Tiếp tục tận dụng hiệu quả EVFTA

Các số liệu ấn tượng về tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Liên hiệp châu Âu (EU) cho thấy doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã bước đầu tiếp cận và tận dụng tốt cơ hội đến từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Tuy nhiên, hiệp định này không phải "chìa khóa vạn năng" để hàng hóa Việt Nam có thể liên tục xuất khẩu ồ ạt sang thị trường tiềm năng nhưng cũng rất khó tính này. Ðể có thể tiếp tục thực thi hiệu quả EVFTA, Chính phủ, các bộ, ngành và nhất là cộng đồng DN còn rất nhiều việc phải làm.

Công nhân Công ty cổ phần Nam Tiệp (Cụm công nghiệp An Xá, TP Nam Ðịnh, tỉnh Nam Ðịnh) may quần áo hàng xuất khẩu sang thị trường Nga, châu Âu, Mỹ. Ảnh: NAM ANH
Công nhân Công ty cổ phần Nam Tiệp (Cụm công nghiệp An Xá, TP Nam Ðịnh, tỉnh Nam Ðịnh) may quần áo hàng xuất khẩu sang thị trường Nga, châu Âu, Mỹ. Ảnh: NAM ANH

Cơ hội cùng thách thức song hành

Trước đây, dù được người dân châu Âu ưa chuộng, nhưng sản lượng gạo Việt Nam bán tại thị trường này là không đáng kể. Nguyên nhân do gạo của chúng ta phải chịu thuế nhập khẩu cao đến 40-50%, thậm chí có nước châu Âu áp mức thuế 100% khiến giá bị đẩy cao, khó cạnh tranh. Tuy nhiên, khi EVFTA chính thức đi vào thực thi từ ngày 1-8-2020 đưa mức thuế xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU về 0%, lượng xuất khẩu gạo sang thị trường này đã tăng liên tục. Tương tự, nếu trong tám tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã sụt giảm hơn 10% thì sau khi EVFTA có hiệu lực đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng. Tính riêng tháng 1, kim ngạch xuất khẩu da giày cả nước tăng hơn 26% so cùng kỳ năm 2020, là tín hiệu tích cực, tạo điều kiện phát triển tốt cho ngành trong năm 2021. Bên cạnh đó, phải kể đến thủy sản là một trong những mặt hàng điển hình hưởng lợi từ EVFTA. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU hai tháng đầu năm đạt 63,97 triệu USD, tăng hơn 16% so cùng kỳ năm 2020. Theo số liệu thống kê chung, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU hai tháng đầu năm đạt 6,73 tỷ USD, tăng 22,7% so cùng kỳ năm trước. Bộ Công thương nhận định, DN của Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận và tận dụng tốt các cơ hội từ EVFTA, đưa xuất siêu hai tháng sang thị trường này đạt bốn tỷ USD, tăng 36,3% so cùng kỳ. EVFTA chính là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam thông qua cắt giảm thuế quan cũng như đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu. Rõ ràng, với mức cắt giảm thuế quan trong EVFTA như hiện nay, chúng ta đã có lợi thế lớn để cạnh tranh hiệu quả hơn, hướng tới thị phần lớn hơn cũng như giá trị gia tăng cao hơn tại thị trường EU.

Tuy nhiên, EVFTA vừa là cơ hội giúp DN hồi phục sau tác động của dịch Covid-19, nhưng cũng không phải là "chìa khóa vạn năng" để hàng hóa Việt Nam có thể ồ ạt xuất khẩu sang EU. Theo các chuyên gia, việc bước vào sân chơi lớn cũng đồng nghĩa hàng hóa Việt Nam phải chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới. Thí dụ với mặt hàng nông sản, EU đang thúc đẩy chương trình "từ nông trại đến bàn ăn" với các yêu cầu mới khắt khe hơn rất nhiều về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ hay thậm chí cả yếu tố bảo đảm môi trường. Ðáng lo ngại hơn, theo Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân, phần lớn DN Việt Nam hiện nay vẫn thiếu thông tin về thị trường EU cũng như các quy định về hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do cách tiếp cận của DN còn nhiều thiếu sót.

Nhiều giải pháp hỗ trợ DN

EVFTA thường được ví như "con đường cao tốc hướng tây", kết nối Việt Nam tới một không gian rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường,... Chính vì thế, thời gian qua, Chính phủ đã có những chương trình hành động mạnh mẽ, quyết liệt nhằm triển khai hiệu quả EVFTA, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và cho DN. Ðó là những nhóm giải pháp về công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và Hiệp định EVFTA nói riêng; xóa bỏ những rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN thông qua đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, ban hành chính sách theo hướng tạo thuận lợi cao nhất cho DN, minh bạch và bảo đảm công bằng; nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN;… Gần đây nhất, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cũng đã phối hợp Viện khoa học Quản trị DN và Kinh tế số Việt Nam (VIDEM) cùng Tập đoàn Kim Nam tổ chức chương trình hỗ trợ DN khai thác EVFTA bằng nền tảng thương mại điện tử. Trong đó, một sàn giao dịch thương mại điện tử đã được xây dựng giúp DN Việt Nam, DN EU cũng như các đối tác quốc tế khác có thể dễ dàng kết nối và thực hiện các hoạt động thương mại. Ðáng chú ý, sàn giao dịch này có khả năng đấu nối trực tiếp với các sàn thương mại điện tử sẵn có của các địa phương, đồng thời là cổng cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho DN Việt Nam hoặc đối tác quốc tế về các hiệp định thương mại cũng như chính sách liên quan; từ đó, hình thành hệ sinh thái số hoàn thiện giúp các DN thực hiện các hoạt động kết nối, thương mại thuận tiện trên một nền tảng duy nhất.

Thời gian tới, để có thể tiếp tục tận dụng "cơ hội vàng" từ EVFTA, các chuyên gia lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Một là, cộng đồng DN cần sát cánh với các cơ quan Chính phủ trong những nỗ lực thực thi EVFTA. Cả Nhà nước lẫn DN cần tìm hiểu kỹ các cam kết, thách thức, cơ hội liên quan ngành và lĩnh vực của mình để định vị lại mình và phải hành động ngay, tái cấu trúc các thị trường, bạn hàng, nguồn cung ứng,... nhằm tận dụng các cơ hội mà hiệp định mang lại. Hai là, tiếp tục nỗ lực cải cách thể chế, củng cố những nền tảng cạnh tranh minh bạch và công bằng; phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường; hỗ trợ DN nhỏ và vừa; thúc đẩy liên kết, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo ra hệ sinh thái cộng sinh cùng có lợi giữa các FDI với DN trong nước. Ba là, bản thân DN phải đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh, nỗ lực đổi mới mô hình, chiến lược kinh doanh, hướng tới những chiến lược dài hạn cũng như phát triển bền vững. Có như vậy, DN Việt Nam mới có thể tạo dựng được nền tảng tương tác vững chắc với thị trường EU nói riêng và thị trường thế giới nói chung trong bối cảnh mới.

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, thương mại điện tử đang ngày càng phát triển, trở thành xu hướng thương mại được ưu tiên của DN châu Âu trong thời gian tới. Theo thống kê hiện nay, có tới hơn 94% số khách hàng B2B (DN với DN) châu Âu tìm kiếm trực tuyến trước khi ra quyết định bán hàng; hơn 80% số khách hàng B2B ưu tiên việc mua sản phẩm thay thế sử dụng công cụ tự động thay vì nói chuyện trực tiếp với người đại diện bán hàng và hơn 70% khách hàng B2B chọn hạn chế tương tác với nhân viên bán hàng.

Nguyễn Kim Hùng, Viện trưởng VIDEM

NGUYỆT BẮC