Tăng cường phát huy dân chủ gắn với đề cao trách nhiệm cá nhân

Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương ba lần này là thảo luận, xem xét, ban hành các Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhiệm kỳ khóa XIII. Đây là việc làm cần thiết ngay sau mỗi đại hội, nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng giữa hai kỳ đại hội; là nhân tố bảo đảm cho việc hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra.

Lãnh đạo Huyện ủy Trạm Tấu (Yên Bái) cùng đồng bào xã Pá Lau xuống đồng gieo cấy lúa. Ảnh TTXVN
Lãnh đạo Huyện ủy Trạm Tấu (Yên Bái) cùng đồng bào xã Pá Lau xuống đồng gieo cấy lúa. Ảnh TTXVN

Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại, đã thành công rất tốt đẹp, song đó mới là tiền đề, định hướng cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Các nhiệm vụ, mục tiêu Đại hội đề ra có thành hiện thực hay không là ở khâu tổ chức thực hiện, đó là trọng trách của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Khi phát biểu bế mạc Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bộc bạch, Đại hội thành công mới là mở đầu. Còn làm được hay không, mai kia có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của Đại hội,...

Tăng cường phát huy dân chủ gắn với đề cao trách nhiệm cá nhân -0
Cán bộ xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) tìm hiểu thực tế tình hình sản xuất của người dân. Ảnh: ANH SƠN

Việc xây dựng, ban hành các Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII (gọi chung là quy chế làm việc) là nhằm cụ thể hóa Điều lệ Đảng, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc và phương pháp công tác trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong mỗi nhiệm kỳ đại hội, quy chế làm việc là cơ sở cho mọi tổ chức hoạt động của các cơ quan đảng trong suốt 5 năm của nhiệm kỳ. Với nhiệm kỳ khóa XIII, các quy chế đó lại càng có ý nghĩa quan trọng và được chuẩn bị rất công phu, bài bản ngay từ khi dự thảo đến quá trình thảo luận và xem xét quyết định. Bởi Đại hội XIII có nhiều điểm mới so với các kỳ trước, không chỉ đề ra nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp 5 năm tới mà còn xác định cho cả giai đoạn 10 năm và tầm nhìn đến năm 2045; bởi bên cạnh những thuận lợi, đất nước cũng đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, có những biến động không thể lường trước, rõ nhất là đại dịch Covid-19 đã lây lan, bao phủ toàn cầu, chưa biết bao giờ mới hết, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội của các nước, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, để triển khai tổ chức đưa nghị quyết vào cuộc sống đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy, tổ chức đảng mà trước hết, trực tiếp là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Tất cả thành một khối đoàn kết thống nhất, chung ý chí phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội đã đề ra.

Để vươn tới khát vọng ấy thì quyết tâm lớn chưa đủ mà đi liền với đó là các chương trình hành động phải khoa học, cụ thể, thiết thực cho từng năm, từng giai đoạn; có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, đơn vị, các cá nhân phụ trách, có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm... Quy chế làm việc quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan đảng, của các cá nhân là nhằm phát huy cao độ tinh thần chủ động, sáng tạo, mạnh dạn đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân trên cơ sở giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ - dân chủ trong thảo luận, quyết sách những chủ trương, vấn đề lớn để phát triển đất nước, tập trung để thống nhất ý chí trong triển khai tổ chức thực hiện, biến các chủ trương, quyết sách đó thành hiện thực. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc là nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, đổi mới, cải tiến chế độ, lề lối làm việc, phương pháp công tác, tăng cường sự phân công, phân cấp vừa bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội, vừa tránh chồng chéo, hay mâu thuẫn, bỏ sót việc, đồng thời không can thiệp vào công việc chuyên môn. Mọi việc làm phải "đúng vai, thuộc bài" như Tổng Bí thư nhiều lần nhắc nhở.

Qua mỗi lần Đại hội, Đảng ta lại có thêm nhiều kinh nghiệm trong xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội. Việc xây dựng quy chế làm việc của nhiệm kỳ này sẽ kế thừa những kinh nghiệm hay trong quy chế làm việc của nhiệm kỳ trước, đồng thời sửa đổi, bổ sung những điểm mới cho phù hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và sát thực với yêu cầu nhiệm vụ mà Đại hội XIII đã bàn và thông qua. Đó là những nội dung mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở khi phát biểu khai mạc Hội nghị, để Trung ương thảo luận, cho ý kiến, như trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Thường trực Ban Bí thư; chế độ sơ kết, tổng kết, chế độ đi công tác cơ sở, phương pháp, lề lối làm việc, mối quan hệ công tác,...

Việc xây dựng, ban hành các quy chế làm việc là cơ sở phát huy tốt hơn nữa dân chủ trong Đảng, khơi dậy trí tuệ, tinh thần sáng tạo gắn liền với trách nhiệm công tác của từng đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Ủy ban Kiểm tra Trung ương; là căn cứ để thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống.