Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Đại tá Lê Kim Giàu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai cho biết: Xác định "Đền ơn đáp nghĩa" là việc làm thường xuyên, nên thời gian qua, Đảng ủy-Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều chủ trương, biện pháp, hình thức tổ chức các hoạt động tri ân phù hợp, hiệu quả, huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, cá nhân, các nguồn lực xã hội cho công tác này.
Từ những chủ trương đúng
Công tác đền ơn đáp nghĩa đã trở thành một trong những nét đẹp truyền thống của đơn vị trong quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển. Hằng năm, nhất là dịp ngày lễ, Tết, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai triển khai các tổ công tác đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, tiếp sức cho thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng. Bên cạnh việc thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ tại ngũ, đơn vị còn triển khai thực hiện chính sách hậu phương quân đội bằng nhiều biện pháp đồng bộ, phù hợp, đạt hiệu quả thiết thực. Các đơn vị của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã có nhiều hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ, chăm lo, giúp đỡ thương binh, người có công với cách mạng, như: Chăm lo cho bố, mẹ liệt sĩ neo đơn; tặng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội, tặng sổ tiết kiệm...
Trong ba năm qua, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai đã xây dựng, bàn giao 12 Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội, với hơn 11.700 ngày công; di dời 58 ngôi nhà, 22 kho thóc, 68 chuồng gia súc giúp các đối tượng chính sách; tặng ba con bò giống, 500 cây điều, gần 1.350 cây cà-phê, bời lời; 150 kg giống đậu Cove, bắp lai; 550 kg phân bón các loại, cùng hàng nghìn ngày công giúp đỡ bà con chính sách khó khăn thu hoạch cà-phê, lúa mùa, nạo vét kênh mương thủy lợi. Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 1.350 lượt bà con dân tộc thiểu số và thân nhân gia đình chính sách; thăm hỏi, hỗ trợ và tặng quà các đối tượng chính sách..., với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, trong những lúc bão lũ, bất kể khó khăn, hiểm nguy đe dọa đến tính mạng, cán bộ, chiến sĩ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh luôn có mặt kịp thời để cứu nạn và giúp đỡ hàng trăm hộ dân địa phương, hộ gia đình chính sách...
Đến nay, người dân địa phương trên các địa bàn tỉnh Gia Lai chắc không bao giờ quên câu chuyện cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đã băng mình, vượt qua lũ dữ, cứu hàng trăm người dân bị mắc kẹt bởi nước lũ, đặc biệt đã hai lần tổ chức dùng súng chuyên dụng bắn dây, bắn móc sắt vào đá, vào cây để cứu người bị nước lũ bao vây, mắc kẹt trên ngọn cây, mỏm đá... khi cái chết chỉ còn cách gang tấc.
Tri ân là đền đáp
Với trách nhiệm chính trị và nghĩa tình đồng đội sâu đậm, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách hiện hành đối với hậu phương quân đội. Chỉ đạo cho Phòng Chính trị, Ban Chính sách rà soát chuẩn hóa thông tin, hoàn thiện hồ sơ danh sách liệt sĩ và cơ sở dữ liệu về liệt sĩ; tiếp tục giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh phục vụ cho tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ và trả lời đơn thư cho thân nhân, gia đình liệt sĩ đến tìm thông tin về liệt sĩ. Cùng với đó, triển khai cho Đội K52 tích cực tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cả trong và ngoài nước.
Không giấu được niềm vui khi vào sống trong ngôi nhà mới, ông Siu H Lim ở làng Bua, xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) bộc bạch: "Mình tham gia cách mạng từ nhỏ. Tuổi già, lại bệnh tật khó khăn, ước mơ có được ngôi nhà xây, to, đẹp và khang trang đã toại nguyện. Cán bộ, chiến sĩ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh không những cho tiền để xây, mà còn triển khai cả bộ đội đến giúp nữa. Tặng nhà tình nghĩa, lãnh đạo đơn vị còn hỗ trợ thêm chăn màn, giường chiếu và cả cái ti-vi to để nghe Đảng, Nhà nước, Chính phủ... nói nữa". Cũng tâm trạng mừng vui, ông Rơ Mah Krông, sinh 1962, ở làng Hek, xã Chư A Thai (Phú Thiện) cho biết: "Do thiếu đất sản xuất, gia đình mình lên núi Cheng Leng sinh sống từ năm 1985. Ở trên núi, tuy trồng mì, lúa, đậu xanh đủ ăn, song cuộc sống gặp nhiều khó khăn do không có điện, đường, trường, trạm, cũng như các dịch vụ xã hội khác. Vợ chồng mình có năm người con, nhưng không đứa nào được đi học. Bây giờ được Nhà nước đưa về làng mới sinh sống, lại được cán bộ, chiến sĩ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh giúp đỡ vận chuyển và dựng lại ngôi nhà ở dưới làng mới, gia đình mình vui lắm. Chỉ biết nói lời cảm ơn bộ đội thôi!".
Thực hiện tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa và chính sách đối với người có công với cách mạng cũng là để cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai thể hiện tình cảm, trách nhiệm, nghĩa tình đối với những người có công, nhất là khi Tết đến, Xuân về. Những việc làm thiết thực, ý nghĩa nêu trên đã góp phần củng cố tình đoàn kết quân-dân và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội.