Tại cuộc tiếp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyosung, ông Cho Huyn-sang bày tỏ cảm kích trước nỗ lực của các công nhân Việt Nam đang làm cho tập đoàn khi phải sản xuất trong bối cảnh khó khăn theo mô hình ba tại chỗ để hoàn thành các kế hoạch kinh doanh.
Lãnh đạo tập đoàn đồng thời kiến nghị một số vấn đề trong quá trình đầu tư tại Việt Nam, trong đó có việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với công ty Hyosung Vina Chemicals, đề nghị sớm triển khai xây dựng đường Vành đai 3 đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch và sớm phê duyệt chi tiết mở rộng khu công nghiệp Tam Thăng-Quảng Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hiện Việt Nam đang chuyển sang trạng thái mới theo hướng thích ứng với dịch bệnh. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Tập đoàn Hyosung phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thẩm định dự án khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng; phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để chủ động tháo gỡ vướng mắc trong việc hoàn thuế; đồng thời cho biết dự án đường Vành đai 3 đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch đang được đẩy nhanh tiến độ để khởi công vào quý I năm sau.
Tiếp Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn GS Engineering & Construction (GS E&C) Lim Byeong-yong, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của tập đoàn trong lĩnh vực phát triển hạ tầng tại Việt Nam, nêu rõ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ, năng lực và kinh nghiệm tham gia đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng chiến lược về giao thông, đô thị lớn, y tế, năng lượng, hạ tầng số.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, vừa qua, Việt Nam đã ban hành Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 với 157 dự án trong nhiều lĩnh vực như: hạ tầng giao thông, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng công nghệ thông tin, đồng thời cho rằng ngoài các dự án đã triển khai, nếu GS E&C có các dự án được triển khai trong dịp này là rất ý nghĩa. Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ghi nhận một số kiến nghị của lãnh đạo tập đoàn về dự án BT Tân Sơn Nhất-Bình Lợi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sẽ đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát để giải quyết, đồng thời đề nghị tập đoàn chủ động phối hợp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội Việt Nam đang tập trung hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường giám sát để bảo đảm chính sách, pháp luật được thực thi hiệu quả.
Tiếp Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo hiểm nhân thọ Kyobo, ông Pyun Jung Bum, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Xây dựng và phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, đặc biệt hướng đến chuyển đổi số là một trong những ưu tiên của Việt Nam. Vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và dự kiến sẽ xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ ba vào tháng 5 năm sau nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, hướng đến sự phát triển cân đối, hài hòa giữa các loại hình bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm vi mô.
Lãnh đạo Tập đoàn Kyobo cho biết, là 1 trong 3 công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Hàn Quốc, với chiến lược mở rộng kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á, Kyobo luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Việt Nam. Tập đoàn hiện đang làm việc với Bảo hiểm Bảo Long và BIDV Metllife theo hướng mua cổ phần và coi như đây là một trong những bước chân đầu tiên vào thị trường Việt Nam, đồng thời mong muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chăm sóc sức khỏe và các công ty khởi nghiệp để đóng góp vào quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cũng đã tiếp ông Suh Kyung-bae, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Amorepacific; Phó Chủ tịch Tập đoàn Dongwon ông Park In-ku.
Hoan nghênh các kế hoạch mở rộng đầu tư vào Việt Nam của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội cho biết Việt Nam đã ký 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), do đó nhu cầu về trên nhiều lĩnh vực như logistics, vận tải, kho lạnh… chắc chắn sẽ tăng cao và cần có những đơn vị cung cấp chuyên nghiệp và chất lượng. Việc mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực này tại Việt Nam trong thời gian tới là phù hợp và đúng thời điểm.
Sáng 14/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến sự kiện Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi xã hội Hàn Quốc Kwon Deok-cheol ký hiệp định song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội.
Đây là hiệp định toàn diện về bảo hiểm xã hội song phương đầu tiên của Việt Nam được chính phủ hai nước bắt đầu đàm phán từ năm 2015 và thống nhất nhiều nội dung lớn.
Theo hiệp định này, người lao động Việt Nam sẽ được đóng bảo hiểm liên tục khi sang Hàn Quốc làm việc và tương tự với người lao động Hàn Quốc sang Việt Nam. Hiệp định cũng góp phần tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam ký các hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội với các quốc gia khác có quan hệ hợp tác về lao động với Việt Nam.