Xây dựng luật pháp đáp ứng yêu cầu Quốc hội đổi mới, hành động, đồng hành cùng Chính phủ

NDO -

Quốc hội khóa XV được cử tri cả nước bầu ra trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thuận lợi; đồng thời, cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Trên tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, với vị trí, vai trò của mình, Quốc hội có nhiệm vụ quan trọng trong việc tạo lập và hoàn thiện thể chế đáp ứng mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững. 

Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ trong Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Duy Linh)
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ trong Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Duy Linh)

Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có bài phát biểu sâu sắc về vấn đề này. Và trong bài viết đăng trên Báo Nhân Dân gần đây, Chủ tịch Quốc hội nêu 8 vấn đề trọng tâm trong hoạt động lập pháp phản ánh đầy đủ, toàn diện, phù hợp thực tiễn hoạt động lập pháp và thực tiễn thi hành pháp luật ở nước ta hiện nay.

Nỗ lực xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền con người, quyền công dân

Có thể thấy rõ việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về đề cao nhân tố con người, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trong những năm qua, pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân không ngừng được hoàn thiện. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục ghi nhận, làm rõ, đề cao quyền con người, quyền cơ bản của công dân, nhất là việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm trên các lĩnh vực phù hợp yêu cầu của tình hình mới.

Trên cơ sở đó, nhiều đạo luật, chế độ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, nhất là Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân được xác định rõ ràng hơn; pháp luật về quyền giám sát của cơ quan dân cử, quyền trực tiếp giám sát của công dân đối với hoạt động của các cơ quan, cán bộ, công chức, các hình thức dân chủ trực tiếp của người dân… tiếp tục được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý ngày càng đầy đủ cho việc thi hành trên thực tế.

Tuy nhiên, so yêu cầu đặt ra, còn một số quyền của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 nhưng chưa được cụ thể hóa thành luật; chưa có cơ chế hiệu quả để công dân thực hiện quyền yêu cầu xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật mà việc áp dụng văn bản đó có thể gây ra những thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; quy định về một số hình thức dân chủ trực tiếp (lấy ý kiến và phản biện xã hội...) chưa hoàn thiện.

Việc tổ chức thi hành pháp luật về bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trên một số lĩnh vực còn hạn chế; các thiết chế bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân chưa hiệu quả. Hiến pháp quy định việc hạn chế quyền con người, quyền công dân trong trường hợp cần thiết phải theo quy định của luật. Mới đây, Quốc hội khóa XV có ban hành nghị quyết ủy quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thẩm quyền về vấn đề này là điều tốt, đáp ứng yêu cầu cấp bách do thực tiễn đặt ra. Để bảo vệ tốt hơn quyền con người, cần có cơ chế, thiết chế bảo vệ Hiến pháp. Theo đó, Quốc hội cần sớm ban hành luật về cơ chế bảo vệ Hiến pháp theo quy định tại khoản 2 Điều 119 Hiến pháp năm 2013; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng các dự án luật cụ thể hóa quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013.

Về quy trình lập pháp

Thời gian qua, Quốc hội có nhiều bước cải tiến, đổi mới trong quy trình lập pháp theo hướng dân chủ, nâng cao chất lượng, tăng tính chủ động, chặt chẽ, minh bạch. Đó là đổi mới cơ bản việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội theo hướng không còn Chương trình cả nhiệm kỳ mà chỉ duy trì Chương trình hằng năm, thể hiện tính linh hoạt, phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội phát triển nhanh chóng; đổi mới cơ bản, toàn diện quy trình xây dựng, ban hành luật theo hướng tách bạch quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo.

IMG_2664-1634025710088.JPG
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ trong Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Duy Linh)

Kết quả vừa qua mở rộng dân chủ, huy động trí tuệ của xã hội, tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, đặc biệt là đã bổ sung quy định rõ trách nhiệm phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Gần đây Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung quy định việc xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu trong các trường hợp cấp thiết; bổ sung quy định rõ, đầy đủ và nâng cao hơn trách nhiệm của các chủ thể trong xây dựng, ban hành văn bản.

Tuy nhiên, thực tiễn xây dựng pháp luật vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Đó là, các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn điều chỉnh nhiều. Việc lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án đôi lúc còn chưa sâu sắc; việc rà soát để nhận diện những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay trong quá trình soạn thảo trong một số trường hợp chưa được chú trọng dẫn đến nội dung dự án, dự thảo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trường hợp chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; việc đánh giá tác động đối với một số chính sách còn sơ sài, chưa thực chất.

Việc nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, có trường hợp vẫn còn điểm hạn chế, chưa phát huy hết khả năng và vai trò của từng cơ quan, tác động tới chất lượng chuẩn bị và hoàn thiện dự án trước khi trình xem xét, thông qua; kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động xây dựng pháp luật có lúc chưa cao, các chế tài chưa đầy đủ. Việc gửi dự án đến cơ quan thẩm tra vẫn còn một số trường hợp chưa đúng tiến độ về thời gian, ảnh hưởng chất lượng thẩm tra. Một số cơ quan của Quốc hội chưa thật sự kiên quyết trong việc xử lý đối với văn bản trình chậm tiến độ, chất lượng chưa tốt...

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương xây dựng pháp luật

Cùng với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, việc áp dụng các thành tựu tiến bộ của công nghệ mới vào quy trình lập pháp là vấn đề đáng quan tâm. Thực tiễn cuộc sống có những diễn biến nhanh, do đó, đặt ra yêu cầu về việc xây dựng cơ chế đẩy nhanh hơn nữa hoạt động lập pháp, hiện đại hóa phương thức, phương tiện xây dựng pháp luật, khai thác, ứng dụng tối đa thành tựu của khoa học, kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin nhằm đổi mới phương pháp, tiến độ, chất lượng và hiệu quả của quy trình xây dựng pháp luật, thực hiện thành công Quốc hội điện tử.

Việc ứng dụng công nghệ mới về thông tin và khai thác cơ sở dữ liệu toàn diện cùng với sự hỗ trợ tích cực của trí tuệ nhân tạo giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng phân tích về chính sách. Do đó, việc tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp theo hướng chặt chẽ, khoa học, hiện đại, chuyên nghiệp, áp dụng kỹ thuật lập pháp tiến bộ trong soạn thảo là vấn đề cần tiếp tục được tăng cường, hoàn thiện trong thời gian tới.

Để khắc phục những vấn đề nêu trên, thời gian tới, Quốc hội cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; tuân thủ nghiêm quy trình, thủ tục ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội không xem xét, thông qua các dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng, không đầy đủ hồ sơ và không bảo đảm thời hạn theo quy định.

Vấn đề quan trọng nữa là tăng chất lượng, thực chất trong công tác lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và các đối tượng liên quan, lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, cần có sự tham gia nhiều hơn của các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn tham vấn để xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật.