Người Anh hùng đặc công Rừng Sác

Trong ngôi nhà khiêm nhường nằm bên quốc lộ 1A thuộc thôn Hòa Bình, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, người anh hùng của đặc công Rừng Sác kể cho chúng tôi nghe những trận đánh có một không hai của một đơn vị đặc công Anh hùng. Ở tuổi 68, chất giọng ông sang sảng lúc sôi nổi, lúc chùng xuống. Năm 1965 ông nhập ngũ vào đơn vị bộ đội địa phương huyện Quảng Trạch rồi tham gia vận chuyển lương thực từ các tàu biển vào đất liền. Với sức vóc trai làng biển, với tài bơi lội như rái cá, ông được chọn vào bộ đội hải quân và được đưa đi huấn luyện đặc công nước tại Hải Phòng. Sau khóa huấn luyện, ông được phiên vào Ðại đội đặc công Hải quân và được lệnh lên đường vào nam chiến đấu. Tháng 8-1967 đơn vị huấn luyện của ông tập trung tại Nhơn Trạch (Ðồng Nai) và thành lập Trung đoàn 10 (Trung đoàn Ðặc công Rừng Sác).

Từ khi Trung đoàn 10 được thành lập, rừng Sác trở thành căn cứ "nổi" của cách mạng (Củ Chi được xem là căn cứ "chìm"). Ðơn vị của ông là đặc công nước được giao nhiệm vụ đánh tàu Mỹ ở cảng Nhà Bè, Cát Lái... Trong một trận đánh thường chỉ có ba người, tất cả đều thực hiện dưới nước, họ dùng sợi dây để liên lạc với nhau. Khi vào trận, cái khó nhất là vận chuyển thuốc nổ (khoảng 300 kg). Phải làm thế nào để khối thuốc nổ không nổi cũng không chìm quá sâu mà phải ở lưng chừng mặt nước để địch không phát hiện. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông Bảng nảy ra sáng kiến là gò thùng tôn kín và làm một lỗ để điều khiển nước vào bằng cái lưỡi gà. Quả mìn nổi thì cho nước vào và nếu chìm sâu thì hút nước ra. Một sáng kiến nhỏ nhưng mang lại chiến thắng trong nhiều trận đánh. Vào trận đánh, mỗi chiến sĩ được trang bị bốn quả lựu đạn, trong đó có ba quả là để tiến công còn một quả rút chốt là cùng sống chết với địch. Trong thời gian ở Rừng Sác, ông Bảng đã tham gia đánh hơn một trăm trận.

Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, địch tập trung bố ráp, chốt chặn tất cả các ngả đường. Chúng dùng hóa chất đốt cháy hàng nghìn ha rừng, tạo thành vành đai trắng bao quanh Sài Gòn. Trung đoàn Rừng Sác gần như bị cô lập hoàn toàn, lương thực, thuốc men, đạn dược gần như cạn kiệt. Chúng tập trung quân với sự yểm trợ của máy bay ném bom thường xuyên vây ráp, tiến công nhằm tiêu diệt bộ đội Rừng Sác. Lúc này, mỗi ngày ông và đồng đội chỉ có được một ly gạo rang cầm hơi. Gặp địch là tránh, không dám phản công, phần vì sợ bị lộ nơi ẩn nấp, phần vì mỗi người chỉ còn một băng đạn AK và cả Trung đội còn duy nhất một quả B40. Ba tháng trời, vùng Rừng Sác không có một tiếng súng. Trực thăng của địch ra rả suốt ngày rằng đã tiêu diệt hết quân chủ lực của Việt Cộng ở vùng này.

Trong tình thế đó, ông Lương Văn Nho (Hai Nhã) Tư lệnh Ðặc khu Rừng Sác và ông Trần Bá Ước, Trung đoàn trưởng xuống đại đội và yêu cầu bằng mọi giá phải gây được tiếng nổ lớn ở khu vực Nhà Bè, để cho nhân dân biết rằng chúng ta luôn sát cánh bên họ chứ không như những gì mà địch tuyên truyền. Ðánh thì không khó nhưng lấy đâu ra thuốc nổ vì không còn một cân. Khi mọi người đang suy nghĩ thì trong đầu ông Bảng chợt lóe lên một sáng kiến: dùng bom không nổ của định để đánh địch. Một quả bom 500 kg của địch thả xuống Rừng Sác nhưng không nổ được đưa về tháo ngòi nổ ra và lắp ngòi nổ hẹn giờ của mình vào. Ông xung phong đánh trận này cùng hai đồng đội mà ông lựa chọn là Trần Dần (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) và Nguyễn Chất Xê (Tiền Hải- Thái Bình). Khoảng 19 giờ, một đêm không trăng, ông và hai đồng đội của mình lặng lẽ trầm mình xuống nước kéo bom tiến về cảng Nhà Bè khi đó được canh phòng cẩn mật. Hơn bảy giờ đồng hồ ngâm mình trong nước, nhóm của ông cũng tiếp cận được mục tiêu. Ðó là một chiếc tàu tải trọng 1,5 vạn tấn chở vũ khí. Sau khi buộc mìn vào mục tiêu, hẹn giờ nổ anh em lại chờ pháo bắn xong là quay ra. Gần một giờ đồng hồ sau, khu vực cảng Nhà Bè rung chuyển bởi tiếng nổ khủng khiếp, tàu 1,5 vạn tấn bốc cháy trên sông. Biết là không thể thoát khỏi sự truy sát của địch nếu trở về theo đường cũ, ông cùng hai đồng đội lên bờ rồi ngâm mình trong ao nước hai ngày, hai đêm tránh sự lùng sục của địch. Sang đêm thứ ba, cả ba người ngoi lên và tìm về căn cứ trước sự ngỡ ngàng, thán phục và xúc động của đồng đội.

Năm 1969, ông là một trong những người đầu tiên của Trung đoàn Ðặc công Rừng Sác được tuyên dương Anh hùng. Ðại đội Ðặc công nước của ông cũng hai lần được phong tặng Anh hùng LLVTND. Năm 1972, Anh hùng Trịnh Xuân Bảng rời Rừng Sác ra bắc nhận nhiệm vụ mới ở quân chủng Hải quân...

HƯƠNG GIANG