Phát hành trái phiếu để vay nợ nước ngoài:

750 triệu USD trái phiếu đã bán hết

750 triệu USD trái phiếu quốc tế của Chính phủ Việt Nam (TPQTCP) có kỳ hạn 10 năm (đáo hạn tháng 1-2016) đã được bán hết ở New York hôm 27-10 với giá bán là 98,223% so với mệnh giá.

TPQTCP cos mức lãi suất cố định là 6,875%/năm (tính ra lãi suất thực là 7,125%), tương đương mức lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ loại 10 năm + 256,4 điểm cơ bản. Số TPQTCP này sẽ được niêm yết tại thị trường chứng khoán Singapore.

“Đây là đợt phát hành TPQTCP lần đầu tiên của Việt Nam ra thị trường vốn quốc tế và giao dịch này khẳng định cam kết của Việt Nam hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế thế giới. Chúng tôi rất mừng là thị trường quốc tế đã đón nhận mạnh mẽ và hi vọng giao dịch lần này sẽ khuyến khích hơn nữa sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với Việt Nam” - Thứ trưởng Tài chính Lê Thị Băng Tâm, Trưởng đoàn Việt Nam, nhận định.      

Ông Paul Cacello - Chủ tịch, Tổng giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Đầu tư Credit Suisse First Boston - đơn vị quản lý số duy nhất trong lần phát hành TPQTCP đầu tiên, nói “rất vinh dự được tham gia lần phát hành đầu tiên này và đây sẽ là nền tảng vững chắc cho Việt Nam bước vào thị trường tài chính toàn cầu”.

Hiện nay vốn vay từ nước ngoài của Việt Nam chủ yếu là vốn ODA, trong khi theo dự báo, trong khoảng 5-7 năm tới nguồn ODA sẽ không còn, vì khi đó chúng ta phải trả nợ các khoản vay trước thì các nước mới có thể cho vay tiếp. Việc Việt Nam phát hành TPQTCP ra thị trường vốn quốc tế thể hiện một nền kinh tế ngày càng hội nhập cao hơn, có thêm công cụ mới để huy động vốn cho đầu tư phát triển.

Vì các nhà đầu tư đánh giá rằng TPQTCP có những mức độ rủi ro nhất định nên họ mua TPQTCT thấp hơn, chỉ bằng 98,223% mệnh giá phát hành, và lãi suất lại cao hơn so với lãi suất trái phiếu của Mỹ có cùng kỳ hạn. Giá bán TPQTCP có thể cao hơn, lãi suất có thể thấp hơn nếu độ rủi ro thấp, hệ số tín nhiệm quốc gia ở mức cao hơn. Vì vậy một khi đã tham gia vay nợ trên thị trường vốn quốc tế thì việc quan trọng đầu tiên là phải sử dụng vốn hiệu quả, nếu không sau này việc vay nợ của chúng ta sẽ rất khó khăn, chi phí sử dụng vốn rất cao.