<p>Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:</p>

Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế và hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân

NDO - Sáng 29-6, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp  Bảo hiểm Y tế Việt Nam tổ chức lễ mít-tinh nhân Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam (1-7).  Ðồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu ý kiến.

Sau ba năm thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế,  tính đến 31-12-2011, cả nước  đã có 55,9 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ độ bao phủ đạt 63,7% số dân, tăng 11 triệu người so  năm 2009, thời điểm Luật BHYT chưa có hiệu lực. Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan  trình các cấp có thẩm quyền ban hành  20 văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHYT. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến luật, các văn bản hướng dẫn, công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT..., đã được triển khai một cách đồng bộ.

Tuy nhiên, hiện nay độ bao phủ BHYT còn thấp so thực tế, việc tuân thủ pháp luật BHYT chưa cao đối với người thuộc hộ cận nghèo, người tham gia tự nguyện, nhất là khu vực doanh nghiệp. Công tác truyền thông chưa được thường xuyên và đồng bộ, cũng như sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện luật còn hạn chế. Hệ thống y tế cơ sở tại một số địa phương chưa đáp ứng đủ điều kiện khám, chữa bệnh, cho nên việc chuyển đổi đăng ký ban đầu về tuyến cơ sở còn chậm...

Phát biểu ý kiến tại lễ mít-tính, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gửi tới toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế, nhất là những người làm công tác BHYT Việt Nam lời chúc tốt đẹp nhân Ngày BHYT Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, BHYT là một chính sách xã hội đặc biệt quan trọng do Nhà nước tổ chức thực hiện và là một bộ phận chủ yếu của chính sách tài chính y tế quốc gia. Thông qua BHYT, chúng ta đã huy động được sự tham gia đóng góp của người dân hình thành quỹ BHYT, một nguồn tài chính đáng kể cho hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính cho người tham gia bảo hiểm khi ốm đau, bệnh tật. BHYT còn mang ý nghĩa nhân đạo, tính chia sẻ của cộng đồng và tinh thần tương thân, tương ái. Với ý nghĩa và tính nhân văn sâu sắc đó, công tác BHYT luôn được Ðảng, Nhà nước quan tâm chăm lo và phát triển. Sau hơn 20 năm hoạt động, công tác BHYT đã đạt được nhiều thành tựu, chế độ chính sách về BHYT ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là Luật BHYT và nhiều văn bản hướng dẫn được ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ cho việc thực hiện chế độ, chính sách BHYT. Hệ thống tổ chức bộ máy về BHYT ngày càng được phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Sự phối hợp của các cơ quan ở T.Ư và địa phương trong việc thực hiện chính sách BHYT đã có chuyển biến tích cực. Nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về BHYT cũng được nâng lên, nhờ đó số người tham gia BHYT tăng nhanh. Quyền lợi của người có thẻ BHYT ngày càng được mở rộng đến nhiều đối tượng như: người nghèo, người có công, trẻ em dưới sáu tuổi... đã được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế...

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế, yếu kém trong công tác BHYT, cần được khắc khục trong thời gian tới: Việc tuyên truyền BHYT nhiều nơi làm chưa tốt, chưa nói lên hết được vai trò, ý nghĩa của BHYT, nghĩa vụ tham gia của mọi người dân. Chính sách BHYT  chưa thu hút được sự tham gia đông đảo của những người thuộc gia đình  cận nghèo, gia đình thuộc các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, lao động tự do khu vực thành thị, nhất là các doanh nghiệp. Thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ y tế, thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh bằng BHYT ở nhiều nơi còn gây phiền hà, gây bức xúc cho người bệnh, nhiều địa phương, việc cấp, đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bằng BHYT chưa được giải quyết kịp thời...

Ðề cập những nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Y tế, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành tập trung thực hiện một số nội dung sau: Phải cụ thể hóa lộ trình phát triển BHYT toàn dân, sớm đưa chỉ tiêu số dân tham gia BHYT vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ T.Ư, cũng như các địa phương để phấn đấu thực hiện. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống y tế Việt Nam theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở để  bảo đảm  việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ðồng thời, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trong các đơn vị y tế công lập, gắn với việc thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân. Có chính sách khuyến khích phù hợp để người dân, nhất là người có thu nhập mức trung bình, dưới trung bình. Tăng cường công tác tuyên truyền, chính sách pháp luật về BHYT, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả trong nhận thức và hành động của các cơ quan, tổ chức và tạo sự đồng thuận trong xã hội. Công tác truyền thông về BHYT, cần tập trung vào các đối tượng có độ bao phủ y tế thấp như: nông dân, người cận nghèo, học sinh, sinh viên..., nhất là các doanh nghiệp tư nhân. Ðổi mới và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BHYT, đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là hành vi lạm dụng, hay trục lợi từ BHYT. Kịp thời động viên khen thưởng các đơn vị, địa phương, cá nhân thực hiện tốt các chính sách về BHYT. Ðẩy mạnh sự phối hợp liên ngành, trong việc tuyên truyền chính sách cho các đối tượng được cấp thẻ BHYT, trong đó tổ chức thực hiện khám, chữa bệnh bằng BHYT. Bộ Y tế cần khẩn trương củng cố mạng lưới khám, chữa bệnh từ tuyến cơ sở đến tuyến T.Ư, để có thể đáp ứng được nhu cầu  khám, chữa bệnh bằng BHYT ngày càng tăng của nhân dân, gắn với việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là việc thực hiện cải cách hành chính. Thường xuyên giáo dục y đức cho cán bộ y tế, đặc biệt chú ý đến thái độ trong giao tiếp với người bệnh có thẻ BHYT, người bệnh nộp viện phí trực tiếp gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh Phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.