Trên quê hương Anh hùng Tạ Quốc Luật

ND- Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền nam (4-1975), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình tổ chức cuộc gặp mặt những người con ưu tú trong LLVT nhân dân của địa phương đã lập công xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến.

Tại cuộc gặp cảm động này, mọi người được nghe các Anh hùng quân đội Nguyễn Thị Chiên, Tạ Quốc Luật, Phạm Tuân và đồng chí Bùi Quang Thận kể lại những giờ phút đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình.

Thật vinh dự cho LLVT tỉnh Thái Bình, trong mỗi mốc son của lịch sử giải phóng đất nước đều có đóng góp của những người con quê hương. Mọi người chăm chú lắng nghe câu chuyện về tinh thần chiến đấu dũng cảm và xử trí thông minh của chị Nguyễn Thị Chiên khi chị còn là nữ du kích giao liên ở xã Thanh Nê, huyện Kiến Xương đã giúp đồng chí lãnh đạo cấp trên thoát khỏi sự truy lùng của địch. Và sau đó, trong một trận phục kích chống càn, chỉ với một thanh mã tấu, chị Chiên đã bắt sống tên quan ba Pháp.

Ðến lượt mình, ông Tạ Quốc Luật kể: "Khi chúng tôi vượt qua cầu Mường Thanh thì gặp một tên lính ngụy. Tôi hỏi tên này: Hầm Ðờ Cát ở đâu? Hắn chưa hết run và chỉ vào căn hầm có nhiều cột ăng - ten nhỏ ở trên nóc. Tôi liền chỉ huy tổ của mình áp sát khu vực hầm và phân công đồng chí Nhỏ dùng thủ pháo ném vào cửa hầm uy hiếp, đồng thời cử hai chiến sĩ bịt cửa hầm bên kia rồi cùng với Nhỏ và Vinh vào cửa hầm bên này. Ánh sáng bên trong hầm hắt ra có thể nhìn rõ trần hầm có căng dù trắng. Số sĩ quan Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm tỏ ra rất mệt mỏi và lo âu. Riêng Ðờ Cát vẫn đội mũ ca-lô và ngồi cúi mặt xuống bàn. Khi đến gần, tôi hô lớn tiếng Pháp: "Giơ tay lên!". Sau đó, Ðờ Cát cầm máy điện thoại ra lệnh cho toàn bộ quân Pháp ở Ðiện Biên Phủ đầu hàng. Lúc đó là 17 giờ 30 phút ngày 7- 5- 1954".

Quê ông Luật ở thôn Quang Lang, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy. Ông là cháu nội của cụ Ðô thống quân vụ Tạ Hiện thời Tự Ðức, người đã từng cầm quân chiến đấu rất ngoan cường với giặc Pháp ngay từ khi chúng xâm lược Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tạ Quốc Luật tình nguyện đi bộ đội. Năm 1947 ông là trung đội trưởng của Tiểu đoàn 151, tham gia nhiều trận đánh ở các tỉnh Bắc Cạn, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng và Lạng Sơn. Năm 1952, ông cùng đơn vị đánh cứ điểm Nà Sản. Sau trận này ông được đề bạt đại đội trưởng Ðại đội 360, Trung đoàn 209, Ðại đoàn 312. Năm 2004, Ðại tá Tạ Quốc Luật được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Từ thành phố Thái Bình xuôi theo quốc lộ 39 hơn 30 km thì về đến làng Quang Lang, xã Thụy Hải, quê hương Tạ Quốc Luật. Sau nhiều năm trở lại, bây giờ xã vùng ven biển này thay đổi quá nhiều. Khác với bất kỳ nơi nào trong tỉnh Thái Bình, Thụy Hải là xã duy nhất không có diện tích cấy lúa. Ðời sống của hơn 5.000 người dân chủ yếu trông vào thu nhập của các nghề làm muối, khai thác, chế biến và nuôi trồng thủy sản. Bình quân diện tích đất ở của xã này còn thấp hơn trên thành phố, nhà nhà san sát, khá chật chội nhưng sạch sẽ. Khi chúng tôi đến, Thụy Hải đang chuẩn bị tổ chức kỷ niệm lần thứ 55 Ngày chiến thắng Ðiện Biên Phủ và tổng kết 20 năm Ngày thành lập Hội CCB Việt Nam.

Ngôi nhà nhỏ bé mà ông Tạ Quốc Luật đã sinh ra và lớn lên giờ đã được thay bằng ngôi nhà hai tầng còn tươi nguyên mầu vôi mới. Chủ nhà hiện nay là vợ chồng anh Phạm Quang Huyền là cháu rể của ông Tạ Quốc Luật trông coi và hương khói hằng ngày. Chính ở ngôi nhà này đã có lần hội tụ các ông Tạ Quốc Luật, Phạm Tuân và Bùi Quang Thận, những người đã chứng kiến những mốc son lịch sử của dân tộc. Tấm ảnh đen trắng chụp bốn người: Nguyễn Thị Chiên và các đồng chí Tạ Quốc Luật, Phạm Tuân, Bùi Quang Thận tại cuộc gặp mặt ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình được gia đình ông Luật nâng niu giữ gìn như một báu vật.

Về Thụy Hải hôm nay, điều dễ nhận thấy là mức sống của người dân đã được nâng cao. Hơn 3 km đường giao thông liên xã đã được bê-tông hoặc rải đá láng nhựa. Từ năm 2004, nhân dân trong xã đã được dùng nước sạch từ nhà máy nước của huyện đưa về. Hầu hết các gia đình đều có ti-vi và xe máy. Các trường THCS và tiểu học đều đạt chuẩn quốc gia. Trường mầm non đạt danh hiệu tiên tiến cấp tỉnh và đang được xây mới với số vốn gần bốn tỷ đồng. Năm 2008, toàn xã có 967/1.300 hộ đăng ký tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Chủ tịch UBND xã Lê Ngọc Hùng cho biết, xã hiện có gần 1.200 hộ khá và giàu, số hộ nghèo chỉ còn dưới 5%. Năm 2008, Thụy Hải được tỉnh Thái Bình công nhận là xã đạt danh hiệu xã nghề công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Những năm gần đây nghề làm muối đã được cải thiện bằng công cụ lao động mới vừa giảm cường độ lao động vất vả vừa tăng năng suất lao động cho địa phương.

Theo lời Chủ tịch Hội CCB xã Thụy Hải Tô Quyết Thắng, tất cả 240 hội viên đều gương mẫu thực hiện các đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát huy bản chất tốt đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ. Mọi người cùng giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Ðiều phấn khởi là hầu hết các gia đình hội viên đều có đời sống khá và đang vươn lên làm giàu. Hội đã đứng ra tín chấp vay 690 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội cho 78 hội viên vay phát triển sản xuất, làm nước sạch và nuôi con học ở các trường đại học và cao đẳng.

Năm 2009, Thụy Hải phấn đấu có tổng doanh thu 95 tỷ đồng và tổng thu nhập các ngành nghề của địa phương là 40 tỷ đồng. Toàn xã thực hiện giảm hộ nghèo theo chuẩn mới từ 1 đến 2%, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 20%. Ðồng thời thu hút các dự án đầu tư của các doanh nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của xã ven biển, nhằm tạo thêm nhiều nghề mới cho nhân dân trong xã.

VŨ KIỂM