Bế mạc Phiên họp thứ tư Ủy ban Thường vụ Quốc hội

NDO -

Sau hơn 3 ngày làm việc, trên tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, trưa 14/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp thứ tư.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ những nội dung, chương trình đặt ra cho Phiên họp thứ tư, đạt được sự đồng thuận cao đối với tất cả các nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và cho ý kiến để chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai.

Đây là kết quả thể hiện phương châm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội là vào cuộc từ sớm, từ xa và phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan trong chuẩn bị nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các báo cáo, tờ trình, báo cáo thẩm tra được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, tất cả các báo cáo, tờ trình, báo cáo thẩm tra đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, qua nhiều vòng; khi trình, các cơ quan hữu quan đã có đóng góp thêm ở nhiều khía cạnh và kết quả đều được xem xét, đồng tình, thông qua với tinh thần thống nhất cao. Đây là cơ sở để trình Quốc hội, cơ sở cho kỳ họp của Quốc hội thành công tốt đẹp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì phối hợp các cơ quan hữu quan căn cứ vào Nghị quyết liên tịch giữa Quốc hội với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện và công điện gửi đến các Đoàn đại biểu Quốc hội, khẩn trương tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri từ các cuộc tiếp xúc cử tri của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc gửi về để có báo cáo tổng hợp kèm theo văn bản của 63 tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian sớm nhất hoàn thiện báo cáo, bảo đảm tính khái quát cao, phản ánh trung thực các kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước gửi đến Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội sớm hoàn thiện dự thảo kết luận phiên họp để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngay trong ngày, làm cơ sở cho các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan hữu quan hoàn thiện hồ sơ cũng như các nội dung để Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội gửi đại biểu Quốc hội.

Còn 5 ngày nữa khai mạc Kỳ họp thứ hai, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ khẩn trương hoàn thiện lại tất cả các báo cáo, các tờ trình, báo cáo thẩm tra, dự thảo kết luận, dự thảo nghị quyết.

Trong đó có báo cáo thẩm tra bảo đảm ngắn gọn, khái quát, sát thực; làm rõ những vấn đề, những thành tựu, kết quả đạt được và những vấn đề cần tiếp tục phấn đấu... trên cơ sở phân tích, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan trong quá trình thực hiện.

Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm hoàn thiện toàn bộ chương trình nội dung và các phương án, điều kiện bảo đảm cho việc tổ chức Kỳ họp thứ hai thành công tốt đẹp, an toàn tuyệt đối. 

Bế mạc Phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội -0
Các đồng chí Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự phiên họp. (Ảnh: Duy Linh) 

Tiết kiệm thời gian nhưng vẫn bảo đảm và nâng cao chất lượng kỳ họp

Nêu rõ cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân đang rất trông chờ những quyết sách của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự kiến Kỳ họp thứ 2 sẽ được tổ chức làm 2 đợt, đợt trực tuyến và đợt tập trung. Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phấn đấu làm việc cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật trong cả hai đợt, trên tinh thần làm việc liên tục, khẩn trương, triệt để, tiết kiệm thời gian nhưng vẫn bảo đảm và nâng cao chất lượng kỳ họp.

Đợt 1 kéo dài 11 ngày (từ ngày 20 đến ngày 30/10), đợt 2 dự kiến từ ngày 8 đến ngày 13/11. Như vậy, thời gian thực họp của Kỳ họp thứ hai là 17 ngày, kết thúc đợt 1 sớm hơn 3 ngày.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tinh thần triệt để tiết kiệm thời gian, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng làm thêm vào buổi tối và tranh thủ thời gian nghỉ giữa 2 đợt.

Chủ tịch Quốc hội mong Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ để tổ chức theo tinh thần rút ngắn thời gian nhiều nhất có thể, nhưng vẫn bảo đảm và nâng cao chất lượng kỳ họp. 

“Đây là yêu cầu đặt ra của Quốc hội, cũng là nguyện vọng rất chính đáng, thiết tha của nhân dân, nhất là chúng ta vẫn đang trong thời kỳ khó khăn, vừa phải kiên quyết và sớm kiểm soát được đại dịch, vừa tập trung cho công tác phục hồi và phát triển kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội chuẩn bị các nội dung cơ bản để ngay trong chiều 14/10, Đảng đoàn Quốc hội họp liên tịch với Ban Cán sự Đảng Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội và một số cơ quan hữu quan để bàn nội dung, biện pháp và những nội dung cần phối hợp, bảo đảm Kỳ họp thứ hai khai mạc đúng thời gian, thành công, bảo đảm chất lượng, trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn đòi hỏi phải phòng, chống quyết liệt.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tới một số vấn đề quan trọng và cấp bách khác bao gồm: việc thông qua chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền của Quốc hội; tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về thể chế, nhất là có thể có một luật sửa đổi một số luật; đề án thí điểm tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công mà Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất đã cho chủ trương, Chính phủ sẽ trình; tính toán thêm phương án điều chỉnh hợp lý chính sách tài khóa và tiền tệ.

Đề cập tầm quan trọng của công tác chuẩn bị, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, những nội dung này tinh thần là phải tập trung chuẩn bị ngay từ bây giờ để cuối năm nay có thể báo cáo xin Quốc hội họp thêm một kỳ họp chuyên đề (chủ yếu theo phương thức trực tuyến) để phục vụ kịp thời cho công tác phòng, chống dịch cũng như chiến lược, kế hoạch tổng thể về phục hồi, phát triển kinh tế. Nếu bổ sung thêm một kỳ họp không thường xuyên vào cuối năm thì đây là lần đầu tiên trong một năm Quốc hội họp bốn kỳ.