40 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước

Thẳm xanh Thạch Hãn

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, lúc còn là Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Việtđóng ngay trong Thành cổ, từng dặn dò anh em trong tạp chí: Đừng giẫm lên cỏ, đừng xéo đất này, mỗi ngọn cỏ là một linh hồn chiến sĩ, mỗi hạt sương là một giọt máu hồng đã được đất trời thanh sạch. Ấy là ông kể về cuộc chiến 81 ngày đêm suốt cả "mùa hè đỏ lửa 1972", hàng vạn chiến sĩ ta đã hy sinh anh dũng để giải phóng Quảng Trị, bảo vệ Thành cổ.

Dòng người bất tận thăm Thành cổ Quảng Trị.
Dòng người bất tận thăm Thành cổ Quảng Trị.

Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị còn lưu giữ bức thư trong túi áo của người lính trẻ - liệt sĩ Lê Binh Chủng, quê Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 1970, chàng trai xứ Nghệ Lê Binh Chủng nhập ngũ, đóng quân ở Quảng Bình, yêu cô du kích miền tuyến lửa Phan Thị Biển Khơi.

Đơn vị đứng ra tổ chức đám cưới cho đôi trai gái nên vợ nên chồng trước ngày hành quân vào Quảng Trị. Năm 1971, người vợ nơi hậu phương sinh cậu con trai kháu khỉnh. Mùa hè năm 1972, anh Chủng tham gia chiến dịch Thành cổ. Giữa chiến trường ác liệt, nhận thư và ảnh của vợ cùng con trai, anh cất vào ngực áo. Chưa kịp viết thư thưa chuyện cùng cha mẹ, người lính trẻ Lê Binh Chủng anh dũng hy sinh. 27 năm sau, hài cốt anh và đồng đội được tìm thấy dưới căn hầm chữ A ven Thành cổ. Nhờ có bức thư và địa chỉ, bố mẹ anh mừng mừng tủi tủi tìm được mộ con trai, đón con dâu cùng cháu nội về quê.

Chiều Thành cổ, từ Chợ Sải, chúng tôi ngược dòng Thạch Hãn, qua Gia Độ, Bích La, lên Tích Tường, Như Lệ... Dưới chân cầu Giang Hến, tình cờ gặp gỡ, trò chuyện cùng người phụ nữ tảo tần bán hến nơi bến sông. Có ai ngờ, đó là o du kích Nguyễn Thị Thu năm xưa. O kể: "Tui với bố chồng, hễ có lệnh là lên thuyền, chở bộ đội sang đánh ở Thành cổ, chở thương binh về cứu chữa. Ngày ít cũng một đôi chuyến, ngày nhiều thì hàng chục chuyến. Bom đạn vãi như mưa, không biết răng hắn chừa o ra. Hòa bình, o lại về bến sông, chèo thuyền, cào hến, nuôi con. Đóng góp, chỉ có bức ảnh lớn treo trang trọng giữa Bảo tàng Thành cổ làm chứng".

Trong tủ kính trang nghiêm của Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị trưng bày lá thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Đang học năm thứ tư Đại học Xây dựng, cưới vợ được sáu ngày, Lê Văn Huỳnh lên đường tham gia chiến dịch Thành cổ. Biết rằng người lính có thể hy sinh bất cứ lúc nào, anh biên thư về "tạ tội" với người mẹ già.

Thư rằng: "Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng, phòng khi đã đi "nghiên cứu bí mật trong lòng đất", thì gia đình khỏi lấy đó là điều đột ngột... Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu... thôi thì coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau". Ba mươi năm sau, lần theo những gì mô tả trong thư, gia đình, đồng đội tìm được ngôi mộ cuối làng Nhan Biều, bên bờ bắc sông Thạch Hãn.

Cựu chiến binh Thành cổ Mai Phước Liệu kể rằng, từ giữa tháng 7-1972, đơn vị C2 do ông làm chính trị viên nhận nhiệm vụ chốt ở góc đông nam Thành cổ, gần nhà thờ Trí Bưu. Nói là đại đội nhưng quân số chỉ 42 người, nhỉnh hơn trung đội tý chút, nhiều đồng chí bị thương, đau ốm vẫn quyết bám trụ. Gian khó, khốc liệt nhưng điều lạ là ở trận Thành cổ, chỉ có hy sinh, không có yếu lòng, sợ hãi. Đêm 16-9, mưa lớn, nước lũ cuồn cuộn đổ về, đơn vị Mai Phước Liệu rút sau cùng, anh em bám lấy những gốc cây lớn, lựa dòng đạp lũ sang sông. Cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu dọc bờ bắc Thạch Hãn, chính ông trực tiếp bắn cháy tại chỗ một chiếc máy bay F4 của Mỹ, rơi trên cánh đồng Lương Kim Ấp. Viên trung tá phi công Phi-líp A-sinh-gơ bị ông bắt sống. Run run nâng tấm ảnh phóng to treo giữa nhà, Đại tá, Anh hùng LLVT Mai Phước Liệu chùng giọng: "Đời lính, chiến công, huân huy chương, danh hiệu đủ cả, nhưng tấm ảnh được chụp với Bác vào tháng Giêng 1969 là quý giá nhất đời mình".

Lớn lên bằng nước nguồn Thạch Hãn, ông Nguyễn Văn Quốc, quê xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, xung phong vào bộ đội khi mới 16 tuổi, tham gia hầu hết các trận đánh từ Cửa Tùng, Cửa Việt, Đầu Mầu, đến Khe Sanh, Làng Vây, Ba Lòng, Cam Lộ... Cuối năm 1968, ông rơi vào ổ phục kích, bị địch bắt, tra tấn dã man, giam hết từ chi khu Hải Lăng, đồn Mang Cá đến lao Thừa Phủ, nhà tù Phú Quốc. Đầu năm 1973, tin Hiệp định Pa-ri ký kết lan truyền vào nhà lao. Đảng bộ nhà lao họp bàn phương án chiến đấu mới, bí mật may cờ giải phóng, khẩu hiệu, vẽ ảnh Bác. Để tránh địch phát hiện, lá cờ giải phóng chỉ bé bằng bàn tay, chia thành ba mảnh, người cất giấu trên tóc, trong mũi, tai, hoặc cào xước chân tay, xin bông băng cứu thương rồi giấu vào trong. Được trao trả tại sân bay Thiện Ngôn, tỉnh Tây Ninh, ông Quốc cùng đồng đội vượt Trường Sơn, về với dòng Thạch Hãn trong xanh, tiếp tục chiến đấu cho đến ngày thắng lợi, hòa bình.

Ngôi nhà nhỏ giữa vườn cây trái sum suê ven Thành cổ bừng tỉnh với câu chuyện hừng hực khói lửa chiến tranh của người lính già Lương Chí Hiền. 88 tuổi, nhưng chiều chiều ông vẫn đạp xe khắp thị xã, khi thăm thú bạn bè, khi ngó sông, lội chợ. Chuẩn bị cho trận Thành cổ, ông chỉ huy một cánh quân địa phương bí mật vượt Cửa Việt, đánh bọc từ phía biển lên. Suốt 81 ngày đêm, cả một vùng hai bờ Thạch Hãn là chiến trường ác liệt. Mỗi gốc cây là một ụ súng, mỗi bờ đất là một chiến lũy, mỗi khe nước là một chiến hào. Hy sinh không ai tính được. Chỉ vào bức ảnh chụp chung với hai sĩ quan Mỹ, ông khoe: "Bọn hắn chụp tặng năm 73 đó. Lúc đó, mình là Trưởng phái đoàn trao trả và đón nhận tù binh chiến tranh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam, còn hai đứa hắn là cố vấn Mỹ. Trại trao trả tù binh dựng ở phía dưới cầu Thạch Hãn bây giờ chừng hơn trăm mét. Theo thỏa thuận, ta dùng canô chở lính ngụy sang trước, trao trả xong mới đón quân ta trở về, thời gian trao trả từ cuối tháng 3 đến hết tháng 9-1973. Những người trở về từ các nhà tù tàn ác của Mỹ ngụy, không biết bằng cách nào đã chuẩn bị sẵn cờ giải phóng, khẩu hiệu... ra giữa sông là cởi quần áo chúng cấp vứt trở lại, phất cờ, hô vang khẩu hiệu, hát bài ca chiến thắng.

Cựu chiến binh Thành cổ Lê Bá Dương nhớ rằng, mùa hè, hoa mào gà cứ đỏ thẫm triền sông Thạch Hãn. Mùa này, hoa vẫn nở hồn nhiên trong nắng ấm, như nén hương thơm, viếng người nằm dưới cỏ. Tít tắp những cánh đồng, khoai vừa kín vồng, ngô chắc cây và mướp, cà ươm nụ, cứ thế, hoa lặng lẽ trôi, về phía thời gian.