Lớp học trong nhà lao Phú Quốc

Ðất nước hòa bình, thống nhất, chẳng biết có phải "có duyên" với giáo dục hay không, thầy giáo trong ngục tù lại được điều về ngành giáo dục. Trước khi về hưu, ông là Phó Chánh thanh tra của Bộ Giáo dục - Ðào tạo, phụ trách phía nam.

Năm 1970, tại Phú Quốc đã có 12 khu trại giam trên đảo do Mỹ, ngụy xây dựng để giam hãm hàng nghìn cán bộ, tù binh của ta.

Sống dưới chế độ Mỹ, ngụy, không có điều kiện được học hành, nên khá đông anh em miền nam chưa học hết lớp 1; có người còn chưa biết đọc, biết viết. Trong khi anh em tù binh miền bắc, đa số đều có trình độ từ cấp II, cấp III. Căn cứ vào trình độ học vấn không đồng đều của anh em, Chi bộ nhà tù quyết định mở các lớp từ xóa mù chữ đến học nghề, ngoại ngữ.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Ban văn hóa giáo dục các trại giam được hình thành bí mật tại từng phân khu. Các ban này thông qua các phòng giam, có từ 100 đến 120 tù nhân; kết hợp với Ðoàn thanh niên, Hội đồng hương để tổ chức việc dạy học. Mới đầu, một số anh em chưa biết chữ, khi được vận động học thì ngại ngùng. Nhưng do được động viên, giải thích, anh em hiểu ra và đồng ý theo học. Vấn đề còn lại là tìm thầy. Thầy giáo phải là người có trình độ văn hóa, có kiến thức sư phạm; có uy tín trong anh em; nếu là dạy nghề thì phải tinh thông nghề nghiệp. Sau một thời gian tìm hiểu đã phát hiện ra nhiều anh em đã tốt nghiệp tú tài toàn phần, có anh em còn tốt nghiệp đại học hoặc tương đương đại học, có khả năng ngoại ngữ tốt như Út Long, Sáu Ðàn (Lữ), Tư Sang, Lê Hai (Lang), Lý Kinh Văn, Mười Phò, Kim Hùng, võ sĩ Thừa, anh Liễu, anh Thành (Ðào), anh Phùng, v.v. Những người này sau khi được Chi bộ phân công làm thầy giáo thì đều hăng hái nhận nhiệm vụ.

Bắt tay vào việc, các "thầy giáo" phân công chuẩn bị giáo án. Yêu cầu đặt ra là phải dạy trọng tâm, học trọng tâm; cắt bỏ những bài không có điều kiện thực hành, thực tập, thí nghiệm. Tập trung vào các môn tự nhiên, còn các môn xã hội thì tùy theo tình hình có thể cắt bớt một số chương, mục. Ngoại ngữ thì học tiếng Trung, tiếng Nga, Pháp, Anh. Ðối với số anh em đã có trình độ từ cấp II trở lên thì học triết, kinh tế chính trị, lịch sử Ðảng... Học nghề thì ngoài các nghề truyền thống học theo lối truyền tay, còn có một khóa y tá do một tù binh trước đây làm công tác quân y đảm nhận.

Sống trong tù, thiếu thốn đủ bề, lấy đâu ra giấy viết, bút, phấn, bảng là những thứ thiết yếu cho việc dạy và học? Anh em phân công nhau khi đi làm tạp vụ thì nhặt nhạnh các miếng bìa, vỏ bao thuốc lá, vỏ bao xi-măng, giấy gói quà, các mảnh ni-lông giấu kín trong người để mang vào nhà giam làm giấy và bảng viết. Bảng viết còn có thể dùng chính nền nhà trại giam, nhưng khi học xong phải xóa sạch để địch khỏi phát hiện. Bút viết, thì lấy cọng dây kẽm gai, cọng tre. Bảng là mảnh ni-lông, bánh xà phòng. Cầu kỳ hơn, nhiều anh em lấy mảnh nhôm gọt dũa công phu làm thành ngòi bút. Khó nhất là phấn viết, mực viết. Một đồng chí có sáng kiến lấy bột DDT trộn với đất sét vo viên lại, phơi khô sẽ thành phấn. Còn mực thì lấy chất đen trong con mực, hoặc keo tràm. Ngoài cách trên, anh em còn dùng lá sơn lọc đi lọc lại nhiều lần làm mực đỏ cho các thầy chấm bài.

Các lớp học yên ổn được một thời gian thì địch đánh hơi, phát hiện anh em đang tổ chức học văn hóa, học nghề. Thế là chúng tiến hành lục xét từng người, từng chỗ nằm, nhà ăn, nhà cầu để tịch thu, phá hủy tất cả tài liệu, đồ dùng dạy học của anh em tù nhân và thẳng tay đàn áp "giáo viên, học sinh". Ðáng nhớ nhất là việc chúng phát hiện anh Hà và anh Lau làm "giáo viên", đã dùng cực hình tra tấn, đánh đập dã man rồi đưa hai anh đi biệt giam cho đến ngày trao trả. Tuy nhiên, dù có tàn bạo tới đâu, địch cũng không ngăn cản được phong trào dạy và học trong trại giam. Sau những lần đàn áp, anh em càng tổ chức việc dạy và học bí mật hơn, xóa hết dấu vết để địch khỏi phát hiện. Ðồng thời, quyết tâm dù bị địch bắt, tra tấn, dẫu có phải hy sinh đến tính mạng cũng nhất quyết không khai người dạy, người học...

Việc dạy và học trong điều kiện khó khăn, ác liệt như vậy, nhưng anh em tù binh vẫn miệt mài lĩnh hội kiến thức từ thầy, thể hiện tinh thần lạc quan cách mạng, tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Từ một chủ trương hết sức đúng đắn do Chi bộ nhà tù khởi xướng, mỗi phân khu đã có hàng nghìn người từ chỗ mù chữ đã biết đọc, biết viết, nhiều người đã nâng cao trình độ học vấn. Sau này, khi được trao trả tù binh; đặc biệt là sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất; từ nhà tù đế quốc trở về, trong số các anh, các chị, đã có rất nhiều người bằng kiến thức học tập trong tù đã trở thành những cán bộ có trình độ chuyên môn, hoặc làm kinh tế nuôi sống gia đình bằng nghề mà mình đã học được trong tù.