Trong lịch sử cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam (từ năm 1954 đến 1975), chiến dịch Plây Me - hoặc chiến dịch thung lũng Ya Ðrăng như một số sách báo thường viết, được biết tới như một trận đẫm máu đối với đội quân viễn chinh Mỹ vào mùa thu 1965 tại vùng thung lũng, dưới chân dãy Chư Pông ngút ngàn cây cối và những bãi cỏ rộng xen lẫn nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số rất thuận lợi cho việc đổ quân ém giấu lực lượng ở phía tây - nam thị xã Plây Cu.
Thời điểm diễn ra cuộc chiến tranh, toan tính của mỗi bên cũng như mức độ quyết liệt của cuộc giao tranh này và những tác động sau đó của nó đã là những nhân tố tạo nên tính "cột mốc" của chiến dịch Plây Me - một chiến dịch "đã làm thay đổi cuộc chiến tranh ở Việt Nam" như nhìn nhận của H.G.Moore và G.L.Galloway trong cuốn sách "Ðã một thời chúng tôi là lính... và trẻ trung".
Xét trên phương diện trực tiếp liên quan, năm 1965 là năm bản lề cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Về mặt thời gian, từ năm 1965 trở về trước, Mỹ đã có 10 năm can dự trực tiếp cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trong khoảng thời gian ấy, sự can dự của Mỹ còn "giấu mặt, trá hình", chủ yếu bằng đô-la, vũ khí, hệ thống cố vấn và lực lượng đặc biệt Mỹ để xây dựng nên chính quyền và quân đội Sài Gòn, yểm trợ cho chính quyền và quân đội này trong việc khủng bố những người yêu nước hòng đè bẹp cách mạng miền nam; biến miền nam thành thuộc địa kiểu mới, thành căn cứ quân sự của Mỹ, thành tiền đồn "chống cộng" ở Ðông-Nam Á.
Về phía ta, 10 năm đó, cách mạng miền nam vượt qua bao thử thách nặng nề, từng bước phục hồi và phát triển; miền bắc xây dựng chế độ mới trong điều kiện hòa bình, thu được những thành tựu to lớn, thật sự là "nền gốc" bảo đảm cho sự phát triển vững chắc của cách mạng miền nam, cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước...
Trước sự phát triển của cách mạng miền nam, bước vào năm 1965, cùng với việc đẩy mạnh chiến lược "chiến tranh đặc biệt" đến nấc cao - vượt quá mức lý thuyết và dự tính ban đầu, đế quốc Mỹ đưa một số đơn vị quân Mỹ vào miền nam và leo thang đánh phá miền bắc Việt Nam. Dẫu vậy, đến mùa hè 1965, chiến lược "chiến tranh đặc biệt" mà Mỹ triển khai thực hiện ở miền nam từ năm 1961 đã bị phá sản. Với bản chất hiếu chiến, xâm lược và rất ngoan cố, Mỹ quyết định đưa nhanh các đơn vị quân Mỹ và quân một số đồng minh của Mỹ vào trực tiếp tham chiến ở miền nam, mở rộng quy mô và cường độ đánh phá miền bắc, tiến hành chiến lược "chiến tranh cục bộ" để giành một thắng lợi chớp nhoáng, mang tính quyết định trên chiến trường Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu đặc biệt do tướng Willer - Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đứng đầu, từng đoan chắc với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara và Tổng thống Mỹ Johnson rằng: "Không có lý do gì khiến chúng ta không thể thắng nếu đó là quyết tâm của chúng ta".
Quả thật, đế quốc Mỹ đã dựa trên nền tảng vững chắc vốn có về tiềm lực và sức mạnh kinh tế, quân sự khổng lồ; về "truyền thống" chưa hề bại trận một khi đưa quân ra ngoài biên giới tham chiến; về sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Quốc hội Mỹ khi chính Quốc hội này thông qua Nghị quyết "Vịnh Bắc Bộ" - một "bản tuyên chiến đề trước ngày" mở đường cho chính quyền Johnson ném con em nước Mỹ vào chiến trường Việt Nam.
Cũng cần phải thấy thêm rằng, khi quyết định đưa quân Mỹ vào miền nam, nước Mỹ đã trải qua một quá trình mà ở đó, nền kinh tế liên tục tăng trưởng, quân đội được huấn luyện tốt nhất và được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh, thiết bị chiến trường rất hiện đại... Vả lại, cho đến lúc đó, mâu thuẫn Xô - Trung chẳng những không được khắc phục mà ngày càng thêm gay gắt đã làm rạn nứt khối đoàn kết các nước XHCN và phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Ðế quốc Mỹ nhận thấy, đây là một nhân tố rất quan trọng cần phải và có thể lợi dụng để đưa quân vào Việt Nam...
Bối cảnh trên đây cho thấy cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt mới, phải đối diện với một tình thế rất hiểm nghèo. Toàn thế giới dõi theo tình hình đang diễn biến ngày càng căng thẳng ở Việt Nam với sự lo lắng, rằng Việt Nam - đất nước nhỏ bé, thua kém Mỹ nhiều lần về tiềm lực, sức mạnh kinh tế và quân sự có đương đầu được với cỗ máy quân sự khổng lồ và hung hãn của Mỹ không? Và liệu cuộc chiến tranh này có được kiểm soát hay sẽ lan nhanh ra khu vực hoặc trở thành chiến tranh thế giới?
Với Việt Nam, trong khi kiên quyết giữ vững ý chí và quyết tâm kháng chiến, vấn đề nóng bỏng và bức xúc đặt ra cho quân và dân ta trên chiến trường là phải khẩn trương tiếp cận để tìm hiểu khả năng thực tế của quân Mỹ, qua đó, xây dựng cách đánh có hiệu quả, bảo đảm cho việc đương đầu và đánh bại đội quân xâm lược này. Trận chiến đấu ở Núi Thành cuối tháng 5-1965 và ở Vạn Tường cuối tháng 8-1965 là nhằm mục đích đó.
Tuy giành thắng lợi, giáng đòn phủ đầu mãnh liệt vào quân Mỹ nhưng do diễn ra trên một địa bàn không rộng, thời gian không dài, quy mô sử dụng lực lượng không lớn, đối tượng mới chỉ là lính thủy đánh bộ, cho nên những kinh nghiệm rút ra từ hai trận trên rõ ràng còn hạn chế. Về mặt đó, chiến dịch tiến công Plây Me của chủ lực Mặt trận Tây Nguyên được mở rộng và giành thắng lợi đã góp phần rất quan trọng vào việc giải quyết những vấn đề bức xúc bấy giờ đang đặt ra cho quân và dân ta trên chiến trường miền nam.
Ðây là chiến dịch đầu tiên của chủ lực ta nhằm vào Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ khi chúng hùng hổ đổ vào miền nam, lập căn cứ ở An Khê (tháng 9-1965) và đang rất khát khao "tìm diệt" chủ lực đối phương. Sư đoàn này là "con đẻ" của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara, sản phẩm của một nước Mỹ giàu có về tiền của. Trong biên chế, sư đoàn có 15.787 binh sĩ, 434 máy bay lên thẳng chở quân và máy bay lên thẳng vũ trang, 1.600 xe các loại, 54 khẩu pháo hạng nặng 105mm, 78 dàn rốc-két với 1.872 ống phóng cỡ 70mm lắp trên máy bay lên thẳng vũ trang... Sức cơ động cao, hỏa lực mạnh, khí tài trinh sát hiện đại là những ưu thế vượt trội, bảo đảm cho sư đoàn này có một khả năng "mà không một lục quân nào khác trên thế giới ngày nay có được" như chính Mc Namara nhận xét.
Theo dõi sát mọi diễn biến của tình hình, Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định mở chiến dịch Plây Me, đánh một đòn quyết liệt vào sư đoàn này của địch. Không gian chiến dịch là tứ giác Plây Me - Bầu Cạn - Ðức Cơ - Plây Thê. Ðồn Plây Me - nơi đồn trú của một tiểu đoàn thuộc lực lượng đặc biệt quân đội Sài Gòn khoảng 500 tên do các cố vấn Mỹ chỉ huy, được chọn làm điểm "khơi ngòi" nhử các đơn vị Sư đoàn kỵ binh không vận Mỹ phải thoát ly căn cứ, tới cứu viện, tạo điều kiện cho ta tiêu diệt. Trong nghệ thuật quân sự, cách đánh này được gọi là "vây điểm, diệt viện" - một lối đánh mưu trí và sở trường của quân ta.
Quả nhiên, khi ta nổ súng tiến công đồn Plây Me vào đêm 19-10-1965, uy hiếp dữ dội cứ điểm phía nam thị xã Plây Cu thì chiều 23-10, Bộ Tư lệnh Biệt khu 24 quân đội Sài Gòn buộc phải sử dụng một lực lượng mạnh gồm một chiến đoàn có ba tiểu đoàn bộ binh cùng một chiến đoàn có ba chi đoàn thiết giáp tới cứu nguy. Thế nhưng, chính lực lượng ứng cứu này lại bị lọt ngay vào trận địa phục kích và bị đánh tơi tả khiến toàn bộ chiến đoàn bộ binh cơ giới hỗn hợp bị tiêu diệt hoàn toàn, 86 xe quân sự của chúng bị phá hủy. Tình thế đó kích thích mạnh sự hung hăng của Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ lúc bấy giờ đóng căn cứ ở An Khê. Theo lệnh của Westmoreland, Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại miền nam, sư đoàn này mở cuộc hành quân "Lưỡi lê bạc" đánh vào khu vực phía tây đồn Plây Me hòng giải vây, đồng thời tiêu diệt các đơn vị chủ lực của ta hiện đang có mặt trên địa bàn chiến dịch.
Từ ngày 29-10 đến 9-11, địch cho máy bay lên thẳng đổ quân theo lối "nhảy cóc", sục sâu nhằm chuẩn bị bàn đạp, bãi đáp máy bay lên thẳng, thực hiện đòn đánh bất ngờ phía sau đội hình chiến dịch của ta. Phán đoán đúng ý đồ này của địch, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định chọn thung lũng Ya Ðrăng cách Plây Me khoảng 25 km về phía tây làm điểm quyết chiến đánh trận then chốt tiêu diệt một bộ phận lực lượng Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ. Một lần nữa, tài nghệ điều hành cuộc chiến và sự dũng mãnh, mưu trí của bộ đội ta đã biến tính toán trên đây thành hiện thực.
Một loạt trận đánh ác liệt diễn ra tại các vạt rừng dưới lòng suối cạn, ngay bãi đỗ máy bay lên thẳng, cả ở sở chỉ huy hành quân của lữ đoàn quân Mỹ... Ðịch bị dồn xuống thung lũng Ya Ðrăng. Tại đây, từ đêm 16-11 và ngày 17-11, giữa ta và địch đã diễn ra những trận đánh quyết liệt, trong đó, có những trận "giáp lá cà". Trong nguy khốn, địch sử dụng cả máy bay ném bom chiến lược B52 rải thảm, dùng xăng đặc đốt các cánh rừng và dùng pháo hạng nặng bắn tới 4.000 quả đạn để yểm trợ cho quân Mỹ hoặc để phi tang xác của đồng bọn.
Trước sức tiến công mãnh liệt của ta, ngày 26-11-1965, số lính Mỹ sống sót được máy bay lên thẳng đưa về căn cứ sư đoàn ở An Khê, bỏ lại đằng sau những vạt rừng xơ xác đạn bom, những bãi lon hộp và khẩu phần thức ăn trống rỗng, xác lính Mỹ và xác máy bay lên thẳng, xe quân sự ngổn ngang...
Chiến dịch Plây Me kết thúc. Ta tiêu diệt gần hết và đánh thiệt hại nặng hai tiểu đoàn kỵ binh không vận Mỹ, tiêu diệt một chiến đoàn bộ binh cơ giới hỗn hợp quân đội Sài Gòn, bắn rơi và phá hỏng 59 máy bay lên thẳng, phá hủy 89 xe quân sự... Phía Mỹ thừa nhận, tại thung lũng Ya Ðrăng, có 824 lính kỵ binh không vận Mỹ chết và bị thương, trong đó có hơn 300 binh sĩ tử trận.
Chiến thắng Plây Me, sự mưu trí của bộ chỉ huy điều hành chiến dịch và sức tiến công dũng mãnh của Bộ đội Cụ Hồ khiến kẻ thù kinh sợ. Nhưng hơn thế, trận đánh này đã giáng đòn quyết liệt vào uy thế quân đội Mỹ ngay từ những ngày đầu tham chiến, làm lung lay lý thuyết mới về chiến tranh bằng máy bay lên thẳng của Mỹ khi nó được vận dụng lần đầu vào chiến trường miền nam, làm cho một bộ phận trong giới lãnh đạo cấp cao Mỹ ngày đó bắt đầu nản lòng. Sự nản lòng đó được biểu hiện rõ nhất ở lời tuyên bố với giới báo chí của Mc Namara sau khi ông ta nghe báo cáo trực tiếp về trận Ya Ðrăng, rằng: "Cuộc chiến tranh mà Mỹ theo đuổi ở Việt Nam sẽ là một cuộc chiến tranh lâu dài". Ðiều này là hoàn toàn trái ngược với tính toán và kế hoạch chiến tranh ban đầu của Mỹ. Nói cách khác, nhận thức trên đây của Mc Namara thực chất là sự thừa nhận thất bại của chiến lược đánh nhanh thắng nhanh khi chiến lược này mới được triển khai chưa đầy sáu tháng!
Ðại tá, TS HỒ KHANG
(Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)