Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh Chu Tiến Dũng và một số doanh nghiệp, đợt dịch Covid-19 thứ tư, mặc dù các doanh nghiệp kiên cường chống chọi dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh nhưng thiệt hại lớn, khách hàng bị giảm sút, doanh thu bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không trả nợ được, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chậm trễ trong giao hàng, nhiều hợp đồng bị hủy. Nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, tỷ lệ người lao động bị mất việc làm cao… gây áp lực cho công tác an sinh xã hội của thành phố, hàng trăm nghìn người phải về quê tránh dịch, nhiều người lo sợ, chưa muốn quay lại để sản xuất.
Các gói hỗ trợ của Chính phủ và thành phố về an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, việc đôn đốc triển khai, giám sát được chú trọng quan tâm, tuy nhiên có lúc còn một số vướng mắc phát sinh về thủ tục, quy định và thời gian cấp bách, ảnh hưởng dịch bệnh….
Sau khi lắng nghe phát biểu, kiến nghị của các doanh nghiệp đại diện 14 nghìn thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố, các ĐBQH và giải đáp của đại diện một số cơ quan Bộ, ngành T.Ư, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề này rất cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh nhanh nhất, lấy lại đà tăng trưởng bởi doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển đất nước, tạo việc làm, đóng góp thu ngân sách và tăng trưởng.
Chủ tịch nước chia sẻ, cảm thông với những thiệt hại, mất mát đau thương về sức khỏe, sinh kế của cử tri và đồng bào thành phố, hàng trăm nghìn người mắc Covid-19 phải điều trị, gần 14 nghìn người tử vong; 9 tháng đầu năm, TP Hồ Chí Minh có 16 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động và giải thể, thu nhập, sức mua giảm, bị bào mòn.
Chủ tịch nước biểu dương và trân quý tình cảm, tinh thần lá lành đùm lá rách, sự đóng góp của doanh nhân cả nước và TP Hồ Chí Minh dù gặp khó khăn vẫn chung sức đồng lòng cùng chính quyền chống dịch, cùng đoàn kết, tương trợ, “nắm tay nhau” vượt qua thời khắc khó khăn nhất trong 35 năm đổi mới. Nhiều doanh nghiệp đã xả thân vì cộng đồng, hỗ trợ tài lực, vật lực cho lực lượng tuyến đầu và có nhiều sáng kiến, mô hình thiết thực chia sẻ khó khăn với người lao động, hoàn cảnh gặp khó khăn bởi dịch bệnh, góp phần chung tay bảo đảm an sinh xã hội. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao vẫn cố gắng vượt khó duy trì sản xuất, giữ chân người lao động và bảo đảm đời sống người lao động.
Đánh giá cao TP Hồ Chí Minh, Chính phủ, các ngành T.Ư trong bối cảnh khó khăn kéo dài đã có nhiều cố gắng, có nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sâu sát, kịp thời vượt qua khó khăn trong đợt dịch lần thứ tư, tuy nhiên khó khăn ở phía trước còn rất lớn, Chủ tịch nước nhấn mạnh phải ổn định kinh tế vĩ mô để bảo đảm phát triển bền vững đất nước, quan tâm vấn đề nợ công, lạm phát, bội chi ngân sách, đi liền với đó là bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho người dân trở về quê an toàn. Các cấp chính quyền và người dân tích cực ngăn chặn dịch bệnh chủ động hơn, đẩy mạnh hơn việc tiêm vaccine và thực hiện các chỉ thị về phòng, chống dịch bệnh, không để tái diễn với quy mô lớn một lần nữa.
Đối với các gói hỗ trợ từ chính sách tài khóa doanh nghiệp rất quan tâm, Chủ tịch nước lưu ý cần tăng cường miễn giảm thay vì hoãn nộp một số loại thuế để hỗ trợ doanh nghiệp; nghiên cứu việc kéo dài việc miễn, giảm nộp một số loại thuế đến năm 2022, nhất là tiền thuê đất. Tăng cường cường phân cấp cho TP Hồ Chí Minh thực hiện các gói kích thích tài khóa để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong khả năng cân đối khả năng ngân sách và điều kiện của thành phố (thí dụ như chính sách giảm tiền thuê đất 30% áp dụng chung cho cả nước, TP Hồ Chí Minh có thể là 30-50%). Nghiên cứu tăng quy mô gói kích thích kinh tế, nâng cao hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, các hộ gia đình bị ảnh hưởng và để kích thích, phục hồi sản xuất kinh doanh. Bộ Tài chính sớm nghiên cứu và báo cáo kịp thời việc phát hành trái phiếu chính phủ để tài trợ cho phát triển, xem xét các khoản chi thiện nguyện, ủng hộ địa phương, đoàn thể… được tính vào chi phí cho doanh nghiệp.
Đối với vấn đề lãi suất, Chủ tịch nước đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục chia sẻ hơn nữa với những khó khăn của nền kinh tế, tiếp tục chủ động giảm lãi suất, tái cơ cấu các khoản vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân; chính sách không đặt lợi nhuận lên trên mà cần chia sẻ một phần lợi nhuận cho sản xuất, kinh doanh, đã làm tốt cần làm tốt hơn ở mọi ngân hàng.
Với ý kiến đề nghị hỗ trợ lãi suất, xem xét, thiết kế các gói cho vay ưu đãi đối với một số nhóm ngành hàng Nhà nước ưu đãi, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới công nghệ, xuất khẩu... Chủ tịch nước cho rằng cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng, chặt chẽ, bảo đảm khả thi, minh bạch; các gói vay ưu đãi lãi suất với thời hạn cần thiết phải có quy định rõ ràng, dễ thực hiện, kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện có nguồn lực tài chính tốt nhất để phục hồi, phát triển kinh tế nhưng bảo đảm nợ xấu không tăng.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu các cấp chính quyền TP Hồ Chí Minh và các địa phương, các Bộ, ngành ở T.Ư đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư tốt hơn, tuyệt đối không được tạo ra các giấy phép con làm phát sinh chi phí của doanh nghiệp. Cả nước và TP Hồ Chí Minh cần tập trung hai động lực cho tăng trưởng chính: xuất khẩu và đầu tư công, muốn vậy phải tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế pháp luật, cơ chế chính sách cần thay đổi phù hợp như áp dụng kinh tế số, chuyển đổi số, tái cấu trúc đô thị, chính sách đào tạo nguồn nhân lực…
Nhấn mạnh một trong những biện pháp quan trọng chống dịch thành công là ưu tiên vaccine cho doanh nghiệp và người lao động, trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp, Chủ tịch nước đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong xét nghiệm và quản lý lao động, chính quyền thực hiện công tác hậu kiểm và có chế tài xử lý nghiêm vi phạm. Thành phố phối hợp tốt với các địa phương bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn cung lao động, trước hết có biện pháp cấp bách, hữu hiệu giữ chân được người lao động như lời kêu gọi của thành phố. Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết tương trợ, cùng nhau vượt qua khó khăn; quan tâm chăm lo hơn nữa tới người lao động, làm tốt công tác thiện nguyện. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các tổ chức công đoàn sớm triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng từ phần kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, rà soát thận trọng để không có bất kỳ người lao động nào bị bỏ lại phía sau.
Đặc biệt, để “thích ứng an toàn với Covid-19”, ở phạm vi quốc gia và phạm vi thành phố cần có những biện pháp cụ thể hóa chiến lược này để có sự chỉ đạo tập trung, nhất quán, xuyên suốt, đi liền với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, các địa phương, quận, huyện, không vì kinh doanh mà vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh. Cần tạo thuận lợi cho sự di chuyển hàng hóa, con người, từng bước khôi phục lại sản xuất; mở dần các đường bay thương mại, tạo điều kiện cho những người tiêm 2 mũi vaccine, có xét nghiệm âm tính di chuyển trên các loại hình phương tiện vận tải, có giám sát y tế an toàn. Không nên áp dụng giãn cách xã hội quá dài, phạm vi quá rộng khi tình hình dịch bệnh dần được cải thiện. Đồng thời tham khảo việc áp dụng hộ chiếu vaccine mà nhiều nước đã triển khai rất hiệu quả, các địa phương phải thống nhất, không chia cắt, cát cứ, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng khó khăn lớn nhất đã nằm lại phía sau, khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời, và từ quý 4 năm nay sẽ mở ra những chân trời mới trong sản xuất, kinh doanh với những cơ hội không chỉ bù đắp lại những mất mát đã qua mà còn để bứt phá trong thời gian tới. Với quyết tâm và truyền thống của thành phố, các ĐBQH, doanh nghiệp, doanh nhân, đồng bào cử tri TP Hồ Chí Minh vững niềm tin với tinh thần Việt Nam, tiếp tục vượt qua khó khăn, thử thách, kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, để cuộc sống sớm trở lại bình thường.