Là phụ huynh có con học lớp 1, Trường tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình, Hà Nội), chị Nguyễn Thu Linh chia sẻ: Học sinh lớp 1 năm nay thiệt thòi vì rất ít em được chuẩn bị các kỹ năng “tiền tiểu học” đầy đủ. Mặc dù con đã làm quen với bảng chữ cái, con số nhưng việc dạy trực tuyến không mang lại hiệu quả. Chưa kể con chưa tập trung, không quen ngồi một chỗ với thời gian lâu. Việc phải tiếp xúc máy tính, điện thoại trong thời gian dài cũng ảnh hưởng đến thị lực và sức khỏe của con.
Hiệu quả dạy trực tuyến phụ thuộc trước hết vào thiết bị, đường truyền mạng. Việc tương tác giữa giáo viên và học sinh khá hạn chế, dẫn đến khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh không được như mong đợi. Các em không thể thực hiện nhiều thao tác cùng lúc như không thể vừa nghe, vừa nhìn, vừa thao tác tay. Một yếu tố gây căng thẳng là khi học trực tuyến, trẻ bị tách khỏi môi trường thầy cô, bạn học dẫn đến thiếu trải nghiệm giác quan. Đấy là chưa kể những khó khăn thiếu thốn cơ sở vật chất.
Chị Nguyễn Thị Hương ở thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi rối bời: Gia đình có hai con nhỏ, một cháu năm nay vào lớp 1, một cháu học lớp 5, nhà không có máy tính, chỉ duy nhất một chiếc điện thoại kết nối mạng được. Không thể cùng lúc cho hai con học trực tuyến được.
Giáo viên cũng khó tổ chức lớp học. Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Phú, TP Quảng Ngãi cho biết: Bình thường ở trên lớp, giáo viên sát sao, hướng dẫn từ tác phong học tập, ngồi đúng tư thế, cầm bút đúng cách, rèn cách làm việc với sách và đồ dùng học tập của học sinh. Còn bây giờ, giáo viên chỉ có thể mô tả, không thể uốn nắn nét chữ cho từng học sinh, nhắc nhở và điều chỉnh kịp thời ngay được.
Cô giáo Nguyễn Phương Anh, giáo viên Trường tiểu học Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ thêm, một tiết học tiếng Việt trên lớp có rất nhiều hoạt động như viết bảng, tập đọc, giơ thẻ, viết vào vở. Nhưng với hình thức trực tuyến, những hoạt động này rất khó triển khai, giáo viên không thể bao quát hết học sinh. Khi học trực tuyến, giáo viên phải đầu tư bài giảng kỹ lưỡng hơn rất nhiều so với học trực tiếp.
Các trường đã nỗ lực xây dựng nhiều giải pháp, sáng tạo cách làm hay để khắc phục. Cô giáo Nguyễn Phương Anh, giáo viên Trường tiểu học Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Trước khi vào năm học, nhà trường đã áp dụng hình thức trực tuyến bằng cách chia đôi lớp học, mỗi lớp không quá 20 học sinh để ổn định nền nếp và hướng dẫn các con những thao tác trong học tập.
Do không được hướng dẫn trực tiếp, nên ngoài chiếu bài giảng bằng powerpoint, giáo viên sử dụng thêm bảng điện tử như một máy chiếu đa vật thể để các con được tương tác với cô giáo, đồng thời dễ dàng quan sát được cách đặt bút vào vở ô li thế nào, cách cầm bút và tư thế ngồi đúng. Các bài giảng trực tuyến cũng được các cô thiết kế với nhiều hình ảnh sinh động, tận dụng một số trò chơi trực tuyến liên quan nội dung học tập nhằm tạo không khí vui tươi, hứng khởi.
Cô Phan Thị Xuân Thu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đức Giang (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: Nhà trường đã khảo sát và thống kê về các điều kiện học sinh lớp 1 theo ba nhóm, cụ thể: Nhóm phụ huynh có thiết bị, đường truyền và điều kiện hỗ trợ khi con học; Phụ huynh có thiết bị, đường truyền nhưng chưa có điều kiện hỗ trợ khi con học; Phụ huynh không có thiết bị, đường truyền và không có điều kiện hỗ trợ khi con học.
Từ đó, Ban Giám hiệu đã xây dựng việc học trực tuyến với ba hình thức: Học trực tuyến; học qua clip; học qua bài tập trắc nghiệm trên phần mềm Google form. Với phương pháp phù hợp, kế hoạch rõ ràng, trường vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, vừa hỗ trợ công tác giảng dạy hiệu quả.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A9, Trường tiểu học Trần Phú, TP Quảng Ngãi cho biết: Đối với học sinh lớp 1, nhà trường đã có kế hoạch phối hợp với phụ huynh để cùng làm quen với việc học trực tuyến và các phần mềm ứng dụng trong dạy học. Giáo viên in thêm các bài hướng dẫn, cung cấp thêm các tư liệu như video, hình ảnh minh họa liên quan đến bài học để phụ huynh có thể kèm con học cũng như học sinh có thể ôn lại để củng cố kiến thức.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Khoa học Giáo dục, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: Điều đầu tiên quan trọng nhất là cha mẹ hãy tạo cho con một tâm thế háo hức đối với việc học trực tuyến như một điều thú vị cần khám phá. Cha mẹ cần xác định vai trò là một giáo viên/huấn luyện viên hiện trường để điều hướng các thiết bị công nghệ, định hướng sự chú ý của con cũng như nhắc nhở và hỗ trợ kịp thời để con có thể thành công.
Đối với giáo viên, hãy dành tuần đầu tiên làm quen, kết nối với trẻ; xây dựng mối quan hệ với cha mẹ, thống nhất về nội quy lớp học, hướng dẫn cha mẹ thực hiện các hoạt động chuẩn bị tại gia đình. Để bài giảng không quá tải, giáo viên nên giới hạn thời gian cho mỗi phiên học kéo dài 15 phút, nghỉ 5 phút và tiếp tục một phiên học 15 phút khác. Giáo viên cần thay đổi quan điểm từ “nhiều giờ học” sang “giờ học chất lượng”.
Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Phạm Quang Tiệp, Trưởng bộ môn Giáo dục Tiểu học, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Khi thiết kế bài học trực tuyến, giáo viên phải lượng hóa nội trung trọng tâm của bài học, kích hoạt sự chú ý và tập trung của trẻ. Để không bỏ sót học sinh, giáo viên tăng cường tuyên dương, gọi tên trong quá trình học tập. Học sinh chỉ nên tương tác với màn hình không kéo dài quá 35 phút cho một tiết học và tối đa hai giờ mỗi ngày.
Theo Vụ trưởng Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, TS Thái Văn Tài, trong điều kiện dịch bệnh rất khó dự báo khi nào kết thúc, vì vậy các nhà trường phải sẵn sàng cho tất cả các kịch bản để thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, nhưng không dừng việc học”.
Đối với học sinh lớp 1, đây là lứa tuổi đặc thù vì vậy các cơ sở giáo dục cần tổ chức dạy học trực tuyến với hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi học sinh; bảo đảm các yêu cầu từ sắp xếp thời khóa biểu, chọn nội dung dạy, chọn phần mềm, cách thức triển khai của giáo viên, khả năng đồng hành của người thân học sinh...; Ưu tiên dạy học môn tiếng Việt và môn Toán để giúp học sinh hình thành các kỹ năng cơ bản như nghe, nói, đọc, viết và tính toán.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng đồng hành với các địa phương, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các bài giảng dùng chung cho tất cả các bộ sách giáo khoa. Kho bài giảng này được thiết kế linh hoạt, không chỉ ngồi nghe, nhìn, học sinh còn được tương tác với chính giáo viên trong video như giáo viên sẽ yêu cầu các em hãy đứng dậy cùng cô; nhìn vào sách và trả lời câu hỏi... Các đài truyền hình địa phương có thể tiếp nhận chính kho bài giảng này để phát sóng. Giáo viên cũng có thể tải và gửi cho phụ huynh để con em học với khung giờ phù hợp.