Bình Phước “dịch chồng dịch”, nông dân gặp khó

NDO -

Những năm gần đây, dịch bệnh trên vật nuôi xuất hiện nhiều hơn, lây lan trên diện rộng, nhất là đối với với lợn và trâu, bò trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Bên cạnh đó, trước sự tác động tiêu cực của dịch Covid-19 trong vài tháng gần đây đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm từ chăn nuôi, khiến nông dân Bình Phước gặp nhiều khó khăn, do “dịch chồng dịch”. 

Đàn trâu bò của một hộ dân ở huyện Lộc Ninh, Bình Phước.
Đàn trâu bò của một hộ dân ở huyện Lộc Ninh, Bình Phước.

Nỗi lo dịch bệnh hoành hành

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện đầu tiên tại huyện Bù Đốp vào cuối tháng 6. Đến nay, bệnh đã lây lan ra 44 xã của 10 huyện, thị, thành phố, huyện đã tiêu hủy 25 con bò, với tổng trọng lượng hơn 3 tấn. Hiện, bệnh đã có chiều hướng giảm sau khi đàn gia súc đã được tiêm phòng vaccine.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, nếu các địa phương và người dân không tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả thì nguy cơ lây lan diện rộng là rất lớn.

Cụ thể, tại huyện biên giới Bù Đốp đã ghi nhận 128 con bò mắc bệnh bệnh viêm da nổi cục với của 84 hộ trên 7 xã, thị trấn. Trong đó, có 12 con bò bị chết hoặc bệnh quá nặng không thể chữa trị buộc phải tiêu hủy, chiếm 50% số lượng đàn bò bị tiêu hủy toàn tỉnh.

Hộ anh Mã Trung Truyền, ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến, Bù Đốp được xem là hộ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch viêm da nổi cục trên bò. Anh Trung cho biết, đàn bò của gia đình có 9 con. Đầu tháng 7/2021 gia đình phát hiện bệnh lạ, lúc đầu bò chỉ xuất hiện những u mụn nhỏ; sau đó, to dần và lan khắp cơ thể. Cùng với đó là bò bỏ ăn, nhiều con có triệu chứng sốt, gia đình dùng nhiều phương pháp để chữa trị nhưng không khỏi. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy 2 con bò có bệnh, trị giá hơn 20 triệu đồng.

Đối với những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn như trường hợp anh Lê Hồng Phương ở thôn 6, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp thì dịch viêm da nổi cục đã lấy đi phần thu nhập chính trong gia đình.

Cách nay gần chục năm, thấy hoàn cảnh khó khăn nên một người dân đã bán thiếu cho anh một con bò về nuôi. Sau nhiều năm chăm sóc, bò mẹ đẻ được 2 con. Dịch viêm da nổi cục đã làm chết một con 8 tháng tuổi, nặng hơn 170 kg, khoảng 14 triệu đồng.

Anh Phương cho biết: "Vợ buôn bán nhỏ, tôi thì lao động tự do, dự tính, cuối năm gia đình bán một con bò để sắm sửa những vật dụng thiết yếu trong gia đình, nhưng dịch bệnh đã lấy đi tài sản được coi là lớn nhất của gia đình tôi".

Còn tại huyện Bù Đăng, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò được ghi nhận vào cuối tháng 7 vừa qua tại một hộ dân thuộc xã Đoàn Kết. Đến nay, dịch bệnh đã lây lan ra đàn bò của 18 hộ, thuộc 7 thôn, khu phố của 4 xã, thị trấn trên toàn huyện. Dịch bệnh đã làm cho 26 con bò bị nhiễm bệnh, trong đó có 2 con bò bị chết phải tiêu hủy.

Gia đình chị Vũ Thị Hiền, khu phố Đức Thiện, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng nuôi 4 con bò. Quá trình chăm sóc phát hiện bò ăn yếu, thân bò nóng, chị tìm hiểu thì được biết bò nhiễm bệnh viêm da nổi cục. Chỉ sau khoảng 10 ngày, một con bò con khoảng 3 tháng tuổi đã chết, gây thiệt hại cho gia đình hơn 10 triệu đồng.

Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi cũng đang xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các huyện: Hớn Quản, Đồng Phú, Bù Gia Mập. Tính từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi diễn ra trên địa bàn 25 xã, phường thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố.  

Phát huy thế mạnh về đất đai và tận dụng các phế phẩm từ cây trồng (trái mít sâu, lá mít và một số lá cây làm trụ hồ tiêu…) nhiều hộ dân đã phát triển chăn nuôi dê đem lại nguồn thu nhập khá. Thế nhưng, do dịch Covid-19 kéo dài nên chuỗi tiêu thụ hàng hóa bị đứt gãy, nên nhiều vật nuôi, nhất là dê thương phẩm không tiêu thụ được, giá xuống thấp kỷ lục.

Anh Nguyễn Trung Ân ở ấp Tân Lập, xã Tân Thành, Bù Đốp hiện đang nuôi 600 con dê, có trọng lượng trung bình 35-40 kg/con. Trước khi chưa có dịch, toàn bộ số dê thương phẩm đều được thương lái thu mua với giá hơn 120 nghìn đồng/kg dê hơi để nhập cho các nhà hàng, quán ăn uống khu vực miền Đông Nam Bộ.

Từ khi dịch bùng phát, dê không tiêu thụ được thì giá chỉ 70-90 nghìn/kg. Vừa qua, anh bán được 30 con dê cho thương lái nhưng phải chịu lỗ trung bình từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/con.

Đồng bộ các giải pháp bảo vệ đàn gia súc

Dịch bệnh diễn biến phức tạp đối với vật nuôi, nhất là trên đàn gia súc của các hộ dân, ảnh hưởng lớn đến kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, một bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc vẫn chủ quan, chưa có biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi.

Anh Vũ Văn Điệp, cán bộ thú y thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng cho biết: “Đến nay, vẫn còn khoảng 50% các hộ đồng bào dân tộc trên địa bàn thị trấn Đức Phong của huyện Bù Đăng không chịu hợp tác tiêm phòng trên đàn trâu, bò dù nguồn vaccine tiêm phòng hoàn toàn miễn phí. Điều này, không chỉ gây thiệt hại cho chính người chăn nuôi. Xa hơn, còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch ra toàn đàn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe những con mẹ đang mang thai và con non có sức đề kháng yếu”.

Trước diễn biến của dịch bệnh trên đàn vật nuôi, từ đầu năm 2021, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Trên cơ sở đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp UBND các huyện, thị xã tổ chức thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, đẩy nhanh tiêm vaccine cho đàn vật nuôi. Qua đó, sớm khống chế các ổ dịch, xây dựng vùng, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh.

Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp phát 43.500 liều vaccine tiêm phòng khẩn cấp phòng, chống dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò; hơn 32 nghìn liều vaccine tụ huyết trùng trâu, bò; hơn 26 nghìn liều vaccine dịch tả lợn cổ điển.

Ngành nông nghiệp cũng chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm soát tốt vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Song song đó, tăng cường công tác kiểm soát giết mổ tại 31 cơ sở giết mổ động vật đang hoạt động…

Đồng thời, xây dựng cơ sở vùng nuôi, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh trên toàn tỉnh và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu, nâng cao ý thức hợp tác với chính quyền nhằm bảo vệ đàn gia súc trước dịch bệnh hoành hành.