Thiếu hụt lực lượng lao động là điều không thể tránh khỏi, nhưng điều DN cần nhất là chính quyền thành phố sớm ban hành các quy định, điều kiện và hình thức hoạt động sau khi nới lỏng quy định phòng, chống dịch, để DN chủ động đưa ra lộ trình về nhân sự và cơ chế vận hành.
Sẵn sàng đưa công nhân trở lại sản xuất
Gần ba tháng qua, Công ty TNHH Công nghiệp Đức Bổn đóng tại Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận, quận 7 chỉ có thể sản xuất cầm chừng với 400 công nhân ăn, ngủ, sản xuất tại chỗ. Mặt hàng công ty này sản xuất là các sản phẩm về áo ngựa, yên ngựa, dây cương..., chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Bộ phận nhân sự của công ty chia sẻ: “Chúng tôi không lo thiếu đơn hàng, mà lo nhất là số lượng công nhân không đủ đáp ứng sản lượng cho đối tác, nếu sau ngày 1/10 thành phố tiếp tục giãn cách. Hiện số công nhân làm việc tại nhà máy chỉ bằng một phần ba số công nhân so với trước đây, 800 công nhân còn lại tạm nghỉ giãn cách, trong đó một số người về quê tránh dịch”. Bà Trần Muối, Trưởng phòng nhân sự, Công ty TNHH Công nghiệp Đức Bổn cho biết: Bộ phận nhân sự của công ty đã lên phương án triệu tập công nhân trở lại làm việc, sẵn sàng khi thành phố mở cửa, chia làm hai đợt, đợt 1 đến ngày 15/10 tiếp nhận 500 công nhân, đợt 2 là 400 công nhân. “Nếu công nhân quay lại nhà xưởng như phương án đề ra thì việc thiếu hụt lao động sẽ không đáng kể. Lo nhất là lao động ở tỉnh xa không thuận lợi khi quay về thành phố; nếu vậy, công ty phải tính đến phương án tuyển dụng mới”, bà Trần Muối nhận định.
Thực hiện song song cả hai hình thức “ba tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến”, hiện nay số lượng công nhân sản xuất tại nhà máy của Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức) là khoảng 2.500 người. Gặp không ít khó khăn, trở ngại khi vừa sản xuất, vừa phòng dịch, nhưng việc giữ được hơn hai nghìn công nhân lao động trong suốt đợt dịch bùng phát làm việc tại nhà máy là lợi thế lớn để công ty tính toán và chủ động nguồn lực sản xuất nếu thành phố cho hoạt động sản xuất trở lại. Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam, cho hay: “Phần nhiều lao động làm việc tại nhà máy hơn hai tháng giãn cách là những lao động làm việc dài hạn, do công ty đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cộng với quy định phòng dịch rất nghiêm ngặt, cho nên họ chấp nhận thích nghi. Họ chính là “của để dành” để bù đắp nguồn lao động thiếu hụt nếu công ty sản xuất bình thường trở lại”. Theo Ban Giám đốc Công ty TNHH Nidec Việt Nam, thời điểm trước khi dịch bùng phát, số lượng công nhân lao động làm việc tại nhà máy khoảng 6.000 người. Do đó, với số lượng một phần ba công nhân làm việc “ba tại chỗ”, công ty phải căng mình để duy trì đơn hàng trong tình hình dịch bệnh phức tạp. Nếu thành phố thực hiện mở cửa sau ngày 1/10 với hình thức sản xuất mới, thay thế hình thức “ba tại chỗ” hiện nay thì DN mới có thể tăng sản lượng sản phẩm, tránh nguy cơ bị hủy đơn hàng từ các đối tác nước ngoài.
Thời gian qua, để bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”, nhiều DN tại TP Hồ Chí Minh đã triển khai phương án “ba tại chỗ” với nhiều mục tiêu: giữ đơn hàng, giữ khách hàng và đặc biệt nhất là giữ người lao động. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều DN chia sẻ, thành công nhất của DN thực hiện “ba tại chỗ” không phải là hiệu quả kinh tế, mà là giữ chân được lao động làm việc, bảo đảm công nhân an toàn, không bị nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 khi dịch bệnh lây lan mạnh tại TP Hồ Chí Minh. Công nhân lao động ổn định sẽ là nguồn lực và cơ sở tốt nhất để DN hồi phục sản xuất nhanh sau khi thành phố mở cửa hoạt động kinh tế.
Đẩy mạnh tiêm vắc-xin, xây dựng mô hình sản xuất
Tình trạng thiếu hụt nhân sự, công nhân lao động đã được hầu hết các DN sản xuất, kinh doanh dự báo để có phương án bù đắp. Tuy nhiên, vấn đề được phần lớn DN, các hiệp hội, nhà quản lý kỳ vọng là thành phố sớm có quy định cụ thể về mô hình hoạt động khi thành phố mở cửa trở lại; đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin cho người lao động để DN chủ động xây dựng phương án tuyển dụng, bố trí nhân sự và hoạt động sản xuất. Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA), có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc bảo đảm nguồn cung lao động cho các DN khi khôi phục sản xuất trở lại, trong đó hàng trăm nghìn người đã về quê tránh dịch. Khi thành phố mở cửa hoạt động sản xuất trở lại, DN gặp rất nhiều thách thức, lao động không đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng sản xuất. Khó khăn nhất là những DN đã ngừng sản xuất (chiếm 70% số DN của thành phố) sẽ gặp phải tình trạng khủng hoảng thiếu lao động. Ông Chu Tiến Dũng đề nghị, để giải quyết vấn đề lao động trong giai đoạn phục hồi kinh tế, TP Hồ Chí Minh cùng DN và các hiệp hội ngành nghề phải phối hợp tính toán phương án nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động các ngành thâm dụng như dệt may, da giày trên bình diện khu vực và cả nước. Đồng thời, Chính phủ phải sớm xây dựng được bộ dữ liệu về thông tin lao động, “thẻ xanh vắc-xin”, lưu thông đi lại nhằm giúp việc tuyển dụng và phân bổ lao động giữa các vùng, miền diễn ra thuận tiện.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các khu công nghiệp (KCN) TP Hồ Chí Minh cho hay: Cuối tháng 6/2021, thành phố đã ưu tiên tiêm vắc-xin mũi 1 cho 322.000 công nhân tại 18 KCX-KCN, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, đến tháng 9 mới có 70.000 công nhân thực hiện phương án “ba tại chỗ” tại các DN được tiêm vắc-xin mũi 2, cho nên thành phố cần đẩy mạnh tiến độ tiêm vắc-xin cho người lao động. Việc các DN có đủ công nhân làm việc trở lại hay không phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ tiêm đủ vắc-xin cho công nhân để họ có “thẻ xanh” đi lại làm việc. Đây là bài toán cần được chính quyền thành phố sớm tập trung giải quyết.
Theo tính toán của Hiệp hội Các KCN TP Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 43.000 công nhân làm việc tại các DN ở TP Hồ Chí Minh mới chỉ tiêm vắc-xin mũi 1 và đã đến thời hạn tiêm vắc-xin mũi 2. Tuy nhiên, những công nhân này đang ở rải rác các khu vực giáp ranh TP Hồ Chí Minh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An... mà chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Vì vậy, để sớm đưa được số lượng lớn công nhân này quay lại TP Hồ Chí Minh làm việc cần có sự phối hợp đồng bộ giữa TP Hồ Chí Minh và các địa phương trong công tác tiêm vắc-xin, cập nhật dữ liệu lên hệ thống chung.
Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, vừa qua một số DN không thực hiện được phương án làm việc “ba tại chỗ” do phát sinh quá nhiều chi phí để duy trì sản xuất đến khi hết giãn cách, nên đã phải đóng cửa. Chính vì vậy, một trong những yếu tố bảo đảm hoạt động của DN chính là nguồn lao động. Do đó, thành phố cần sớm có quy định mô hình sản xuất sau khi mở cửa trở lại, nhằm tạo điều kiện cho DN chủ động xây dựng chính sách trong việc tuyển dụng lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh.