Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội 11 tháng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tháng 11 có rất nhiều sự kiện, vấn đề quan trọng của đất nước như kinh tế - xã hội, đối ngoại, thiên tai bão lũ và Chính phủ đã chỉ đạo toàn diện mọi vấn đề với tinh thần chủ động, trách nhiệm, hiệu quả cao. Đặc biệt, năm nay, kinh tế vẫn có khả năng đạt tăng trưởng từ 2,5 đến 3%, và thu ngân sách nhà nước khả quan hơn so mức báo cáo Quốc hội.
Trong tháng 11, Chính phủ đã báo, trình Quốc hội 74 văn bản và Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng, trong đó, có Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội vừa rồi, Quốc hội cũng ra nghị quyết phê chuẩn ba thành viên Chính phủ là Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Y tế và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong trả lời chất vấn, thảo luận trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, trả lời nhiều vấn đề rõ ràng, sâu sắc, thể hiện nắm rất chắc các vấn đề thuộc phạm vi quản lý.
Thủ tướng cũng nêu rõ, trong tháng 11, trong bối cảnh quốc tế có nhiều sự kiện quan trọng, Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, trách nhiệm với quốc tế đã tham gia và đóng góp quan trọng. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan, dưới sự chủ trì của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, các nước đã thông qua 84 văn kiện, là số văn kiện lớn nhất trong một kỳ hội nghị cấp cao của ASEAN từ trước đến nay, trong đó có nhiều nội dung hợp tác mang lại lợi ích quốc gia và được các nước ASEAN ủng hộ, thống nhất cao. Bên cạnh đó, dưới sự “chèo lái” của Việt Nam, dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 37 còn đạt thành công quan trọng là 15 nước đã kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là hiệp định quan trọng với số dân của các nước tham gia hiệp định này lên tới 2,2 tỷ người.
Trong tháng 11, Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp ứng phó bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn. Các cơ quan chức năng, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đã vào cuộc rất trách nhiệm, xuất cấp gần 16 nghìn tấn gạo, gần 1.300 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách T.Ư. Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam và các địa phương cũng đã huy động nguồn lực xã hội rất lớn để hỗ trợ đồng bào miền trung trải qua chín cơn bão liên tiếp, trong đó có siêu bão, mưa lớn lịch sử. Đến nay, công tác khắc phục hậu quả đã thực hiện được bước đầu, dần ổn định cuộc sống nhân dân các vùng thiên tai.
Trước bối cảnh xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo các biện pháp với tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, quyết liệt, quyết liệt hơn nữa”, nhanh chóng khoanh vùng, truy vết các đối tượng tiếp xúc gần. Thủ tướng cũng đã giao Bộ Giao thông vận tải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch dẫn đến dịch lây lan như thời gian vừa rồi. Cùng với yêu cầu các địa phương, bộ, ngành thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là những biện pháp cần thiết là đeo khẩu trang và khử khuẩn.
Thủ tướng cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sẽ kiểm tra việc thực hiện việc này ở các địa phương, đơn vị. Các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh là hết sức quan trọng khi sắp tới diễn ra nhiều sự quan trọng của đất nước, như Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Về kinh tế - xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nỗ lực hết sức để tháng 12 này đạt kết quả tốt nhất. Cuối tháng 12, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị kinh tế - xã hội toàn quốc để kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ của năm 2020. Các bộ, ngành phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe và thảo luận các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục hậu quả bão lũ, thiên tai; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19...
Phát biểu kết luận phiên họp, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 có nhiều chuyển biến tích cực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, ngành, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp suốt thời gian qua trước tác động của rất nhiều khó khăn và thách thức. Thủ tướng khẳng định, chúng ta đã kiên quyết khoanh vùng, dập dịch nhanh nhất có thể ở TP Hồ Chí Minh. Với tất cả quyết tâm, khả năng năm 2020, chúng ta có khả năng đạt mức tăng trưởng 2,5-3%, là nền kinh tế duy nhất trong khu vực đạt mức tăng trưởng dương. Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2020 là khả thi.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu ra những rủi ro, thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội cả năm nay và năm tới. Rủi ro từ bên ngoài là Covid-19 diễn biến khó lường, chưa kiểm soát được ở nhiều nước. Căng thẳng thương mại leo thang, khó dự đoán. Thách thức trực tiếp là bão lũ đã đi qua, nhưng nhiều khu vực miền trung vẫn đang bị lụt, sạt lở trên diện rộng, thiệt hại cho người dân quá lớn về người và tài sản, đời sống nhân dân khó khăn. Dịch Covid-19 lại xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh, cho nên không thể chủ quan, mất cảnh giác. Chúng ta kiên định thực hiện mục tiêu kép không chỉ năm nay mà thời gian tới trên tinh thần không lơ là, không chủ quan để bảo vệ tốt sức khỏe của người dân, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng nêu rõ, thu hút đầu tư FDI có cải thiện đáng mừng song vẫn còn giảm mạnh so năm trước. Do đó chúng ta phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn, nhất là thu hút các dự án công nghệ cao vào Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, một bộ phận DN trong cả nước còn khó khăn, đòi hỏi các ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ gói hỗ trợ cho đến cải cách hành chính. Chúng ta cần làm thực chất hơn nữa để giải quyết các kiến nghị của DN; cần kiểm soát chặt chẽ hàng hóa chuyển tải qua Việt Nam, tránh bị lợi dụng xuất xứ.
Nhấn mạnh tinh thần thực hiện mục tiêu kép không phải là tháng 12 này mà cả những năm tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng hỗ trợ người dân khắc phục thiên tai, khôi phục cơ sở hạ tầng… Các bộ, ngành, cơ quan liên quan trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho địa phương, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu không được chủ quan lơ là để dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại. Tiếp tục thực hiện chiến lược mạnh mẽ đã mang hiệu quả, kiểm soát chặt từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch bên trong, chữa trị hiệu quả. Các tỉnh thành thực hiện thông điệp “5K”, trước hết là “2K” là khử khuẩn và khẩu trang.
Một số địa phương như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đôn đốc tốt hơn việc này. Thực hiện cách ly xã hội đối với khu vực có nguy cơ cao, khoanh vùng chặt chẽ, không làm tê liệt các hoạt động kinh tế; khẳng định TP Hồ Chí Minh cơ bản vẫn hoạt động bình thường. Chúng ta không hoang mang nhưng không chủ quan. Thực hiện mục tiêu kép nhưng ưu tiên bảo vệ sức khỏe nhân dân là quan trọng nhất. Cả nước phòng, chống dịch; nơi đông người phải đeo khẩu trang. Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với TP Hồ Chí Minh, các địa phương khẩn trương truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch. Kiểm điểm các cá nhân, tổ chức liên quan để xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng.
Thủ tướng chỉ đạo chuẩn bị năm 2021, chúng ta phấn đấu đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm như: EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc... Chú trọng cân bằng thương mại với Hoa Kỳ. Tăng cường thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và ODA, không hình thức lãng phí. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thúc đẩy việc này, gắn trách nhiệm người đứng đầu. Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện các cam kết với Quốc hội đối với đẩy nhanh tiến độ thực hiện, khởi công các công trình giao thông trọng điểm.
Các cấp, ngành phải thúc đẩy mạnh mẽ triển khai thủ tục xây dựng cơ bản; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân và cả FDI. Cải cách môi trường đầu tư kinh doanh mạnh mẽ hơn, tận dụng việc dịch chuyển chuỗi cung ứng trên thế giới. Chú ý tháo gỡ khó khăn đối với các dự án ODA còn đang vướng. Đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa; Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn hơn nữa cho DN. Đẩy nhanh tiến trình kinh tế số, Chính phủ điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Các bộ, ngành liên quan hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với một số mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ. Đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ ngành hàng không, du lịch. Cần có bản đồ chi tiết khu vực sạt lở khu vực miền trung để địa phương dễ vận dụng, không bị động.
* Cũng tại phiên họp, Thủ tướng đưa ra một số sáng kiến, trong đó có sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh gồm cây rừng và cây đô thị. Theo đó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có đề án, chính sách cụ thể để triển khai… Thủ tướng cũng đề xuất đưa hàng nông thôn lên thành thị. Có như vậy mới giúp thúc đẩy việc làm, tăng trưởng ở nông thôn. Các DN Nhà nước, HTX, các tổ chức, tư thương, cá nhân cần tổ chức chương trình đưa hàng nông thôn lên thành thị. Thủ tướng đề nghị ngành Y tế sớm có đề án cải cách chính sách BHYT cho trẻ em dưới 16 tuổi theo tinh thần Luật Trẻ em, trước mắt là cho trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo.