Phát huy hiệu quả trường bán trú ở Bắc Kạn

Những năm qua, việc thực hiện cho học sinh ở bán trú tại Bắc Kạn đã phát huy hiệu quả, khẳng định sự phù hợp của mô hình này với các địa bàn đặc biệt khó khăn. Nhờ cách làm này, các trường giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, đồng thời nâng cao chất lượng dạy và học.

Trường THPT Chuyên Bắc Kạn. (Ảnh minh họa: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn)
Trường THPT Chuyên Bắc Kạn. (Ảnh minh họa: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn)

Năm 2014, được sự hỗ trợ của Bộ Công an, Trường tiểu học và trung học cơ sở Mỹ Thanh, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông đã xây dựng được dãy phòng bán trú cho các em học sinh vùng cao. Đến nay, mô hình này vẫn đang khẳng định sự phù hợp. Hiện tại, trong tổng số 285 học sinh thì có 38 em bậc tiểu học và 6 em bậc trung học cơ sở đang ở bán trú.

Em Hoàng Tiến Phong, ở thôn Nà Cà cho biết, nhà ở xa trường, đường đi lại khó khăn, trong khi em mới chỉ học tiểu học nên việc đi học rất khó, nhất là vào mùa đông lạnh lẽo. Từ khi được ở bán trú, được các thầy, cô giáo bảo ban, chăm sóc, nấu cơm cho ăn, lại được ở cùng nhiều bạn bè nên em rất vui và phấn khởi.

Thầy Nguyễn Tiến Hồng, phụ trách quản lý bán trú của trường chia sẻ, khi mới có nhà bán trú, chưa có trang thiết bị gì, các thầy, cô giáo đã cùng nhau góp sức, kêu gọi để mua sắm từng tấm chăn, cái màn… cho các em. Hiện giờ, cơ sở vật chất khu bán trú đã tương đối đầy đủ, giúp các em yên tâm học tập. Các thầy, cô giáo tuy vất vả hơn vì phải lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em nhưng tất cả đều nỗ lực, cố gắng.

Theo thầy Nguyễn Lương Điền, Hiệu trưởng nhà trường, nhờ có mô hình bán trú mà tình trạng học sinh bỏ học đã không còn. Các em về ở bán trú nên trường cũng xóa được điểm trường lẻ ở thôn vùng cao. Chất lượng học tập được nâng lên vì các thầy, cô giáo có điều kiện, thời gian để uốn nắn, dạy các em học bài vào buổi tối. Bên cạnh đó, các em ở bán trú được hưởng đầy đủ chế độ theo quy định nên dinh dưỡng, thể chất đều được nâng lên.

Trưởng phòng Giáo dục huyện Pác Nặm Hoàng Văn Duy cho biết, năm 2006, Trường tiểu học xã Công Bằng là trường đầu tiên của cả tỉnh thực hiện mô hình bán trú dân nuôi. Thấy rõ hiệu quả từ Trường tiểu học Công Bằng, vào năm 2006, Hội đồng nhân dân huyện đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng nhà bán trú; trích một phần vốn từ các chương trình đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, huy động các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp xây dựng nhà bán trú. Huyện chuyển đổi chín trường tiểu học và trung học cơ sở sang mô hình này. Mô hình càng trở nên hiệu quả khi có sự hỗ trợ từ Nghị định số 116/2016/NÐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh bỏ học trên địa bàn huyện đã giảm hẳn, xóa được nhiều điểm trường lẻ, chất lượng học tập được nâng lên.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2016/NÐ-CP, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành Nghị quyết số 54/2016/NQ-HÐND ngày 6/11/2016 quy định một số chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với các trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn. Theo đó, nhà ở của học sinh tiểu học xa trường từ 4 km trở lên, trung học cơ sở từ 7 km trở lên, trung học phổ thông từ 10 km trở lên thì được bán trú tại trường. Mức hỗ trợ kinh phí thuê người phục vụ nấu ăn cho học sinh bán trú; định mức hỗ trợ người quản lý học sinh ngoài giờ học; hỗ trợ tiền điện cho mỗi học sinh ở bán trú với mức 10 kW/tháng. Nghị quyết đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp các trường thực hiện tốt công tác tổ chức, quản lý, nấu ăn cho học sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đi học. Qua đó, từng bước cải thiện chất lượng giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Hiện toàn tỉnh Bắc Kạn có 23 trường phổ thông dân tộc bán trú, trong đó, có bảy trường tiểu học, hai trường tiểu học và trung học cơ sở, 14 trường trung học cơ sở với tổng số học sinh bán trú 5.469 em. Số trường phổ thông có học sinh bán trú là 69 trường, gồm: 30 trường tiểu học, 27 trường tiểu học và trung học cơ sở, 12 trường trung học cơ sở với tổng số học sinh bán trú 18.307 em.

Tuy nhiên, hầu hết các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường có học sinh bán trú ở Bắc Kạn hiện vẫn còn thiếu thốn về cơ sở vật chất. Các trường thiếu phòng thiết bị, thư viện, phòng bán trú còn chật hẹp, nhiều trường phải cho các em ở ghép, thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018) chưa được đầu tư, mua sắm... Theo thống kê của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, hiện các trường phổ thông dân tộc bán trú đang cần phải đầu tư thêm 158 phòng học, phòng thiết bị và 66 công trình nhà ăn, bếp, nhà sinh hoạt... Các trường có học sinh bán trú cần đầu tư thêm 506 phòng học, phòng thiết bị và 211 công trình phục vụ sinh hoạt.

Số lượng phòng học, phòng thiết bị, công trình nêu trên cần tới kinh phí rất lớn để đầu tư, trong khi số lượng các em học sinh có nhu cầu và đủ điều kiện ở bán trú thì vẫn tăng theo từng năm. Do vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới để củng cố, phát huy hiệu quả mô hình bán trú ở địa phương này.