Những tấm lòng vàng gặp tấm lòng vàng

ND - Tôi vào Kiên Giang công tác, dự định sẽ ghé qua thăm ông Bảy Lam (tức Trần Lam) Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo của tỉnh. Gọi điện báo trước, từ đầu dây bên kia, nghe tiếng ông Bảy Lam nói to trong máy: Anh đang ở sân bay Rạch Sỏi chờ chuyến bay ra đảo Phú Quốc công tác ít hôm. Em vào thăm Hội, nhớ cho anh dăm lời nhận xét. Nói xong, ông cúp máy liền.

Biết tính ông Bảy Lam, khi ông đã "ra lệnh" cứ vậy mà làm. Tôi đến văn phòng Hội, gặp chị Chín Liên, nguyên Ủy viên thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang, giờ về làm Phó chủ tịch Hội, chị nói ái ngại: Ông Bảy đi suốt ngày dài lại đêm thâu. Ðầu tháng trước dẫn đầu đoàn Bảo trợ sang mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo tỉnh Căm Pốt (Cam-pu-chia). Hôm rồi vừa vào mấy huyện vùng sâu U Minh kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công mấy chục căn nhà giúp đồng bào nghèo để kịp hoàn thành trước Tết. Chân ướt, chân ráo, về nhà vài hôm, ông kêu trở trời, đau nhức khớp xương, nhưng sốt ruột vì có vài việc mới triển khai ngoài huyện đảo Phú Quốc, ông lại lên đường.

Ðầu giờ sáng mà văn phòng trống trơn, chỉ mỗi chị Chín Liên cùng bộ phận tài chính ở nhà làm việc. Phòng khách rộng vài chục mét vuông, kê bàn thờ Tổ quốc,  ảnh Bác Hồ trang trọng để chính giữa. Hai bên tường treo trang trọng chữ "Tâm", chữ "Ðức" của các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước tặng Hội. Tường kế bên là các bức trướng ghi danh các nhà tài trợ khắp nơi trong nước và ở nước ngoài gửi tiền, của về giúp Hội. Nơi ít vài triệu đồng, nơi nhiều vài ba chục tỷ đồng... Tổng cộng sau năm năm thành lập, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang đã huy động hơn 100 tỷ đồng giúp bệnh nhân nghèo chữa bệnh. Tôi chợt nhớ, hồi giữa năm 2008, từ Rạch Giá, ông Bảy Lam gọi điện về Hà Nội báo tin vui cho tôi, ông vừa được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng ông danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Tôi quen biết ông Bảy Lam cách đây ngót 20 năm. Khi ấy ông đang là Phó Chủ tịch  UBND tỉnh Kiên Giang. Công việc đang ngon trớn, bỗng dưng ông đổ bệnh tưởng không qua khỏi. May nhờ bạn bè, anh em giúp đỡ tiền của chữa bệnh, ông thoát khỏi tử thần và sau đó xin nghỉ hẳn. Vốn có chút am hiểu nghề ảnh, máu nghệ sĩ nổi lên, ông sắm máy ảnh, đi khắp nơi trong tỉnh Kiên Giang và vùng đồng bằng sông Cửu Long chụp ảnh. Ảnh của ông chụp đẹp, lại có nội dung. Tham dự triển lãm toàn quốc và vùng đồng bằng sông Cửu Long đều trúng giải cao. Rồi sau đó, ông được Liên đoàn nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế (E.FIAT) công nhận là Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc. Cứ nghĩ, thành đạt đến vậy ông sẽ lấy nghệ thuật nhiếp ảnh làm "bến đậu" cuối đời. Vậy mà, đầu năm 2003 gặp nhau ở Hà Nội, ông bảo tôi: Anh mở thêm "nghề mới", làm từ thiện giúp người nghèo. Tưởng ông nói chơi, ai ngờ cuối năm ấy, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang do ông làm Chủ tịch ra đời.

Việc ông Bảy Lam đi làm từ thiện giúp người nghèo như lẽ đương nhiên của người nông dân trở về với đồng ruộng. Ông bảo: Thuở nhỏ, đời anh cơ cực lắm. Cơm không đủ no, áo không đủ ấm! Theo bạn đến trường, cái cặp không có, áo quần tả tơi. 16 tuổi xa nhà đi kháng chiến, những năm khó khăn giặc lùng, giặc vây, bà con cô bác nghèo khó mà vẫn một lòng cưu mang, đùm bọc. Mấy chục năm đã trôi qua, ông không quên cô Ba (cô ruột Ðại tướng Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ Công an) nhà nghèo mà vẫn nhường cơm, sẻ áo nuôi ông đi kháng chiến. Ðến lúc chết, cô vẫn nghèo. Báo hiếu với cô, ông bỏ tiền xây mộ tưởng nhớ và biết ơn cô mà lòng chứa chan đau xót. Cứ nghĩ đồng bào, đồng chí mình còn bao người nghèo khổ, mình không làm gì giúp đỡ được thấy tội lớn lắm! Rồi ông nhớ những ngày nằm viện cả mấy năm trời mới cám cảnh khi bị ốm đau, bệnh tật. Nghĩ đến người nghèo cùng cảnh ngộ không thuốc men chữa bệnh lại càng thương hơn...

Buổi ban đầu đi làm từ thiện, kinh nghiệm không, tiền không, ông Bảy như người qua sông mà không có phương tiện. May có người mách, ông lên TP Hồ Chí Minh gặp ông Sáu Tường (đồng chí Nguyễn Vĩnh Nghiệp, nguyên Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố, đã mất); nghệ sĩ Bạch Tuyết, những người có kinh nghiệm bày cho cách làm. Ông về bắt tay vào thực hiện. Việc quan trọng hàng đầu là phải có tiền mới giúp được người bệnh nghèo. Ông lần mò gặp gỡ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Kiên Giang; đến tận nhà chùa, nhà thờ là những nơi có khả năng vận động và đóng góp, nói rõ việc làm thiện tâm của hội. Thật may, đi đến đâu "thắng" đến đó. Họ sẵn sàng góp tiền, góp của cùng ông lo việc nghĩa. Thuyết phục nhà hảo tâm giúp đỡ, việc ấy bước đầu ông đã vượt qua. Nhưng mở rộng để nhiều nhà hảo tâm tin tưởng đến với quỹ thì phải bằng việc làm cụ thể, xây dựng chữ "tín" để người ta tin, giao tiền tỷ cho mình? " Ðòn" quyết định tháo gỡ cái "chốt" này chính là cần phải công khai rành mạch tiền nong huy động về, chi phí giúp người bệnh nghèo cái gì, rõ ràng cái đó. Ông nhờ Mặt trận Tổ quốc tỉnh trực tiếp kiểm tra, giám sát hoạt động; Sở Tài chính giúp Hội quản lý nguồn vốn thu, chi của Hội. Kết quả làm được việc gì cho người bệnh nghèo, bộ phận truyền thông của Hội phải ghi hình, chụp ảnh (kèm theo số liệu) báo cáo đầy đủ việc chi tiêu gửi trực tiếp đến các nhà tài trợ. Ông  vẫn thường nói với nhân viên của Hội: Vào Hội này mà lem nhem đồng xu, cắc bạc của nhà tài trợ cái tư cách cá nhân người làm việc đó đã không ra gì, mà hội thì rã ngay! Ông vẫn thường tự răn phải giữ mình như giữ lửa trước sự cám dỗ của đồng tiền. Ông không nương tay với người làm sai. Cách đây vài năm có anh cán bộ phụ trách văn phòng hội năng lực chuyên môn rất giỏi, nhưng trót cầm 100 triệu đồng của qũy để "mượn đầu heo nấu cháo" trong vòng tháng trời sẽ trả. Biết chuyện, không nấn ná, ông gọi người đó lên cho nghỉ việc ngay. Dù chị Chín Liên năn nỉ nói đỡ: như vậy sẽ mất một người tài!

"Lòng trong, dạ sáng" đã giúp ông và Hội sử dụng những đồng tiền quyên góp của các nhà hảo tâm, giúp đỡ người nghèo một cách hiệu quả: 5 năm trôi qua, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang đã giúp cho hơn 15 nghìn người bị mù sáng mắt; khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 30 nghìn người nghèo; trợ giúp hàng chục tỷ đồng giúp các vùng quê xa xôi có thêm đường, trường, nhà mới... Tiếng lành đồn xa, "Câu lạc bộ tỷ đồng" giúp đỡ tiền, của cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang ngày một đông thêm các nhà tài trợ. Bởi họ tin ở đó có ông Bảy Lam có tấm lòng vàng, cùng chung lý tưởng: giúp đỡ người nghèo qua cơn khốn khó lúc ốm đau. Không phải bỗng nhiên mà lãnh đạo các Tập đoàn Nam Cường, Công ty Cổ phần Vincom (Hà Nội), Tập đoàn Tân Tạo, Ðại đức Thích Minh Phú... (TP Hồ Chí Minh), nhà sư trụ trì Chùa Phổ Minh (Rạch Giá, Kiên Giang)... những nơi ủng hộ vận động quyên góp giúp Hội hàng tỷ đồng đều  bày  tỏ:  Gửi  tiền  giúp bệnh nhân nghèo qua ông Bảy Lam là yên tâm lớn. Vượt xa hơn các tập đoàn kinh tế, các tổ chức xã hội, lòng tin ấy đã đến cả với những người lao động bình thường. Bà bán khoai dạo  ở  chợ thị xã Rạch Giá, một buổi sáng nọ cắp mẹt khoai vào văn phòng hội xin đóng góp 20 nghìn đồng giúp đỡ người bệnh nghèo. Mẹ vợ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trước khi mất đã dặn lại con cháu: "Má mất rồi, tiền phúng viếng giao hết cho chú Bảy Lam nghe..." . Họ tin ông vì chính ông là người bắc nhịp cầu vàng để các nhà hảo tâm về với bệnh nhân nghèo.

Trước thềm năm mới, đêm tôn vinh những tấm lòng vàng do Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang tổ chức diễn ra hoành tráng. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và các "Mạnh Thường Quân" đến dự. Ngay đêm tôn vinh đã có hàng trăm nhà tài trợ ký cam kết với Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang ủng hộ với số tiền hơn 300 tỷ đồng. Về phần mình, ông Bảy Lam tặng Hội bức ảnh "Mặt trời trong Lăng tỏa sáng" do ông chụp, có chữ ký của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, để đem đấu giá, làm từ thiện và được bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo mua với giá một triệu USD. Bằng số tiền đó, Hội sẽ tổ chức phẫu thuật cứu 500 trẻ em gia đình nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh. Hôm ấy, ông Bảy Lam cùng ban lãnh đạo Hội bước lên sân khấu đón nhận từ Phó Chủ tịch nước tấm Huân chương Lao động hạng nhất do Nhà nước tặng. Ông về vị trí ngồi lặng im chứng kiến các nhà hảo tâm lên đón nhận món quà tặng của Chủ tịch nước với chữ "Tâm" vàng sáng, trang trọng  lồng trong khung kính, mắt ông đẫm lệ. Tôi hiểu những giọt nước mắt ấy là sự xúc động chân thành của ông, trước tấm lòng thơm thảo của các nhà hảo tâm đã tin và trao cho ông trách nhiệm làm cầu nối để họ đến với bệnh nhân nghèo.

TÔ VƯƠNG