Tham dự có hơn 300 đại biểu là các diễn giả, chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, các viện, trường, đại diện lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh phía nam và hơn 170 nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Thực trạng còn nhiều hạn chế
Báo cáo tại diễn đàn, Cục Trồng trọt cho biết, hiện diện tích cây ăn trái của các tỉnh phía nam ước đạt gần 600 nghìn ha, chiếm khoảng 60% diện tích của cả nước; tổng sản lượng hằng năm hơn 6,6 triệu tấn, chiếm khoảng 67% sản lượng của cả nước. Trong đó có 14 loại cây ăn trái có diện tích trồng hơn 10 nghìn ha như: xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, cam, bưởi, nhãn, khóm, chôm chôm, mít, bơ, mãng cầu,…
Riêng ĐBSCL là vùng trồng cây ăn trái chủ lực của phía nam khi chiếm khoảng 58% tổng diện tích. Nhiều giống cây ăn trái mới được chọn tạo, chuyển giao cho sản xuất và nhiều tiến bộ kỹ thuật được nhà vườn áp dụng hiệu quả, như: rải vụ thu hoạch, tưới nước tiết kiệm, thụ phấn bổ sung, cải thiện tăng đậu trái và chống rụng trái non. Đặc biệt, nhiều nông dân áp dụng mô hình sản xuất theo hướng VietGap, Global GAP nhằm tạo ra sản phẩm sạch. Riêng thị trường tiêu thụ cây ăn trái trong những năm gần đây tương đối thuận lợi, giá cao, người sản xuất có lời…
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường xuất khẩu trái cây còn rất lớn nhưng thực trạng sản xuất cây ăn trái của các tỉnh phía nam vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, việc phát triển cây ăn trái còn nhỏ lẻ, manh mún và trồng nhiều loại cây trên cùng diện tích dẫn đến không đủ số lượng hàng hóa lớn để cung ứng theo nhu cầu khách hàng.
Bên cạnh đó, chất lượng cây ăn trái không đồng đều, việc áp dụng mô hình sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế nên gặp khó đầu ra. Trong khi đó, ngành nông nghiệp các địa phương chưa dự báo chuẩn xác về thị trường tiêu thụ, dẫn đến tình trạng lúc thiếu, lúc thừa, trồng rồi lại chặt. Mặt khác, việc sản xuất theo hướng truy xuất nguồn gốc vẫn còn ít. Công tác quản lý nguồn gốc cây giống còn lỏng lẻo nên đa phần nông dân mua cây giống theo lòng tin, dẫn đến tình trạng cây bị dịch hại ngày càng nhiều, nhất là vào giai đoạn 2 - 3 năm sau trồng.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam: Về sản xuất trái cây, đặc biệt là ở ĐBSCL hiện nay nổi lên vấn đế là diện tích trồng của nông dân nhỏ lẻ, phân tán, gây khó khăn trong việc cơ giới hóa. Thứ hai là khó phổ biến áp dụng những phương thức sản xuất theo hướng an toàn như VietGap, GlobalGap, nên diện tích sản xuất theo hướng an toàn còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 10%. Nông dân thường chạy theo số lượng nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều, gây ảnh hưởng đến uy tín trái cây của Việt Nam.
Khâu sản xuất giống chất lượng cũng còn hạn chế, người dân sử dụng giống trôi nổi. Khâu thu hoạch, chế biến ở ĐBSCL chủ yếu bằng thủ công. Việc vận chuyển trái cây từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ bằng phương tiện thô sơ như xe máy, xuồng ghe, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch chiếm tỷ lệ rất cao, khoảng 40% bị thất thoát hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Rồi khâu bảo quản sau thu hoạch tuy có phát triển nhưng còn yếu so với các nước chung quanh, do còn thiếu vốn, thiếu công nghệ. Khâu chế biến sâu để tăng giá trị cũng còn yếu, chủ yếu xuất thô, xuất tươi, vì còn quá ít nhà máy đủ lớn để chế biến.
Khâu vận chuyển đi nước ngoài còn rất yếu, bởi chúng ta chưa có một hệ thống gọi là logistic hoàn chỉnh ở ĐBSCL. Lâu nay, hàng trái cây phải được tập trung về TP Hồ Chí Minh rối mới xuất đi. Trong khi đó hệ thống giao thông phát triển chưa đồng bộ cũng góp phần tăng tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch.
Khó khăn nữa là hàng trái cây xuất đi các nước như Mỹ, Australia… thì qua khâu chiếu xạ, khâu xông hơi nước nóng, trong khi nhà máy thì thiếu. Hiện chỉ có một cái máy chiếu xạ ở TP Hồ Chí Minh được dùng chung cho cả nước, nên bị quá tải, chưa kể có yếu tố độc quyền nên giá cũng cao so với các nước trong khu vực.
Giải pháp phát triển cây ăn trái bền vững
Theo Tiến sĩ Nguyễn Như Hiến, Phó Văn phòng Cục Trồng trọt phía nam, giải pháp để phát triển cây ăn trái bền vững đáp ứng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới là cần phải tổ chức lại sản xuất trong vùng quy hoạch. Theo đó, mỗi tỉnh cần xác định một số cây thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu về tập quán canh tác có lợi thế trong sản xuất để tập trung đầu tư, từ quy trình, quy hoạch, từ xây dựng nông thôn mới, đến chế biến bảo quản.
Thứ hai là về khoa học công nghệ: Trước tiên là khâu chọn giống phải tốt để đưa vào sản xuất, bảo đảm các giống này có năng suất cao, chất lượng tốt vừa kháng được sâu bệnh. Mặt khác, tiếp tục bình tuyển lại những giống ở địa phương có lợi thế đặc trưng. Đồng thời, ban hành lại các quy trình kỹ thuật theo hướng trọn gói và kết hợp với cơ quan nghiên cứu chuyển giao cho nông dân với doanh nghiệp để tạo ra sản phẩn cuối cùng và chia sẻ lợi ích với nhau.
Về liên kết sản xuất cũng phải tổ chức lại và làm tốt hơn. Phấn đấu đến năm 2030, 100% diện tích trong vùng sản xuất tập trung được tổ chức lại sản xuất, được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và được truy xuất nguồn gốc bảo đảm an toàn. Đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, trên cơ sở tính đến thời vụ của các nước. Chẳng hạn như các nước ở châu Âu, Mỹ, khi thời vụ của họ không sản xuất trái cây được thì chúng ta đáp ứng lúc này và giảm lúc kia theo giải pháp rải vụ.
Còn ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam: Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu trái cây lớn của Việt Nam, chiếm 75% sản lượng. Nhưng cái khó của nông dân là từ tháng 6 này, Trung Quốc cấm không cho xuất tiểu ngạch nữa, mà phải đi vào con đường chính ngạch. Để đi đường chính ngạch, chúng ta cần phải có mã số vùng trồng, mã số đóng gói. Muốn vậy, cần phải tập hợp được nông dân qua hình thức HTX để xây dựng những vùng trồng chuyên canh tập trung lớn để dễ dàng đưa cơ giới hóa, áp dụng phương thức sản xuất an toàn, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi trong khâu tiêu thụ…
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung đánh giá hiện trạng canh tác cây ăn trái hiện nay của từng địa phương. Tuyên truyền, phổ biến về tiến bộ khoa học kỹ thuật và tiêu chuẩn sản xuất cây ăn trái, để đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu và nội địa. Trên cơ sở đó, kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp phát triển cây ăn trái bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.
Nhất là các giải pháp áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây ăn trái, nâng cao năng lực bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng, chất lượng; tăng cường chế biến sâu các sản phẩm cây ăn quả, nâng cao giá trị gia tăng hàng nông sản, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa tại Việt Nam cho từng loại cây ăn trái đặc sản của từng tỉnh trong thời gian tới. Đặc biệt là giải pháp liên kết vùng và công tác dự báo tình hình sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản, trong đó có cây ăn trái...