Vì thế, trong một số cuộc họp gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nêu vấn đề, đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải gắn liền với phòng, chống tiêu cực; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (BCĐ) không chỉ có chỉ đạo phòng chống tham nhũng mà bao gồm cả chỉ đạo phòng, chống tiêu cực. Đây là quan điểm mới được tập trung thảo luận tại phiên họp thứ 20 của BCĐ khi cho ý kiến về Đề án Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BCĐ.
Suy thoái và tham nhũng, hai mặt của bóng tối
Cuộc chiến chống tham nhũng bao giờ cũng cam go, phức tạp bởi nó như một thứ bệnh nan y mà người ta gọi là "khuyết tật bẩm sinh của quyền lực". Từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đại hội lần thứ VII, Đảng ta đã cảnh báo, đây là một trong bốn nguy cơ đối với đất nước và nó ngày càng tinh vi hơn. Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương của Hội nghị Trung ương 5, khóa XI (ngày 1/2/2013), Bộ Chính trị quyết định thành lập BCĐ do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, từ đó được chỉ đạo quyết liệt với cách làm bài bản và mang lại hiệu quả rõ rệt. Hơn bảy năm, kể từ khi thành lập BCĐ đến cuối năm 2020, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử 1.900 vụ án tham nhũng, với hơn 4.400 bị can. Riêng BCĐ đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc. Chưa bao giờ có nhiều cán bộ cấp cao vướng vào vòng lao lý vì tham nhũng, cố ý làm trái như nhiệm kỳ khóa XII của Đảng, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch UBND tỉnh, tướng lĩnh trong các lực lượng vũ trang. Thật đau xót, nhưng không thể không làm.
Tuy đã đạt nhiều kết quả, nhưng tình trạng tham nhũng vẫn là vấn nạn bức xúc hiện nay. Tại phiên họp thứ 20 vừa qua, BCĐ chỉ đạo khẩn trương đưa năm vụ án lớn, phức tạp ra xét xử. Điển hình như vụ đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và các cơ quan, đơn vị liên quan,...
Tham nhũng chưa bị đẩy lùi. Cùng với đó, tình trạng tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên cũng chưa được ngăn chặn. Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, 27 biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết chỉ rõ chưa được khắc phục hiệu quả, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng; cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ. Tham nhũng và suy thoái, tiêu cực luôn đi với nhau như hai mặt của bóng tối vậy.
Cần "thượng phương bảo kiếm"
Suy thoái là mầm bệnh của chủ nghĩa cá nhân, mẹ đẻ của mọi thứ bệnh tiêu cực; chính vì suy thoái, đánh mất phẩm chất, đạo đức của người cán bộ, chỉ lo vơ vét cá nhân mà dẫn đến tham nhũng, kể cả tham nhũng chính trị, ham hố quyền lực, kéo bè, kéo cánh. Và cũng vì tham nhũng mà dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, làm hư hỏng cán bộ. Phát biểu tại phiên họp thứ 20 của BCĐ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ rất lo ngại về tình trạng này. Vì suy thoái mà dẫn đến "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", thậm chí chống lại Đảng, như thế còn tệ hại hơn cả tham nhũng. Chống được suy thoái còn quan trọng hơn chống được tham nhũng tiền bạc, vì tiền bạc có thể thu hồi lấy lại, còn con người mà mất phẩm chất chính trị, phản bội thì khó lắm. Vì thế, việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho BCĐ thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là rất cần thiết.
Lâu nay BCĐ, các cấp ủy đã tập trung chỉ đạo đấu tranh, phòng chống tham nhũng, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp, nghiêm trọng; nhưng chưa quan tâm đúng mức việc chỉ đạo phòng, chống tiêu cực; chưa gắn kết chặt chẽ giữa đấu tranh phòng chống tham nhũng với đấu tranh phòng, chống tiêu cực. "Việc đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống chưa mạnh mẽ" như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ.
Từ khi thành lập, BCĐ đã làm rất tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã thành xu thế, không ai có thể đứng ngoài, "không có vùng cấm", không có ngoại lệ. Thực tiễn đó cho thêm nhiều kinh nghiệm quý để BCĐ làm tốt việc chỉ đạo phòng, chống tiêu cực, nếu được giao thêm nhiệm vụ này. Tuy nhiên, phạm vi đối tượng của phòng, chống tiêu cực ở đây là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhưng trước hết vẫn là "khoanh vùng" trong cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trọng tâm của phòng, chống tiêu cực là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với các hành vi có tính chất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của Đảng; chống lại Đảng, Nhà nước và chế độ; làm giảm sút niềm tin của nhân dân.
Đấu tranh phòng chống tham nhũng, phòng, chống tiêu cực là đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống và cũng là nhiệm vụ hàng đầu đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng không chỉ trong nhiệm kỳ này. Cái khó trong phòng, chống tiêu cực không như phòng chống tham nhũng. Tham nhũng có thể đong đếm thành tiền bạc, nhưng tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống rất khó định lượng. Đặc biệt là khi mà trên nóng, dưới dù đã bớt lạnh, nhưng mới âm ấm thôi, sẽ rất khó thực hiện. BCĐ chỉ tập trung chỉ đạo những vụ án trọng điểm, vụ án lớn, tác động mạnh mẽ đến xã hội, không làm thay các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng. Trong cuộc chiến này, sức mạnh của toàn dân, của cả hệ thống chính trị mới là quan trọng.
Kết quả của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhất là những kinh nghiệm hay có được từ thực tiễn sẽ tiếp sức cho phòng, chống tiêu cực, gắn phòng chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực hiệu quả nhất. Đó là tinh thần chỉ đạo quyết liệt, bài bản của BCĐ; BCĐ không làm thay nhưng sẵn sàng vào cuộc khi có nơi nào lơ là, làm qua loa, chiếu lệ. Dưới sự chỉ đạo của BCĐ, như có "thượng phương bảo kiếm", các cơ quan chức năng sẽ phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ hơn, nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, vấn đề còn ý kiến khác nhau, để đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm, các cơ quan chức năng chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý mà không chờ đến khi kết thúc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án mới chuyển. Cũng trong quá trình ấy, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ diện Trung ương quản lý, thì báo cáo ngay với các đồng chí Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (đều là Phó Trưởng BCĐ) để tham mưu cho đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý; và chuyển ngay thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để kiểm tra, xử lý theo quy định của Đảng.
Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực bao giờ cũng là việc khó, nhạy cảm, phức tạp. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của BCĐ, sự vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng của các cơ quan chức năng và cả hệ thống chính trị, thực trạng này sẽ bị đẩy lùi.