Nhớ lời Bác dặn: Tự lực cánh sinh

Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm chiều ngày 19-5-1955.
Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm chiều ngày 19-5-1955.

Từ một nhà máy hầu hết công việc làm thủ công, máy móc lạc hậu, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, nay là Công ty xe lửa Gia Lâm đã cho ra đời nhiều sản phẩm đầu máy, toa xe chất lượng cao, thay thế thiết bị nhập khẩu vì mục tiêu hiện đại hóa ngành đường sắt. Thành công có bài học từ thực hiện lời dạy của Bác Hồ về tự lực cánh sinh  khi Người về thăm nhà máy, đúng ngày 19-5-1955...

Vậy là nhà máy đã hơn 100 năm tuổi. Buổi chiều đầu hạ, một tốp thợ cao tuổi ngồi hàn huyên dưới tán lá xanh của những cây bằng lăng tím kể với nhau về chuyện nhà máy, chuyện gia đình. Họ đều là thợ bậc cao của nhà máy, nổi danh là những "bàn tay vàng" của ngành cơ khí.

Không gian truyền thống nơi đây đã gắn bó máu thịt với bao thế hệ người thợ gợi lại bao câu chuyện và hình ảnh đã qua. Nhưng dấu ấn đậm nét trong tâm khảm của những thế hệ người thợ, cán bộ, đảng viên là sự kiện Bác Hồ về thăm nhà máy vào đúng Ngày sinh  của Người cách đây 52 năm.

Trong buổi gặp mặt ấy, Bác ân cần hỏi thăm tình hình sản xuất và đời sống công nhân. Nói về thi đua sản xuất, Bác giải thích thi đua khác với ganh đua; rồi căn dặn: "Muốn thi đua cho kết quả tốt thì phải đoàn kết, phổ biến kinh nghiệm cho nhau, bền gan và cố gắng học tập". Lớp lớp cán bộ, công nhân nhà máy ghi lòng tạc dạ lời dạy của Bác, biến thành động lực trong lao động sản xuất. Bước vào thời kỳ đổi mới, nhà máy lập thành tích đặc biệt xuất sắc, được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động. Niềm tự hào về truyền thống cha anh là mạch nguồn sức mạnh đồng thời cũng là áp lực và là thử thách với thế hệ trẻ và những người lãnh đạo đương nhiệm công ty.

Vào giai đoạn cạnh tranh giữa các đơn vị cơ khí, một bộ phận công nhân việc làm không ổn định, đời sống hàng trăm gia đình công nhân rơi vào tình cảnh khó khăn.

Trong cuộc vượt khó này, Ðảng ủy và Ban giám đốc công ty luôn củng cố khối đoàn kết, phát huy nội lực, tập trung "đột phá mũi nhọn", nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Công ty mạnh dạn huy động vốn mua sắm máy móc, thiết bị chuyên dụng hiện đại để nâng cao chất luợng sản phẩm.

Ði liền với mục tiêu đó, Ðảng bộ phát huy mạnh mẽ phong trào thi đua thực hiện lời Bác dạy khi Người về thăm nhà máy. Mặt khác, quy chế dân chủ ở công ty được thực thi tốt thông qua hàng loạt các quy định về quản lý mua sắm, cấp phát vật tư, trả lương, tuyển dụng lao động, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CNVC... Công khai dân chủ được phát huy đã tăng cường sức mạnh đoàn kết trong nội bộ doanh nghiệp.

Phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật  "nở rộ" tại sáu phân xưởng và các phòng, ban. Tập thể anh em công nhân trong công ty có 198 sáng kiến. Ðội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật bắt tay vào nghiên cứu  25 đề tài trong các lĩnh vực quản lý và cải tiến kỹ thuật, chủ động tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm. Nhìn từ góc độ khác, thành quả trên bắt nguồn từ "tầm nhìn xa" việc đầu tư bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ cao của công ty. Ðó là việc Ðảng ủy triển khai quy hoạch, đào tạo nguồn cán bộ cơ bản lâu dài có phẩm chất, có năng lực trí tuệ với tất cả các chức danh.

Ông Phạm Lịch, Phó Bí thư Ðảng ủy, Phó Giám đốc công ty cho biết, đến nay công ty có đội ngũ kỹ sư gồm 80 người; các chức danh trong công ty đều được chuẩn hóa. Mỗi năm có tới 30% số cán bộ quản lý của công ty được gửi đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn.

Những tư liệu từ nhà truyền thống, trong hồi ức của những người thợ cao tuổi vẫn sống động hình ảnh, câu chuyện buổi chiều 19-5-1955, Bác về thăm nhà máy. Bác cùng những người đi trong đoàn không vào văn phòng mà đến thẳng các phân xưởng sản xuất. Bác kiểm tra nhà ăn, chỗ nghỉ ngơi và khu vệ sinh của cán bộ, công nhân viên. Phân xưởng đầu máy trở thành hội trường, tất cả anh em công nhân nhà máy tập trung nghe Bác nói chuyện. Cán bộ, công nhân vui mừng vây quanh chúc mừng sinh nhật Bác. Không khí thật chân tình, gần gũi. Khi ấy máy móc còn thô sơ, lao động thủ công là chủ yếu. Người căn dặn: Nước ta còn nghèo. Các cô các chú phải tích cực làm việc với tinh thần tự lực cánh sinh để xây dựng đất nước và góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà .

Với sự nỗ lực phấn đấu, công ty đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ có trình độ học vấn và tay nghề cao, đủ đức, đủ tài. Thực hiện lời Bác căn dặn năm xưa về "tự lực cánh sinh", hai đề tài cấp nhà nước do đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ sư công ty nghiên cứu và trực tiếp đưa vào sản xuất thành công chỉ trong vài năm gần đây.

Từ đề tài khoa học cấp nhà nước  "Nghiên cứu chế tạo toa xe cao cấp" do các kỹ sư cùng tập thể cán bộ nhà máy thực hiện, đến nay công ty đã sản xuất, chế tạo thành công 20 toa xe cao cấp cho đoàn tàu SE3/SE4, đóng mới 164 xe hàng. Công ty bỏ vốn chế tạo toa xe lắp bộ chuyển giá xe hàng kiểu Nhật Bản, không phải nhập của nước ngoài.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Bác về thăm nhà máy, cũng là khi đề tài cấp nhà nước "Nghiên cứu chế tạo lắp ráp đầu máy đi-ê-den" mang tên D19E do kỹ sư Trần Văn Minh cùng tập thể cán bộ kỹ thuật của công ty thực hiện và đã ứng dụng vào sản xuất đúng vào ngày 3-2 năm nay.

Những ngày tháng 5 này ở tất cả các phòng, ban, phân xưởng đều nhộn nhịp không khí lao động khẩn trương. Những công nhân, đảng viên trẻ như Nguyễn Hữu Thắng, Hoài Văn, Nguyễn Tuấn Anh, Anh Tuấn, Anh Huy hòa mình trong từng tốp thợ miệt mài lao động với những chi tiết sản phẩm đòi hỏi độ chính xác cao. Các anh cho biết: Bước vào chiến dịch thực hiện dự án cả 12 chi bộ trong Ðảng bộ đều đăng ký các mục tiêu thi đua cụ thể. Giai đoạn này năng suất lao động toàn công ty tăng từ 10 đến 15%, thu nhập của công nhân tăng hơn hai lần.

Bí thư chi bộ, Quản đốc phân xưởng Nguyễn Thanh Sơn tự tin khẳng định, phân xưởng đã hoàn thành lắp ráp, bàn giao năm đầu máy D19E trước thời hạn. Dự kiến năm 2007, phân xưởng sẽ hoàn thành và bàn giao mười đầu máy. Với tinh thần tự lực cánh sinh, chủ động nghiên cứu khoa học và mạnh dạn đầu tư hơn 200 tỷ đồng, công ty đã nghiên cứu và ứng dụng lắp ráp  thành công đề tài cấp nhà nước "Chế tạo và lắp ráp đầu máy đi-ê-den"  trong nước (giá chỉ bằng 70 đến 80% so với nhập của nước ngoài). Ðây là một thành tựu quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa ngành đường sắt.

Mới đây, do hội đủ năng lực, điều kiện sản xuất, công ty đã tham gia đấu thầu quốc tế, đóng mới toa xe khách cho Bangladesh, New Zealand. Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Thái-lan, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc và Lào đã đến tìm hiểu tình hình sản xuất và đặt mua sản phẩm của công ty.

Thực hiện lời dạy của Bác, tạo nên động lực trong thi đua, luôn "tự lực cánh sinh" lao động sáng tạo, đội ngũ cán bộ, công nhân của công ty đã và đang tạo thế và lực mới trên con đường phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.

MÃ ÐÀ và NGỌC HIẾU