ND - Vào khoảng tháng 9, tháng 10 năm 1949, lúc đó Phủ Chủ tịch còn đóng ở Châu Lập Dinh, tỉnh Tuyên Quang. Một buổi sáng trời đẹp, đến phiên tôi bảo vệ Bác.
10 giờ sáng, nắng đã trải vàng trên các nương rẫy, tôi vào phòng làm việc của Bác.
Tôi hơi ngạc nhiên vì cảm nhận thấy trên nét mặt Bác đọng một vẻ buồn.
- Thưa Bác, hôm nay Bác không khỏe ạ?
Bác không trả lời và đưa cho tôi một tờ Cứu Quốc:
- Chú xem đi, giặc đã cho máy bay ném bom nhà thờ Bùi Chu - Phát Diệm. Thật là một tội ác ghê tởm. Tay đứt ruột xót, máu của đồng bào mình chảy, ai mà chẳng đau lòng.
Tôi cầm tờ báo đọc. Trên hàng chữ lớn: "Giặc Pháp cho máy bay ném bom nhà thờ Bùi Chu - Phát Diệm giết hại hàng trăm đồng bào công giáo", tôi thấy những gạch đỏ những chỗ Bác chú ý.
Ðọc xong, tôi cảm thấy căn nhà vắng lặng. Ngẩng đầu tôi thấy Bác đang quay mặt về phía trong, tay cầm khăn...
Tôi cũng lặng người đi và tiếp tục đọc nốt bài báo. Chờ cho tôi đọc xong, Bác nói:
- Chúng ta phải làm việc hết sức mình để đẩy nhanh cuộc kháng chiến mau đến thắng lợi cho đồng bào lương giáo thoát khỏi nỗi khổ đau này. Chú cầm tờ báo về đọc cho mọi người nghe.
(Nguyễn Hữu Kháng kể, Hồ Vũ ghi, trích trong cuốn sách "Ðiều Bác Hồ yêu nhất và ghét nhất", NXB CAND, Hà Nội, 2005).