Cô giáo mầm non say mê sáng chế

Cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Linh đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo, trong đó có tám năm làm công tác quản lý tại Trường mầm non Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Quá trình công tác cô giáo Linh luôn nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thử thách bằng sự tận tụy với công việc dạy học, chăm sóc trẻ, được ngành Giáo dục Hà Nội trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2020-2021.

Cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Linh nhận giải thưởng.
Cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Linh nhận giải thưởng.

Tại Trường mầm non Giáp Bát, nơi cô Linh công tác, trong quá trình thực hiện hiệu quả những định hướng đổi mới và tiếp cận các phương pháp tiên tiến vào chương trình giáo dục trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Trường có khuôn viên nhỏ, chỉ hơn 1.000 m2, hệ thống sân vườn thiên nhiên còn hạn chế, thiếu các điều kiện cho học sinh trải nghiệm, khám phá và nhất là thiếu các trang thiết bị hiện đại hỗ trợ giáo viên trong các hoạt động dạy và học.

Xuất phát từ những khó khăn đó, là người đứng đầu của nhà trường, cô Linh luôn trăn trở và thường xuyên vào các trang mạng xã hội để nghiên cứu và tìm tòi, học hỏi, mong sẽ tìm ra hướng khắc phục những khó khăn cho ngôi trường nhỏ bé của mình.

Năm học 2020-2021, cô đã tìm tòi, thiết kế và ứng dụng thành công hai thiết bị mang tên “Chiếc bàn ánh sáng” và “Máy chiếu sáng tạo” vào tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo trong dạy học. Để có sản phẩm “Chiếc bàn ánh sáng”, cô Linh đã sưu tầm một chiếc ngăn kéo đã hỏng của gia đình để làm hộp gỗ. Tiếp theo là một tấm mica trùng khớp với miệng hộp, cùng ba chiếc đèn led có chiều dài phù hợp, tấm vải filter tản sáng. Với kéo, súng bắn keo, cô nối điện vào ba bóng đèn để tạo một hộp ánh sáng có hình dáng như một chiếc bàn để đặt đồ dùng, đồ chơi lên trên đó.

Theo cô Linh, để hoàn thiện được sản phẩm này đến với học sinh, cô đã phải nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp, nhất là của tổ bảo vệ nhà trường và của cả bạn bè, người thân. Trải qua nhiều lần thử nghiệm thất bại, cô thật sự hạnh phúc khi sản phẩm được thiết kế thành công để đưa vào sử dụng. Chiếc bàn ánh sáng cuốn hút, hấp dẫn trẻ say sưa học và chơi với chiếc bàn ánh sáng vì như được đến với thiên nhiên, với các khám phá thú vị từ một góc nhìn hoàn toàn mới lạ. Cô Linh đã truyền được ngọn lửa sáng tạo ấy đến với các cô giáo trong nhà trường để từ đó, giáo viên thi đua cùng nhau sưu tầm thùng gỗ, các nguyên vật liệu để tự thiết kế chiếc bàn ánh sáng cho lớp học của mình.

Đến nay, các lớp học của Trường mầm non Giáp Bát, lớp nào cũng đã sở hữu một chiếc bàn ánh sáng cho các con hoạt động. Tổng số bàn ánh sáng đang sử dụng trong nhà trường là 12 chiếc. Hiện tại, sản phẩm này đã được nhân rộng ra một số trường trong quận Hoàng Mai như: Trường mầm non 10/10, Trường mầm non Lĩnh Nam... Bên cạnh sự thành công khi lan tỏa, truyền lửa cho giáo viên thiết kế được những chiếc bàn học đặc biệt này, cô Linh còn thiết kế và ứng dụng thành công máy chiếu sáng tạo hỗ trợ đắc lực cho giáo viên trong tổ chức các hoạt động dạy học. Cô giáo Linh cho biết, để thiết kế được thiết bị này, cần hai chiếc máy chiếu, một máy tính xách tay và hai giá đỡ. Phải chọn vị trí lắp đặt hai máy chiếu để phù hợp với không gian của trẻ và tiến hành lắp đặt hai chiếc giá đỡ và hai chiếc máy chiếu cố định với tường. Khi hoàn thiện và đem sản phẩm này đến với học sinh, lớp học của các con đã giống một rạp chiếu phim lớn. Từ thành công nêu trên, cô Linh tiếp tục nghiên cứu để đưa máy chiếu sáng tạo vào các phòng chức năng của nhà trường như: Phòng chiếu phim, không gian sáng tạo hay du lịch qua màn ảnh nhỏ để tiếp tục đưa sản phẩm này đến gần hơn với học sinh.

Hai sản phẩm được cô giáo Linh tìm tòi, thiết kế, sáng tạo dễ sử dụng, tiết kiệm kinh phí và đem lại hiệu quả cao; cuốn hút, hấp dẫn trẻ bởi “mang cả thế giới thu nhỏ” đến với học sinh ngay trong lớp học. Trẻ được đến với thiên nhiên, được trải nghiệm những cảm xúc, cảm nhận hoàn toàn mới. Các sản phẩm có thể ứng dụng tại nhiều đơn vị, nhất là trong những nhà trường có khuôn viên nhỏ, hệ thống sân vườn thiên nhiên hạn chế, các điều kiện cho học sinh trải nghiệm gặp khó khăn. “Hai sản phẩm đã hỗ trợ và phát huy đắc lực cho giáo viên trong việc tổ chức các hoạt động đổi mới giáo dục tại Trường mầm non Giáp Bát. Tôi hy vọng sáng kiến này sẽ được áp dụng và nhân rộng tại các trường bạn để học sinh có nhiều cơ hội được trải nghiệm khám phá dưới góc nhìn thú vị mới lạ, mang lại niềm yêu thích cho các con học sinh và hỗ trợ cho các thầy, cô giáo trong giảng dạy”, cô Linh chia sẻ.