiếp tục duy trì. Năm 2023 sẽ diễn ra các sự kiện song phương quan trọng, góp phần tăng cường và củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước, bao gồm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược.
(Tổng hợp)