Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại với Cách mạng Việt Nam

NDO -

NDĐT - Nhân Dân điện tử xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa do giai cấp vô sản Nga tiến hành, đánh dấu sự ra đời của Nhà nước Nga Xô viết - Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Đây là một sự kiện trọng đại trong tiến trình lịch sử của nhân loại, mở ra thời kỳ phát triển mới của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng như phong trào giải phóng dân tộc. Từ chỗ chỉ là ước mơ cao đẹp của loài người, sau Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, chủ nghĩa xã hội đã trở thành hiện thực, có sức mạnh vô cùng to lớn, lôi cuốn các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”[1].

Từ sau Cách mạng Tháng Mười, Liên Xô đã giành được những thành tựu to lớn về nhiều mặt, nhất là đã huy động được lực lượng vật chất và tinh thần đánh thắng liên minh các thế lực đế quốc trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, các thế lực phát xít tàn bạo trong Chiến tranh thế giới thứ hai, hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trong hơn bảy mươi năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã đạt được sự phát triển mạnh mẽ về tiềm lực kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội trên quy mô lớn với trình độ hiện đại, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Với sự lớn mạnh toàn diện, chủ nghĩa xã hội có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống chính trị thế giới, đóng vai trò quan trọng đối với sự sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Chính chủ nghĩa xã hội và cuộc đấu tranh rộng lớn, mạnh mẽ của nhân dân lao động đã là động lực to lớn buộc các thế lực thực dân, đế quốc phải thừa nhận quyền độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa; chính quyền các nước tư bản có những cải cách xã hội để cải thiện đời sống của người lao động…

Ở Việt Nam, vào đầu thế kỷ 20, trong bối cảnh các lực lượng yêu nước bế tắc về đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đưa ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười đến với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Năm 1927, trong cuốn “Đường cách mệnh” - cuốn sách giáo khoa lý luận chính trị đầu tiên của cách mạng Việt Nam, Người khẳng định: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mác và Lênin”[2]. Sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam đã dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin; đi lên chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng và dân tộc Việt Nam, là yêu cầu khách quan, con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam.

Kế thừa và vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm, bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Mười, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những kỳ tích vẻ vang. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông - Nam Á, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam một lần nữa đã chứng tỏ tính chất đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tính chất đúng đắn của đường lối mà Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười năm 1917 đã vạch ra…”[3]. Thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, đã hoàn thành sứ mệnh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã đưa đất nước ta vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Với những thắng lợi vĩ đại giành được trong suốt 87 năm qua kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng mở, có vị thế, uy tín ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới. Những mốc son chói lọi mà cách mạng Việt Nam giành được là sự nối tiếp hào hùng lý tưởng, mục tiêu của Cách mạng Tháng Mười, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Việt Nam có câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”. Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lênin và Cách mạng Tháng Mười”[4]. Chính vì vậy, trong trái tim mỗi người Việt Nam, tình cảm gắn bó và lòng biết ơn đối với Cách mạng Tháng Mười cũng như đối với V.I. Lênin - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản - là vô cùng sâu sắc.

Từ cuối những năm 1980 đến đầu những năm 1990 của thế kỷ 20, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ; chủ nghĩa xã hội và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lâm vào thoái trào, tác động sâu sắc đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Đây là tổn thất lớn đối với phong trào cách mạng thế giới, nhưng một số nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam, vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, tiến hành cải cách, đổi mới.

Đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là kết quả của quá trình tìm tòi, thử nghiệm, bám sát thực tiễn, vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện. Theo đó, Đảng ta luôn kiên định quan điểm đổi mới có nguyên tắc, đổi mới nhưng không đổi màu, đổi mới nhưng phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, đổi mới để hoàn thành tốt hơn hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trước những diễn biến thăng trầm của lịch sử, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhấn mạnh: “Chẳng lẽ bao nhiêu thành quả cách mạng giành được bằng xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam lại đem trao vào tay những lực lượng đưa đất nước đi vào con đường tư bản chủ nghĩa, con đường chắc chắn không thể bảo đảm độc lập thật sự cho dân tộc, tự do hạnh phúc thật sự cho tuyệt đại đa số nhân dân… Chính vì vậy, nhân dân ta quyết không chấp nhận con đường nào khác ngoài con đường xã hội chủ nghĩa”[5]. Trong bối cảnh tình hình thế giới cực kỳ phức tạp, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhân dân ta với lòng yêu nước nồng nàn và niềm tin sâu sắc vào thắng lợi của chủ nghĩa xã hội đã vượt lên muôn trùng khó khăn, thử thách, từng bước đưa đất nước vững bước đi lên. Tư tưởng nhân văn cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười tiếp tục được Đảng ta lãnh đạo hiện thực hóa trong sự nghiệp đổi mới, giành được những thành tựu to lớn. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.

Những thắng lợi vẻ vang qua hơn 30 năm đổi mới là minh chứng sinh động về sự kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về quá trình đúc rút, tổng kết những bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Mười, cũng như những kinh nghiệm từ cả thành công và thất bại của chủ nghĩa xã hội hiện thực để vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đây là tiền đề, nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

V.I. Lênin đã nhấn mạnh: “Bất cứ cuộc cách mạng nào cũng đều đánh dấu một bước ngoặt trong đời sống của quảng đại quần chúng nhân dân. Chừng nào mà bước ngoặt như thế chưa chín muồi, thì không một cuộc cách mạng thật sự nào lại có thể nổ ra được. Và, cũng như mỗi bước ngoặt trong cuộc đời của một người đều đem lại cho người đó rất nhiều bài học, làm cho người đó sống qua và nếm trải rất nhiều cái, thì cách mạng cũng vậy, nó cũng đem lại cho toàn thể nhân dân, trong một thời gian ngắn, những bài học bổ ích nhất và quý giá nhất”[6]. Với ý nghĩa sâu sắc đó, dù thế giới có nhiều biến động, đổi thay, Cách mạng Tháng Mười vẫn luôn tỏa sáng, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời về khát vọng và sức mạnh của chủ nghĩa xã hội. Những bài học bổ ích, kinh nghiệm quý báu của cuộc cách mạng vĩ đại này đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thời gian tới, đất nước ta có nhiều thời cơ, thuận lợi cơ bản để phát triển, đồng thời cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tiếp tục tiến hành toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công”[7], chúng ta cần chú trọng tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, tiếp tục nhận thức rõ hơn về mô hình xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, ý nghĩa thời đại và những bài học quý báu của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại là tài sản vô giá, có giá trị bền vững, tiếp tục tỏa sức sống mạnh mẽ đối với cách mạng Việt Nam và nhân loại tiến bộ. Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc cách mạng tiền bối đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau, nhất định chúng ta sẽ phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, năng động và sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 12, tr. 300.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 2, tr. 280.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 8, tr. 572.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 12, tr. 305.

[5] Nguyễn Văn Linh: Đổi mới để tiến lên, tập IV, Nhà Xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr. 155.

[6] Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 34, tr. 73.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 12, tr. 303.