Tìm giải pháp ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Tại cuộc họp với 32 doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và bảy công ty chứng khoán về thị trường chứng khoán và TPDN sáng 23/11, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: Hiện nay triển vọng kinh tế Việt Nam được các định chế tài chính đánh giá rất cao, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 8%; thu ngân sách nhà nước có thể vượt khoảng 14,5%, CPI dưới 4%, bội chi ngân sách dưới 4%. Có thể thấy về chỉ số kinh tế vĩ mô thời điểm này vẫn tăng trưởng tốt, song nếu không có biện pháp thúc đẩy thị trường, đặc biệt là thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thì sẽ rất khó khăn trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Một dự án bất động sản ở phía tây thành phố Hà Nội. (Ảnh TUẤN ANH)
Một dự án bất động sản ở phía tây thành phố Hà Nội. (Ảnh TUẤN ANH)

Tại cuộc họp này, ngành tài chính lắng nghe góp ý trực tiếp của chính các doanh nghiệp phát hành TPDN để tìm ra giải pháp thiết thực nhằm ổn định thị trường, mở rộng thêm cánh cửa cho thị trường huy động vốn quan trọng này.

Gây dựng lại niềm tin

Tại cuộc họp, đại diện một số doanh nghiệp phát hành cho biết, sau vụ việc sai phạm của một số doanh nghiệp bất động sản (BĐS) lớn, thị trường TPDN đang gặp khó khăn, khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua trái phiếu trước hạn lớn. Ngoài nguyên nhân từ một số vụ việc trên, những tin đồn ác ý, thiếu căn cứ trên thị trường tài chính liên quan đến một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn, cùng với khó khăn của thị trường BĐS cũng đã tác động đến niềm tin của người gửi tiền và nhà đầu tư đối với thị trường ngân hàng và TPDN.

Nhiều doanh nghiệp cùng chung nhận định: Khi lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng cao, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng bán lại TPDN để chuyển sang gửi tiết kiệm. Sự biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ, lãi suất tăng nhanh, hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 của nhiều ngân hàng thương mại đã sử dụng gần hết, cùng với việc hút tiền từ lưu thông với khối lượng lớn,… dẫn đến tình trạng doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu. Ngay bản thân các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng gặp áp lực cân đối vốn và bảo đảm thanh khoản.

Ngoài ra, thị trường thời gian qua bị ảnh hưởng do các tin đồn không chính xác, cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp đều có tâm lý e ngại.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Thị trường chứng khoán được coi là “hàn thử biểu” của nền kinh tế. Trong thời gian qua, thị trường chứng khoán suy giảm, riêng chỉ số VN-Index mất 600 điểm, tương đương giảm 38% so đầu năm 2022. Trên thực tế, nhiều cổ phiếu mất tới 70% giá trị và vấn đề thanh khoản rất hạn chế.

Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ và tín dụng diễn biến rất phức tạp, đặc biệt lãi suất liên tục tăng cao, lãi suất huy động trên 10%/năm. Như vậy có thể thấy, nguồn tín dụng bị thắt chặt, còn thị trường BĐS sau thời gian tăng trưởng nóng, hiện đứng trước nguy cơ vỡ bong bóng do thiếu vốn, cũng như niềm tin của thị trường suy giảm,... Còn TPDN luôn được xác định là một công cụ của thị trường vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó hỗ trợ giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng.

Tuy nhiên, tính đến hết tháng 9 vừa qua, toàn thị trường có 1,26 triệu tỷ đồng, tức gần 10% so với dư nợ vay ngân hàng thương mại. Thời gian qua, một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong vấn đề phát hành bị xử lý hình sự, gây ra tâm lý hoang mang, dẫn đến nhà đầu tư đua nhau đi rút tiền, doanh nghiệp đi vay gặp khó khăn.

Vì vậy, cuộc làm việc với các công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành nhằm tìm ra giải pháp giúp thị trường chứng khoán quay trở lại bình thường và tiếp tục phát triển, cũng như tìm ra giải pháp để củng cố niềm tin cho thị trường trái phiếu và tăng cường tính thanh khoản.

Sau khi ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp từ cuộc họp này, Bộ Tài chính sẽ tổ chức buổi làm việc với các bộ, ngành hữu quan, nhất là các ngành liên quan mật thiết với thị trường như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Xây dựng để cùng đánh giá kiến nghị từ thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp phát hành.

Từ đó, ngành tài chính tổng hợp thực tế khách quan trình Chính phủ các giải pháp căn cơ và thiết yếu. Cùng với đó, cơ quan quản lý tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường hiệu quả kiểm tra, giám sát.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rà soát tình hình đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp cuối năm 2022 và 2023, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu đến hạn để yêu cầu doanh nghiệp lên kế hoạch thanh toán gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. Nếu gặp vướng mắc, doanh nghiệp phải đàm phán phương án cơ cấu lại nợ trái phiếu phù hợp quy định, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình đáo hạn TPDN để yêu cầu doanh nghiệp bảo đảm phương án thanh toán cả gốc và lãi, thực hiện nghĩa vụ đối với nhà đầu tư.

Xem xét tăng hạn mức tín dụng cho BĐS

Báo cáo mới nhất về tình hình thị trường TPDN của Bộ Tài chính cho biết, 10 tháng năm 2022, khối lượng phát hành TPDN đạt 328,9 nghìn tỷ đồng, giảm 25,2% so cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần. Đáng lưu ý, 46,48% TPDN riêng lẻ phát hành có tài sản bảo đảm; 53,52% còn lại không có tài sản bảo đảm nhưng chủ yếu là trái phiếu của TCTD. Đây cũng là nhóm phát hành lớn nhất, chiếm tới 41,34% tổng khối lượng phát hành. Tiếp theo là các doanh nghiệp BĐS, xây dựng chiếm lần lượt 28,87% và 7,8%.

Bộ Tài chính cho biết, khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn là 152,5 nghìn tỷ đồng, tăng 49,6% so cùng kỳ năm 2021. Về hoạt động quản lý giám sát, theo Bộ Tài chính, từ năm 2021 đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã lập 30 đoàn thanh tra, kiểm tra, chuyển cơ quan điều tra các vụ việc vi phạm lớn và sẽ tiếp tục kiểm tra từ nay đến cuối năm. Bộ Tài chính cũng có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng phối hợp tăng cường giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ về TPDN đối với các TCTD và doanh nghiệp BĐS, xây dựng.

Đáng lưu ý, về tình hình đáo hạn và khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu thời gian tới, giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn trong 2 tháng cuối năm là 56 nghìn tỷ đồng, năm 2023 là 282 nghìn tỷ đồng, năm 2024 là 363 nghìn tỷ đồng. Trong số trái phiếu đáo hạn này, giá trị trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp BĐS là 21,4 nghìn tỷ đồng, nhưng tới 99,6% có tài sản bảo đảm; các TCTD chỉ có 15,6 nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp sản xuất 10,6 nghìn tỷ đồng. Sang năm 2023, giá trị trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp BĐS là 119,1 nghìn tỷ đồng, các TCTD là 57,5 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: Thị trường TPDN vẫn là thị trường tiềm năng, nhu cầu vốn của doanh nghiệp để phát triển sản xuất-kinh doanh thời gian tới rất lớn. Chính phủ nhất quán quan điểm tiếp tục phát triển thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh và minh bạch.

Do đó, trước hết, để ổn định và phát triển, điều kiện tiên quyết là các chủ thể tham gia thị trường TPDN phải tuân thủ quy định pháp luật, nhất là về các quy định để chọn lọc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hạn chế nhà đầu tư nhỏ lẻ không đủ năng lực tham gia thị trường.

Đồng thời, tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc tuân thủ phương án và hồ sơ chào bán, yêu cầu công bố minh bạch thông tin, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, hoàn thiện cơ chế quản lý giám sát và trách nhiệm thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý.

Trước mắt, để bảo đảm ổn định thanh khoản thị trường, Bộ Tài chính phối hợp các bộ, ngành liên quan kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các giải pháp cụ thể để ổn định và phát triển thị trường TPDN. Một trong các giải pháp cần làm tốt hơn nữa chính là tiếp tục truyền thông với các thông tin chính thống để ổn định tâm lý xã hội và thị trường, tạo dựng lại niềm tin của nhà đầu tư.

Theo đó, cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ TPDN không phải tiền gửi ngân hàng, việc phát hành, đầu tư TPDN theo nguyên tắc tự vay, tự trả. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi thông tin sai sự thật, tung tin đồn thất thiệt gây xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và nhà đầu tư. Doanh nghiệp phát hành phải có trách nhiệm bảo đảm cam kết với nhà đầu tư và chủ động đàm phán với nhà đầu tư về việc thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn trong trường hợp khó khăn.

Nhà nước nghiên cứu, hình thành khung pháp lý điều chỉnh để các bên kinh doanh và được bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp. Riêng đối với TPDN trong lĩnh vực BĐS, Bộ trưởng Tài chính đề nghị: Cần tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động thị trường BĐS và việc huy động vốn của các doanh nghiệp BĐS, tiếp tục có giải pháp nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho thị trường quan trọng này.

Bên cạnh việc điều hành bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần đánh giá lại hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp nhu cầu của nền kinh tế; bảo đảm cân đối giữa tăng trưởng và mặt bằng lạm phát, đặc biệt là cần xem xét việc tăng hạn mức tín dụng cho lĩnh vực BĐS có chọn lọc đối với người mua nhà và doanh nghiệp kinh doanh BĐS.

Ngoài ra, để bảo đảm thanh khoản thị trường, cung ứng vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp phát hành cũng kiến nghị các địa phương rà soát, tạo điều kiện xử lý nhanh thủ tục đầu tư, xây dựng đối với dự án BĐS trên địa bàn đã đáp ứng đủ điều kiện. Có như vậy, doanh nghiệp BĐS, xây dựng mới đủ điều kiện triển khai, đưa sản phẩm ra thị trường, tháo gỡ nút thắt, giải phóng sản phẩm, khơi thông dòng tiền,...