Chống khủng bố và ứng phó với đại dịch - nhiệm vụ kép của châu Âu

Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều hệ lụy, trong đó có việc các phần tử cực đoan lợi dụng dịch bệnh để gây chia rẽ xã hội, gieo rắc tư tưởng thù hận, cực đoan và bạo lực. Trong bối cảnh này, các nước châu Âu đang triển khai nhiều biện pháp thể hiện quyết tâm mạnh mẽ đối phó mối đe dọa khủng bố ở “lục địa già”.

Cảnh sát tuần tra ở thủ đô Vienna của Áo (Ảnh: Reuters).
Cảnh sát tuần tra ở thủ đô Vienna của Áo (Ảnh: Reuters).

Cô Beatrice de Lavalette 22 tuổi, từng là nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại sân bay quốc tế Brussels của Bỉ hồi tháng 3/2016. Hơn 5 năm đã trôi qua kể từ vụ tấn công đó nhưng cô gái trẻ vẫn không giấu nổi nỗi khiếp sợ khi nhớ về những ký ức buồn này. Chia sẻ với giới truyền thông, Beatrice de Lavalette cho biết, dù đã mất cả hai chân trong vụ tấn công khủng bố nhưng cô vẫn luôn kiên trì luyện tập mỗi ngày, không từ bỏ niềm tin vào cuộc sống. Cô gái trẻ hiện đang sinh sống ở Mỹ và luyện tập chăm chỉ bộ môn thể thao cưỡi ngựa. Loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Bỉ hồi tháng 3/2016 đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của Beatrice de Lavalette cùng hơn 300 người khác, đều là những nạn nhân trong vụ việc này.

Với quyết tâm cải thiện tình hình an ninh và bảo vệ mạng sống của người dân, giới chức các nước châu Âu những năm qua có nhiều hành động quyết liệt để đối phó mối đe dọa khủng bố. Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua những quy định nghiêm ngặt hơn đối với các nội dung liên quan đến khủng bố trên không gian mạng ở Liên hiệp châu Âu (EU). Theo đó, những nội dung đăng tải trên mạng internet bị cho là có tính chất khủng bố có thể bị yêu cầu gỡ bỏ trong vòng một giờ. EP nhấn mạnh, quy định này giúp ngăn chặn các phần tử khủng bố lạm dụng mạng internet để tuyển mộ thành viên mới, kích động tấn công hay tuyên truyền những hành động tàn bạo. Ngoài ra, EU cũng quan tâm hoàn thiện chương trình cải tạo và tái hòa nhập cộng đồng cho tù nhân trong các nhà tù châu Âu. Tại Pháp, mới đây, nước này quyết định đóng cửa 6 cơ sở tôn giáo và triệt phá một số tổ chức bị nghi phát tán tư tưởng cực đoan.

Đại dịch Covid-19 đang là yếu tố được các phần tử khủng bố lợi dụng để lôi kéo, kích động những đối tượng dễ bị tổn thương chuyển sang xu thế bạo lực. Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) cảnh báo, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu vào đầu năm 2020, số lượng cá nhân có hành vi bạo lực về thể chất hoặc tinh thần gia tăng nhanh. Trong năm 2020, “lục địa già” ghi nhận tổng cộng 57 vụ tấn công và âm mưu khủng bố. Cũng theo Europol, những kẻ khủng bố đã tận dụng triệt để cơ hội truyền bá tư tưởng cực đoan bằng hình thức trực tuyến. Việc người dân các nước có tâm lý không hài lòng với cách chính phủ xử lý dịch Covid-19 hay lo sợ thất nghiệp sẽ khiến họ dễ dàng rơi vào bẫy tuyên truyền của các tổ chức cực đoan hơn. Europol cũng đặc biệt lưu ý về vấn đề độ tuổi ngày càng trẻ hóa của các nghi phạm thuộc các nhóm cực đoan.

Chống khủng bố và ứng phó với đại dịch là nhiệm vụ kép của các nước châu Âu cũng như toàn thế giới. Bằng những biện pháp quyết liệt, lãnh đạo các nước châu Âu kỳ vọng rằng, khu vực này sẽ đạt được nhiều bước tiến thực chất trong ngăn chặn các âm mưu khủng bố.