Theo ông Medvedev, công dân Afghanistan là một trong những nhóm người tị nạn lớn nhất đang tìm kiếm nơi trú ẩn ở châu Âu. Ông Medvedev cũng cảnh báo nguy cơ nghiêm trọng về an ninh khi hàng chục nghìn tay súng của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Afghanistan, nhất là tại các tỉnh giáp biên giới các nước Trung Á, đang đẩy mạnh ảnh hưởng trong khu vực.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ước tính, cho tới cuối năm nay sẽ có khoảng 500.000 người Afghanistan di tản khỏi nước này, trong đó nhiều người được cho là sẽ tới Tajikistan hoặc Pakistan.
Tajikistan cam kết tiếp nhận 100.000 người tị nạn Afghanistan, trong khi Anh cũng tuyên bố nhận khoảng 20.000 người.
Các quan chức ngoại giao sáu nước giáp Afghanistan là Pakistan, Trung Quốc, Tajikistan, Uzbekistan, Iran và Turkmenistan đã họp trực tuyến, thảo luận về tình hình Afghanistan sau khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước. Sáu nước đã ra tuyên bố chung nhất trí tăng cường hợp tác để ngăn thảm họa nhân đạo ngày càng trầm trọng tại Afghanistan. Khẳng định tôn trọng chủ quyền của Afghanistan và sẽ không can thiệp công việc nội bộ của Afghanistan, các nước láng giềng thúc giục Taliban không cho phép bất cứ tổ chức khủng bố nào được hoạt động trong lãnh thổ Afghanistan.
Truyền thông Nga dẫn nguồn Đại sứ nước này tại Afghanistan Dmitry Zhirnov cho biết, Moskva đang xem xét khả năng cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan, tuy nhiên vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào về vấn đề này. Theo ông Zhirnov, chưa có yêu cầu trực tiếp nào gửi tới Moskva, song Afghanistan đã sẵn sàng tương tác kinh tế với Nga. Đại sứ Nga cũng cho rằng, quyết định của các nước phương Tây đóng băng 3/4 tài sản của Afghanistan có thể khiến tình hình kinh tế và nhân đạo tại quốc gia này trở nên tồi tệ hơn.