Dân lo lắng vì đầu ra!
Trước khi có cuộc làm việc nói trên, người trồng mía rất hoang mang khi biết thông tin từ phía công ty Casuco cho là do tình hình sản xuất kinh doanh mía đường khó khăn, nên dự kiến niên vụ mía 2019-2020, phía công ty sẽ không ký kết hợp đồng bao tiêu mía với nông dân Hậu Giang và các tỉnh như những vụ trước; mà chuyển sang hình thức thu mua theo giá sàn. Thông tin này khiến ngành chức năng và nông dân trồng mía lo lắng về đầu ra, bởi Casuco là doanh nghiệp mía đường hàng đầu ở ĐBSCL.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hậu Giang, Ngô Minh Long: niên vụ mía 2019-2020 Hậu Giang xuống giống được hơn 8.600 ha, giảm gần hai nghìn ha so cùng kỳ. Điều đáng nói là niên vụ mía trước, thu nhập của bà con thấp, thậm chí bị lỗ, nhưng nông dân vẫn duy trì và chăm sóc tốt cho cây mía. Nhưng với giá mía thấp, cộng thêm đầu vụ tới giờ, các nhà máy đường chưa triển khai chính sách thu mua, ký kết hợp đồng bao tiêu, khiến người trồng mía chưa thật sự an tâm sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Thúy ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp đang đánh lá bảy công mía của gia đình, than rằng: “Vụ rồi đã thua lỗ, còn vụ này mía phát triển khá tốt, hy vọng đầu ra gặp thuận lợi. Nhưng qua thông tin nhà máy không ký hợp đồng bao tiêu nữa, muốn bỏ luôn, đỡ tốn thêm công chăm sóc. Mía mà kiểu này hoài, khổ cho nông dân, trồng mà không biết bán cho ai, ở đâu, chắc phải bỏ mía, chuyển qua cây trồng khác thôi!?”.
Đầu tư trực tiếp cho nông dân trồng mía,
Tại buổi làm việc, ông Lê Hồng Thái, Tổng Giám đốc Casuco, cho biết: “Công ty đã nghiên cứu, xây dựng chính sách đầu tư bao tiêu mía cho vị sản xuất 2019-2020 để phối hợp với các cấp chính quyền, bà con nông dân trong vấn đề thúc đẩy sản xuất mía đường, gia tăng tính cạnh tranh khi hội nhập”.
Đặc biệt, năm nay là năm đầu tiên Casuco thực hiện thí điểm đầu tư trực tiếp cho nông dân trồng mía, nhằm giúp bà con giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng mía. Đối với diện tích mía chưa thể đầu tư được thì Casuco cũng sẽ tiếp tục ký hợp đồng bao tiêu có giá bảo đảm để nông dân an tâm sản xuất.
Theo đó, Casuco sẽ chọn 400 ha để thực hiện thí điểm các chính sách đầu tư, như: hỗ trợ phân bã bùn để bà con cải tạo đất, hỗ trợ về khoa học , kỹ thuật, định mức ứng trước vốn vay cho bà con về giống, phân bón, … Về điều kiện, người nhận vốn đầu tư phải có diện tích từ 5 ha trở lên. Casuco sẽ mua mía trực tiếp tại rẫy, nông dân không phải bán mía qua trung gian như trước đây.
Về giá thu mua, Casuco sẽ ký hợp đồng bao tiêu 6.670 ha vùng mía nguyên liệu, trong tổng diện tích hơn 8.600 ha mía của tỉnh Hậu Giang, với giá bảo hiểm là 700 đồng/kg, mía sạch đạt 10 chữ đường (CCS), cân tại rẫy. Còn giá thu mua mía tại cầu cảng sẽ được Casuco thông báo khi đến ngày thu mua, tùy thuộc vào chi phí vận chuyển mía từ rẫy về đến nhà máy.
Tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương có mía cho rằng, với hình thức đầu tư bao tiêu giá bảo hiểm này, chẳng qua là nông dân có chỗ để bán mía. Còn về hiệu quả, chắc chắn người trồng mía khó có lời, vì giá thành sản xuất mía niên vụ trước đã trên 700 đồng/kg.
Theo Phó Tổng Giám đốc Casuco, Phạm Quang Vinh, gần như là theo chu kỳ hai năm, ngành đường rơi vào hoàn cảnh điêu đứng, khi lượng đường thế giới bị thừa. Hiện nay, theo dự báo, sản lượng đường thế giới trong niên vụ 2019-2020 sẽ sụt giảm, bởi nông dân châu Âu đang chuyển từ sản xuất củ cải đường sang các loại nông sản khác có lợi nhuận cao hơn; hay Brazil chuyển hướng thu hoạch mía sang sản xuất ethanol…
Lượng đường trong nước cũng đã giảm khoảng 20%. Niên vụ mía 2019-2020 ở ĐBSCL, tuy chưa có thống kê, nhưng diện tích mía thực tế ở nhiều địa phương đã giảm mạnh. Ngay như ở Hậu Giang được xem là "thủ phủ" về cây mía trong vùng ĐBSCL, với ba nhà máy đường, cũng giảm gần hai nghìn ha so cùng kỳ. Số nhà máy đường trong vùng cũng đã giảm từ 10 xuống còn 5 nhà máy hoạt động... Đây là cơ sở để tin tưởng giá đường sẽ sớm phục hồi. Do đó, tùy tình hình thị trường tại thời điểm thu mua, Casuco sẽ thông báo giá và chính sách thu mua cụ thể, bảo đảm không thấp hơn giá bảo hiểm đã ký kết với bà con.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Trương Cảnh Tuyên cho rằng: “Để cây mía “đứng vững”, ngoài yếu tố tác động của thị trường, quan trọng là cần tập trung khắc phục hai yếu điểm đó là: sản xuất mía còn thủ công, chưa được cơ giới hóa và chưa phát huy tối đa liên kết hoạt động hợp tác trong tổ chức sản xuất để hình thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ”.
Việc Casuco triển khai thực hiện thí điểm đầu tư trực tiếp cho nông dân trồng mía cũng là cách tốt nhất, nhằm hướng đến xây dựng mô hình sản xuất với giá thành dưới 500 đồng/kg để nhân rộng. Tuy niên, Casuco cũng cần nghiên cứu điều chỉnh một số nội dung trong chính sách đầu tư, nhất là lãi suất đầu tư cho nông dân trồng mía, nên chọn hình thức cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi để hưởng lãi suất thấp.
“Ngay sau khi chính sách đầu tư, bao tiêu của công ty được bổ sung hoàn thiện, cần công bố và tiến hành các trình tự ký kết hợp đồng bao tiêu để bà con an tâm chăm sóc tốt cho cây mía trong niên vụ này” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Trương Cảnh Tuyên, đề nghị.