Dự án kè sông Cần Thơ-ứng phó biến đổi khí hậu được phê duyệt ban đầu hơn 810 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Cơ quan phát triển Pháp, thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, do Ban Quản lý dự án đầu tư, xây dựng thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư. Công trình có chiều dài 5.160 m, nhằm bảo vệ bờ sông Cần Thơ thuộc hai quận Ninh Kiều và Cái Răng. Đây là một trong những dự án trọng điểm với mục tiêu làm thay đổi diện mạo đô thị sông nước của thành phố Cần Thơ. Khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần bảo vệ các công trình hạ tầng cũng như bảo đảm an toàn cho cư dân trong vùng dự án.
Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực hiện, công trình mới chỉ bàn giao 60% mặt bằng, giải ngân 4 gói thầu xây lắp được hơn 250 tỷ đồng, đạt khoảng 50% khối lượng. Nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ thi công công trình kéo dài do ngân sách thành phố chậm bố trí vốn đối ứng để thực hiện, việc giải phóng mặt bằng chậm vì quận Ninh Kiều không còn nền đất để bố trí tái định cư cho các hộ dân trong vùng dự án.
Do hết thời gian thực hiện và công trình dang dở nên thành phố Cần Thơ kiến nghị, được Chính phủ cho phép kéo dài đến cuối năm 2023, đồng thời tăng vốn đầu tư lên 1.100 tỷ đồng (tăng thêm hơn 280 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố để phục vụ giải phóng mặt bằng, tái định cư). Tuy nhiên, hiện công trình đang thi công cầm chừng, còn hơn một trăm hộ dân trong vùng dự án chưa di dời vì địa phương chưa bố trí tái định cư. Ông Đường Vĩnh Sùng, có nhà sát mé sông Cần Thơ thuộc khu vực 5, phường An Bình, quận Ninh Kiều bức xúc:
"Tôi và các hộ dân sống trong vùng dự án đều mong muốn Nhà nước nhanh chóng bố trí tái định cư để người dân có chỗ ở ổn định, an toàn. Dự án này kéo dài nhiều năm, người dân sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu vì sạt lở bờ sông có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đe dọa đến tính mạng, tài sản".
Tương tự, cũng vì chậm giải phóng mặt bằng, dự án kè chống sạt lở, thích ứng biến đổi khí hậu rạch Cái Sơn ở quận Ninh Kiều và Bình Thủy cũng chậm tiến độ và xin kéo dài thêm 2 năm. Công trình có tổng vốn hơn 314,9 tỷ đồng, dài hơn 2,8 km, vốn đầu tư từ ngân sách trung ương thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020, do Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư.
Đến năm 2020 kết thúc dự án, công trình chỉ đạt hơn 50% khối lượng và tiếp tục gia hạn thêm 1 năm nhưng năm 2021, khối lượng thi công cũng chỉ đạt 67% và tiếp tục xin gia hạn đến hết năm 2022. Hiện công trình còn ngổn ngang bừa bộn, thi công cầm chừng, chưa biết khi nào hoàn thành. Chi cục trưởng Thủy lợi thành phố Cần Thơ Nguyễn Quí Ninh cho hay, dự án có 249 hộ dân bị ảnh hưởng, 41 hộ phải tái định cư. Đến hết tháng 3 vừa qua, vẫn còn 23 hộ ở quận Ninh Kiều chưa bàn giao mặt bằng do quận chưa bố trí nơi tái định cư và người dân khiếu nại về giá bồi thường, chính sách tái định cư.
Không vướng giải phóng mặt bằng nhưng công trình cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ nối hai quận trung tâm Ninh Kiều và Cái Răng vẫn chậm tiến độ. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 790 tỷ đồng từ nguồn ODA của Ngân hàng Thế giới, khởi công ngày 18/9/2020, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2022 nhưng đến đầu tháng 5 này, công trình mới đạt gần 60% tiến độ, nguy cơ không thể hoàn thành vào tháng 6/2022 theo như hợp đồng đã ký là nhãn tiền.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ Đoàn Thanh Tâm cho biết: Dự kiến đến tháng 6/2022, công trình sẽ hoàn thành nhịp hai bên cầu phía quận Cái Răng và Ninh Kiều, còn phần nhịp chính được thiết kế kết cấu vòm thép. Khi vòm thép nhịp chính gia công xong phải kiểm tra, kiểm định, vận chuyển về công trường và thi công kết nối vào nhịp bê-tông cốt thép hai phía mất rất nhiều thời gian.
Trước sự chậm trễ này, Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ đã có 3 văn bản cảnh cáo liên danh nhà thầu, nếu không bảo đảm về tiến độ như cam kết, Ban sẽ xem xét cắt, chuyển 40% khối lượng cho nhà thầu khác, trường hợp không biến chuyển, sẽ xem xét cắt hợp đồng.
Năm 2022, thành phố Cần Thơ có tổng vốn đầu tư công hơn 7.000 tỷ đồng, trong đó đã phân bổ cho các dự án, chủ đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng. Đến cuối tháng 4, tiến độ giải ngân đạt hơn 700 tỷ đồng, tương đương 11% kế hoạch, rất thấp so với yêu cầu. Trong 21 sở, ngành được giao làm chủ đầu tư, có 8 chủ đầu tư chưa giải ngân; 4 quận, huyện tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn. Đặc biệt, có 18 đơn vị chưa giải ngân hoặc không báo cáo tiến độ đầu tư công định kỳ, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã cảnh cáo các chủ đầu tư này.
Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ cho biết, nguyên nhân chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tái định cư các công trình. Người dân khiếu nại về giá đất bồi thường và thành phố Cần Thơ chưa chủ động xây dựng các khu tái định cư phục vụ các dự án di dời dân. Các chủ đầu tư cũng chưa sâu sát, quyết liệt trong việc đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc phát sinh, đồng thời không kiên quyết xử lý nghiêm nhà thầu thiếu năng lực, vi phạm hợp đồng nên công trình kéo dài. Công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án từ khảo sát, thiết kế, lập dự án chưa sát thực tế, dẫn đến phát sinh chi phí, phải bổ sung, điều chỉnh mất nhiều thời gian. Ngoài ra, dịch Covid-19, giá sắt thép tăng cao cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công nhiều dự án,...
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ 95% kế hoạch năm 2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư, quản lý dự án nêu cao tinh thần trách nhiệm, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, bảo đảm giải ngân theo lộ trình, kế hoạch đã xác định.
Người đứng đầu các quận, huyện phải đặc biệt quan tâm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, lập kế hoạch cụ thể về tiến độ, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm. Các chủ đầu tư cần đôn đốc, có biện pháp xử lý nghiêm đối với nhà thầu bê trễ như: cảnh cáo, xử phạt, cắt hợp đồng, thay thế và đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của thành phố, cấm tham gia đấu thầu trên địa bàn thành phố,...
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường, thành phố đã lập các tổ công tác rà soát cụ thể dự án, công trình trọng điểm chậm tiến độ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tháng 5 và tháng 6 tới. Thành phố không còn cách nào khác vì đã chỉ đạo quá nhiều lần bằng văn bản và chỉ đạo trực tiếp tại các cuộc họp nhưng vẫn chưa có chuyển biến rõ nét. Những cá nhân, đơn vị liên quan vì lý do nào đó không làm, phải tránh sang một bên để người khác làm.
Trong trường hợp do chủ đầu tư năng lực kém, sẽ thay thế chủ đầu tư, nếu chủ đầu tư buông lỏng nhiệm vụ sẽ nghiêm khắc kiểm điểm, thay vị trí người đứng đầu, 18 chủ đầu tư đã bị cảnh cáo nếu không có tiến triển sẽ không bố trí vốn cho dự án và chuyển vốn sang đơn vị khác. Trường hợp nhà thầu yếu kém, cần xem xét cắt hợp đồng, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.