Sáng 16/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Cùng chủ trì có các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị: Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phan Đình Trạc, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Nội chính T.Ư; Nguyễn Hoà Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư; các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Lê Văn Thành. Dự tại điểm cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị: Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh; điểm cầu trực tuyến các địa phương trên cả nước.
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một khâu đột phá mà Chính phủ đã xác định suốt ba nhiệm kỳ qua. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ tập trung quan tâm chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện thể chế một cách rất trọng tâm, thực chất và có các giải pháp cụ thể: giao nhiệm vụ cho người đứng đầu các bộ, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc xây dựng và hoàn thiện thể chế. Tạo điều kiện không gian, nguồn lực cả nhân lực và tăng cường ưu tiên liên quan tài chính, ngân sách, ưu tiên đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh nâng cao chất lượng các văn bản liên quan thể chế với tinh thần ở cấp nào cấp đó giải quyết trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các địa phương. Thủ tướng yêu cầu nếu có vướng mắc gì, các bộ, ngành, địa phương phải đề xuất, kiến nghị cụ thể, phân tích, đánh giá sâu sắc, kỹ càng mọi tác động.
Kế thừa những thành quả của những nhiệm kỳ trước đây, đặc biệt những tháng qua, mặc dù bận nhiều công việc, các bộ, ngành, địa phương vẫn dành nhiều thời gian rà soát lại, hệ thống lại những gì còn vướng, những gì cần để báo cáo, đề xuất. Chúng ta cũng được Quốc hội ủng hộ để xây dựng và hoàn thiện thể chế. Những đề xuất của Chính phủ sang Quốc hội được giải quyết nhanh, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Tuy nhiên, công tác dù được lãnh đạo chỉ đạo nhưng vẫn còn bộc lộ những hạn chế bất cập.
Đây là việc hết sức quan trọng, do đó chúng ta thống nhất nhận định đánh giá, thống nhất xác định mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu, đánh giá mặt hạn chế, tìm ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để có giải pháp khắc phục. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế không chỉ làm cho năm nay mà định hướng cho cả nhiệm kỳ, các nhiệm kỳ sau để chúng ta bố trí thời gian, nguồn lực cho phù hợp, hiệu quả nhất.
Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận những nội dung, định hướng cụ thể thời gian tới, nhất là tháo gỡ những gì, tập trung vào những chủ đề như hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế, những vấn đề đặt ra qua trình thực hiện có vướng mắc gì đã đề xuất nhiều lần mà chưa được tháo gỡ; phải chỉ rõ, ai giải quyết, địa phương giải quyết gì, bộ ngành giải quyết vấn đề gì, Chính phủ giải quyết gì, Quốc hội giải quyết gì và cấp cao hơn nữa. Với thời gian hội nghị có hạn, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận thẳng vào các vấn đề cụ thể, nhất là rà soát những vướng mắc đặt ra trong sản xuất, kinh doanh, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nêu rõ những điểm nghẽn, "nút thắt", điểm nóng mà dư luận quan tâm.
Tại hội nghị, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc gửi Bí thư, Chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, UBND 63 tỉnh, thành phố đã tập trung tổ chức rà soát các vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan hoạt động đầu tư, kinh doanh, phòng chống dịch Covid-19 gửi về Văn phòng Chính phủ.
Kết quả rà soát kiến nghị của các địa phương do Văn phòng Chính phủ tổng hợp liên quan đến 79 luật, 3 Nghị quyết của Quốc hội, 188 Nghị định, 20 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 135 Thông tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 21 bộ, cơ quan ngang bộ. Ngày 14/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1079/CĐ-TTg chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho công tác rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay các quy định tại 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 10 Bộ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ và 10 bộ có các luật liên quan rà soát, thống nhất đề xuất sửa đổi, tập trung vào các vấn đề vướng mắc nhất để tháo gỡ các “rào cản”, khơi thông các “điểm nghẽn” của các quy định hiện hành, trình Chính phủ cho ý kiến và thông qua dự án luật sửa đổi, bổ sung 10 luật tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021 vừa qua, để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai tới đây.
Đồng thời, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2021, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội xem xét thông qua một dự án luật và sẽ cho ý kiến 6 dự án luật tại Kỳ họp thứ hai tới đây. Trong thời gian từ sau khi được kiện toàn đến ngày 31/8, Chính phủ cũng đã kịp thời xây dựng và ban hành 51 Nghị quyết, 26 Nghị định và 9 Quyết định quy phạm của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có nhiều Nghị quyết, Nghị định trực tiếp quy định các chính sách, giải pháp phòng, chống dịch bệnh và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ phát triển kinh tế. Ngoài ra, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Chính phủ cũng trình Quốc hội nhiều báo cáo, kiến nghị để Quốc hội cho ý kiến và quyết định các giải pháp giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời đưa ra các chính sách, biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, xử lý những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, bảo đảm đời sống của nhân dân, thực hiện mục tiêu kép...
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nội dung được các đại biểu quan tâm đề cập tại Hội nghị để các bộ ngành, địa phương quán triệt, làm tốt hơn nữa công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế trong thời gian tới.
Trước hết, phải nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Thời gian qua, nhiều nơi chưa nhận thức đúng tầm về công tác này, chưa thấy rõ đầu tư cho xây dựng thể chế chính là đầu tư cho phát triển, thể chế chất lượng cao, sát thực tế, khả thi, dễ vận dụng sẽ tạo điều kiện cho phát triển bền vững. Từ đó, lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư vẫn chưa xứng tầm với một khâu đột phá chiến lược.
Sau Hội nghị này, những bộ ngành, địa phương nào chưa điều chỉnh phải điều chỉnh ngay; bí thư, chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, với quy chế, quy định làm việc đúng tầm, bảo đảm lãnh đạo chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu. Tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm thực tiễn, đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, kinh phí, quan tâm chính sách cho người làm công tác xây dựng pháp luật. Thủ tướng yêu cầu, với các Thông tư, các Bộ trưởng phải sửa đổi, tháo gỡ ngay những ách tắc, cản trở, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết. Với các nghị định của Chính phủ, thuộc lĩnh vực quản lý của bộ ngành nào thì phân công bộ ngành đó đề xuất sửa đổi, bổ sung với lộ trình cụ thể, có đôn đốc, kiểm tra, rà soát.
Thứ hai, tiếp tục tập trung cụ thể hóa, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ các chủ trương, đường lối của Đảng, bám sát 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng trên tinh thần nhà nước pháp quyền. Sau khi luật được ban hành thì Chính phủ xây dựng các nghị định, các bộ hướng dẫn bảo đảm đồng bộ, nhịp nhàng để đưa chủ trương, đường lối của Đảng đi vào cuộc sống. Các địa phương cũng phải cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, đường lối trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện thể chế để bảo đảm thực sự là “đòn bẩy” kiến tạo phát triển, tạo động lực phát triển, phát huy các nguồn lực, trong đó nguồn lực con người là quyết định (con người là trung tâm, chủ thể, là động lực, nguồn lực và mục tiêu của sự phát triển), cùng với nguồn lực tài nguyên và nguồn lực văn hóa, truyền thống lịch sử.
Thứ tư, rà soát, giải quyết các vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, trên tinh thần xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong rà soát, xây dựng thể chế. Mọi chính sách, pháp luật phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, để người dân và doanh nghiệp phát huy hết nội lực, khả năng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế, phải quan tâm lấy ý kiến của các đối tượng bị tác động, người dân và doanh nghiệp phải được tham gia. “Lãnh đạo, chỉ đạo từ trên xuống nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ năm, Thủ tướng cho rằng, việc tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật còn yếu; phải tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực thi pháp luật để biết chính sách đúng sai thế nào, nguyên nhân do quy định, do cách hiểu chưa đúng hay do khâu thực thi? Thủ tướng yêu cầu trong tổ chức thi hành pháp luật, phải quán triệt tận cơ sở, tới người dân, doanh nghiệp, tới đối tượng điều chỉnh. Tổ chức thực hiện phải quan tâm tới cơ sở, nơi gần dân nhất, sát dân nhất, biết dân nhất, sống với dân, cùng làm với dân, tiếp xúc trực tiếp nhất, nhiều nhất với dân.
Thứ sáu, việc đẩy mạnh phân cấp phân quyền phải đi đôi với quy định trách nhiệm, thiết kế công cụ để kiểm tra giám sát, kiểm soát quyền lực, bố trí nguồn lực và cắt giảm các thủ tục hành chính.
Thủ tướng nêu rõ, không có quy định luật pháp nào phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống. Có những quy định vừa ban hành hôm trước là đúng nhưng hôm sau không còn phù hợp do tình hình thay đổi, trong khi quy trình sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật không thể làm ngay. Do đó, trong tổ chức thực thi pháp luật phải nắm chắc nguyên lý cơ bản, vận dụng sáng tạo, linh hoạt để vừa không vi phạm, vừa phù hợp điều kiện, hoàn cảnh thực tế, trên cơ sở lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích nhân dân là trên hết, trước hết, nếu vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thì phải xử lý. Điều này phụ thuộc năng lực, trình độ, phẩm chất của cán bộ các cấp.