Kỷ niệm 63 năm Ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng, 33 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3)

Chiến công thầm lặng của trinh sát biên phòng

Lặng lẽ đi đầu, chủ động nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa là đặc trưng của nghề trinh sát nói chung, trinh sát của lực lượng Bộ đội Biên phòng nói riêng. Ðúng dịp kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập lực lượng Bộ đội Biên phòng, chúng tôi tới thăm, chúc mừng cán bộ, chiến sĩ Cục Trinh sát (Bộ đội Biên phòng) - lực lượng tiên phong nơi biên giới, hải đảo, vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì, để hiểu hơn và chia sẻ về những hy sinh thầm lặng của các anh.

Triển khai kế hoạch nắm tình hình trên các tuyến biên giới, vùng biển.
Triển khai kế hoạch nắm tình hình trên các tuyến biên giới, vùng biển.

Chia sẻ với chúng tôi, Ðại tá Võ Tiến Nghị, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trinh sát trải lòng về công việc của lực lượng trinh sát bộ đội biên phòng bằng sự trầm tĩnh, đầy thận trọng, có lẽ đó cũng là đặc thù nghề nghiệp của các anh. Ðại tá Võ Tiến Nghị tự hào cho biết: Cục Trinh sát là cơ quan đầu ngành của lực lượng trinh sát bộ đội biên phòng, có chức năng, nhiệm vụ nắm chắc, đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình trên các tuyến biên giới, vùng biển, kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chủ trương, đối sách, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình địa bàn nội, ngoại biên đối diện có liên quan quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Phát hiện âm mưu, ý đồ hoạt động của các thế lực thù địch chống phá Việt Nam.

Xác lập, tổ chức triển khai các kế hoạch nghiệp vụ và đấu tranh các chuyên án trinh sát trọng điểm về xâm phạm chủ quyền, an ninh, trật tự ở khu vực biên giới… 63 năm xây dựng và trưởng thành cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cục Trinh sát đã lập rất nhiều thành tích, chiến công. Trong các chiến công của toàn bộ lực lượng bộ đội biên phòng, luôn có dấu ấn của cán bộ, chiến sĩ Cục Trinh sát.

Từ năm 2009 đến nay, sau khi chuyển giao nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội sang lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm, Cục Trinh sát đã chủ động triển khai công tác nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, hoạt động của địch và các loại đối tượng. Ðã thu thập, nghiên cứu, xử lý gần 200 nghìn tin, trong đó có hơn 66 nghìn tin có giá trị, phục vụ hiệu quả công tác đánh giá, dự báo tình hình và đấu tranh phòng, chống hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.

Ðáng chú ý, hai năm vừa qua, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, các loại tội phạm phi truyền thống xuất hiện, nhất là tội phạm về xuất, nhập cảnh trái phép lợi dụng tình hình, thành lập các đường dây đưa người xuất, nhập cảnh trái phép, Cục thường xuyên tăng cường 30 đến 40% quân số tại các tổ, chốt trên các tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm, tham mưu cấp ủy địa phương, tổ chức, xây dựng, thiết lập các chuyên án nghiệp vụ đấu tranh với các hoạt động liên quan an ninh tôn giáo, biển đảo.

Ðối với lính trinh sát biên phòng, việc phát huy cao độ phương châm “Tinh gọn-sắc bén-tinh thông-chuyên nghiệp” để chủ động bảo vệ Tổ quốc, chủ quyền an ninh biên giới từ xa, từ sớm luôn được các anh nằm lòng, quán triệt. Ðiều này thể hiện rõ nhất tại các cụm trinh sát ngoại biên làm nhiệm vụ ở các hướng trọng điểm. Với các anh, nơi ăn nghỉ đơn sơ, điều kiện hoạt động phân tán, độc lập tác chiến trên địa bàn rộng, nhiều nguy hiểm, không được coi là những khó khăn bởi các anh luôn xác định rõ đó là đặc thù công việc.

Những người lính trinh sát không chỉ tinh thông nghiệp vụ mà còn phải là những người am hiểu sâu sắc tập quán, nhận thức của các dân tộc trên địa bàn biên giới. Họ cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc để cảm hóa những đối tượng cốt cán, cầm đầu, vận động nhân dân quay về với bản làng, với Tổ quốc.

Sự lặng lẽ, bền bỉ, bám nắm địa bàn, theo dõi di biến động của đối tượng bằng sự nhạy bén, nhận định đúng tình hình, lực lượng trinh sát bộ đội biên phòng đã vô hiệu hóa được ý đồ chống phá của nhiều đối tượng phản động lợi dụng tôn giáo, bà con dân tộc H’Mông trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên, hay đối tượng phản động lợi dụng dân tộc Khmer địa bàn các tỉnh Nam Bộ, góp phần xây dựng vùng biên cương thật sự bình yên.

Chỉ riêng năm 2021, lực lượng trinh sát biên phòng xác lập 147 vụ việc liên quan an ninh trật tự, trong đó chủ yếu liên quan vấn đề tôn giáo, giúp địa phương ổn định tình hình. Phối hợp đấu tranh ngăn chặn, xử lý 42 điểm phức tạp về an ninh trật tự; vô hiệu hóa 16 đối tượng phản động ở khu vực biên giới.

Ðồng thời tham mưu, giải quyết, xử lý 255 vụ, với 10 nghìn lượt người liên quan tập trung đông người. Trong thời điểm hiện nay, đấu tranh với bọn phản động lợi dụng dân tộc, tôn giáo như: Ðức mẹ chúa trời, Tin lành Ðề ga, người H’Mông ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ. Xử lý 153 vụ, với 700 người nước ngoài xuất, nhập cảnh trái phép.

Khởi tố, hoàn chỉnh hồ sơ bàn giao công an xử lý 18 vụ với 53 đối tượng người Việt Nam có hành vi tổ chức, môi giới xuất, nhập cảnh trái phép. Cùng với đó, Cục Trinh sát còn tham mưu cho Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đề xuất Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ đề ra chủ trương, biện pháp đối với vấn đề người nước ngoài gốc Việt. Chủ động phối hợp lực lượng chức năng nước bạn, Ðại sứ quán Việt Nam tại Campuchia hỗ trợ, tặng nhu yếu phẩm và thuốc chữa bệnh giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống, với tổng giá trị gần 130 nghìn USD.

Có thể nói, sự đi đầu, tiên phong của người lính trinh sát bộ đội biên phòng trong bám nắm, chủ động tham mưu với Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh, để Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tham mưu với Ðảng, Nhà nước, cơ quan chức năng có chủ trương, đối sách đối với các đối tượng phản động khi mới bắt đầu xâm nhập vào biên giới, nhất là biên giới Tây Nam hiện nay. Chính vì vậy, thành quả đạt được trong xử lý tình hình, ổn định biên giới, các tỉnh Tây Nam Bộ trong thời gian vừa qua đã góp phần ổn định an ninh biên giới, giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm đối sách và không ảnh hưởng quan hệ đối ngoại với các nước láng giềng.