Thường trực Chính phủ làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

NDO -

NDĐT- Sáng 17-7, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ có buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) để lắng nghe, giải quyết các vấn đề đối với cơ quan mới chính thức đi vào hoạt động cách đây 10 tháng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sáng 17-7.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sáng 17-7.

Đây là cuộc làm việc đầu tiên của Thường trực Chính phủ với Ủy ban. Cùng dự cuộc làm việc có lãnh đạo các bộ, ngành và 19 tập đoàn, tổng công ty (TĐ-TCT).

Theo Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh, đến nay, Ủy ban đã ban hành 31 quy chế, quy định quản lý nội bộ và 15 quy trình, hướng dẫn công tác nội bộ. Đã xây dựng một số hệ thống công nghệ thông tin và thử nghiệm kết nối tới các TĐ-TCT làm nền tảng cho việc từng bước hiện đại hóa hoạt động quản lý của Ủy ban gồm Bộ chỉ số và phần mềm giám sát, đánh giá tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Ngay sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với 19 TĐ-TCT, Ủy ban đã giải quyết hai nhóm công việc thuộc quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước: những công việc các bộ đang xử lý dở dang chuyển giao về Ủy ban tiếp tục xử lý và những công việc thuộc quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Tại cuộc làm việc, một số TĐ-TCT cho rằng, cần có cơ chế phân cấp mạnh hơn cho doanh nghiệp để ra quyết định kinh doanh kịp thời, không để bỏ lỡ cơ hội thị trường bởi “chậm là thua”. Có ý kiến cho rằng, việc phối hợp công tác giữa quản lý nhà nước và quản lý vốn nhà nước đối với doanh nghiệp là một vấn đề rất mới, chưa từng có trong thực tiễn, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, đề ra các quy chế, phương thức quan hệ công tác phù hợp. Thời gian qua, có một số vướng mắc về thể chế, quy định, trong đó vướng mắc trong việc xác định cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với một số dự án đầu tư của TĐ-TCT, về phân công, phân cấp thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư…

Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, điều quan trọng hiện nay là cần rút kinh nghiệm những vấn đề đặt ra đối với Ủy ban sau 10 tháng hoạt động, trong đó có hai việc cấp bách là phối hợp chặt chẽ, tập trung tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vấn đề của các TĐ-TCT đã chuyển giao về Ủy ban, vì chúng ta đã nói là việc thành lập cơ quan mới này để tạo điều kiện tốt nhất cho các TĐ-TCT hoạt động. Việc thứ hai là cần kiện toàn tổ chức, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ủy ban. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của kinh tế nhà nước, cụ thể là doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 19 TĐ-TCT được bàn giao sang Ủy ban, với số vốn 2,3 triệu tỷ đồng. Không chỉ lớn về vốn mà các TĐ-TCT này đóng góp sản phẩm quan trọng, tham gia vào các cân đối lớn của nền kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng GDP, tạo việc làm, nộp ngân sách nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu Ủy ban cần chủ động hơn, đổi mới cách làm, linh hoạt, sáng tạo, vận dụng tốt, đúng quy định của pháp luật trong xử lý các vấn đề cụ thể đối với các TĐ-TCT. Trong bối cảnh đang hoàn thiện pháp luật thì sự năng động, trách nhiệm của Ủy ban càng phải lớn hơn để tạo điều kiện cho các TĐ-TCT hoạt động tốt hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban và tiếp thu các ý kiến, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ủy ban và các bộ, ngành liên quan khẩn trương soạn thảo Thông báo kết luận cuộc họp này, trong đó, cần đánh giá rõ kết quả hoạt động của Ủy ban. Các tập đoàn phần lớn làm ăn có lãi. Doanh thu của các TĐ-TCT thời gian qua đã tăng 15%, lợi nhuận trước thuế tăng hơn 21%, nộp ngân sách tăng hơn 31%.

Thường trực Chính phủ làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ảnh 1

Định hướng nhiệm vụ của Ủy ban thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế tạo điều kiện, khắc phục vướng mắc, bất cập kéo dài đối với các TĐ-TCT. Tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa, hoàn thiện hơn nữa Nghị định 131, trong đó tiếp tục hoàn thiện quy định, quy chế nội bộ, rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, lưu ý bố trí đúng người, đúng việc, công tâm trong công tác cán bộ. Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các TĐ-TCT bàn giao. Phải xây dựng được mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế, tập trung nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt lưu ý kiện toàn hệ thống kiểm soát nội bộ doanh nghiệp nhà nước, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm.

Đẩy mạnh cơ cấu lại, tập trung vào những lĩnh vực then chốt, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, lĩnh vực các thành phần kinh tế khác không đầu tư được hoặc là các lĩnh vực Nhà nước cần phải nắm. Không phải chỉ có Ủy ban, mà cả các TĐ-TCT phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư các lĩnh vực quan trọng mang tính chiến lược, định hướng, dẫn dắt, tạo sức lan tỏa, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. “Đặc biệt, trách nhiệm của các đồng chí là phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện phát triển nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình hoạt động kinh doanh, quá trình sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, sử dụng vốn nhà nước, phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng tiêu cực, lạm dụng chức vụ quyền hạn đối với các TĐ-TCT”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với vướng mắc tại một số nghị định, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp trình Chính phủ trong phiên họp tháng 7 để xử lý, tạo thuận lợi cho sự phát triển. Các bộ cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chứ không “khoán trắng” cho Ủy ban trong vấn đề thẩm định một số dự án. Ủy ban cần kịp thời hơn nữa trong phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh các TĐ-TCT, khẩn trương xử lý với các đề nghị của các TĐ-TCT trình Ủy ban. Hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn niêm yết trên thị trường chứng khoán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chương trình cổ phần hóa cũng như các doanh nghiệp đã cổ phần hóa không đặt vấn đề phải thoái vốn lại.

Ủy ban không thể là cơ quan quan liêu kiểu cũ, không thể là một cấp hành chính tạo gánh nặng cho doanh nghiệp mà cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn nữa. Trong kinh tế thị trường, thời cơ là quan trọng, do đó, Ủy ban cần trả lời nhanh, quyết đáp nhanh những vấn đề TĐ-TCT xin ý kiến. Thủ tướng nhất trí, Chính phủ, các bộ cần có cơ chế phân cấp mạnh hơn cho TĐ-TCT trên cơ sở đề nghị của Ủy ban. Ủy ban cần tập trung vào kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả, “giao quyền phải đi liền với trách nhiệm”.

* Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo đối với các kiến nghị cụ thể của Ủy ban như vấn đề thu hút cán bộ, nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi. Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng là phải chọn con người tốt, cả đạo đức, tác phong, tinh thông chuyên môn nghiệp vụ; cho phép Ủy ban làm việc với các Bộ trưởng để điều động nhân sự từ các bộ, ngành, thậm chí cả các TĐ-TCT.

Về vướng mắc của các TĐ-TCT, Thủ tướng đánh giá cao sự cố gắng vượt khó vươn lên, “hơn ai hết, với sự cố gắng ấy, các đồng chí tiếp tục củng cố đủ cán bộ để điều hành công việc”, nâng cao trình độ quản trị, điều hành TĐ-TCT; cần tách bạch rõ ràng giữa HĐQT, HĐTV và Tổng Giám đốc điều hành. Các TĐ-TCT cần có bộ phận nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu thị trường, quản lý dự án, tránh tình trạng “nóng đâu phủi đấy”, không có chiến lược phát triển, tầm nhìn hay lúng túng trong quản trị dự án. Việc kiện toàn cán bộ, nhân sự tại các TĐ-TCT là việc gấp, cần làm ngay. Tiếp tục tham gia một số chương trình quốc gia như xây dựng thành phố thông minh, chính phủ điện tử, thanh toán điện tử hay một số việc khác mà chính phủ yêu cầu. Tiếp tục chống tham nhũng, lợi ích nhóm, “sân trước, sân sau”.