Theo các Nghị quyết của Quốc hội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đều tổ chức chính quyền theo một cấp thành phố, tức là quận, phường không có HĐND. UBND quận, phường là cơ quan hành chính. Đối với Đà Nẵng, chính quyền địa phương ở phường thuộc quận không còn là một cấp chính quyền, mà chỉ là cơ quan hành chính thuộc UBND quận. Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất như quy định đối với mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, dự thảo Nghị định quy định biên chế công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận và do UBND quận quản lý, sử dụng.
Về chế độ, chính sách đối với công chức phường khi thuộc biên chế công chức của quận, theo Bộ Nội vụ, khi công chức cấp xã làm việc tại UBND phường được chuyển thành biên chế công chức do UBND quận quản lý và sử dụng thì chế độ, chính sách thực hiện như đối với công chức, không làm phát sinh các chế độ, chính sách mới.
Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh có tổng cộng 249 phường, trong đó có 198 phường loại I, 49 phường loại II và hai phường loại III; TP Đà Nẵng có tổng cộng 45 phường, trong đó có 37 phường loại I, tám phường loại II. Theo các quy định tại Luật Cán bộ, công chức, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi và Nghị định số 34/2019/NĐ-CP thì số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường (trong đó có Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường) ở TP Hồ Chí Minh trung bình khoảng 15,45 người/phường và TP Đà Nẵng trung bình khoảng 15,2 người/phường. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ cho rằng, việc quy định theo hướng số lượng bình quân biên chế mỗi phường là 15 người (có tính đến tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng và Chính phủ) là phù hợp.
TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của quận 2; quận 9 và quận Thủ Đức, với mục tiêu là xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông thành phố nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có để trở thành khu vực kinh tế với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của TP Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Đồng thời, việc nhập ba quận để thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh sẽ giảm số lượng cấp trưởng, cấp phó, các đơn vị hành chính cấp huyện, giảm số lượng các phòng chuyên môn, đồng thời giảm số lượng cấp trưởng, cấp phó của các phòng chuyên môn là phù hợp với chủ trương của Đảng, góp phần tinh gọn bộ máy. Do đó, theo Bộ Nội vụ, việc có thêm một phòng chuyên môn là Phòng Khoa học và Công nghệ là phù hợp mục tiêu xây dựng khu đô thị sáng tạo và yêu cầu thực tiễn của thành phố.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã góp ý một số nội dung về việc xác định số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường, về Trưởng Công an, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự quận, Trưởng Công an phường, về số lượng Phó Chủ tịch UBND thành phố thuộc TP Hồ Chí Minh…
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần có khuôn khổ pháp lý để tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng hoạt động sớm. Đây là vấn đề mà hai địa phương rất mong mỏi, nhất là TP Hồ Chí Minh vừa thành lập TP Thủ Đức với quy mô lớn (1,1 triệu dân), chiếm khoảng 11% GDP của cả nước. Thủ tướng lưu ý một số nguyên tắc. Đó là các tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng phải đáp ứng được yêu cầu đặc thù của từng địa phương, nhưng cũng phải bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của bộ máy hành chính nhà nước từ T.Ư đến địa phương theo quy định pháp luật.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc thí điểm và áp dụng mô hình mới này sẽ góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, bảo đảm sự quản lý và chỉ đạo tập trung, thống nhất của UBND, Chủ tịch UBND thành phố, phù hợp với đổi mới việc tổ chức hoạt động của quận, phường theo hướng năng động, linh hoạt, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng sự hài lòng người dân và doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh. Sự năng động, thuận lợi, linh hoạt rất quan trọng đối với thực hiện các nghị quyết này ở Đà Nẵng cũng như TP Hồ Chí Minh khi không có HĐND ở quận, phường. Thực hiện thống nhất chế độ công vụ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước gắn với xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị văn minh, cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức. Cơ quan hành chính quận, phường phải mạnh, là nơi lo cho dân, kể cả giải quyết việc làm và an toàn cho người dân.
Về nội dung hai dự thảo Nghị định, Thủ tướng thống nhất quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND với vai trò là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn quận, phường. Thực hiện chế độ thủ trưởng nhưng không được lạm quyền, cho nên phải có giám sát, bàn bạc, thảo luận những vấn đề quan trọng ở phường, quận khi thấy cần thiết. Bộ Nội vụ cần chỉnh lý các quy định về cơ cấu tổ chức của UBND quận, phường bảo đảm phù hợp với quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội.
Đối với TP Thủ Đức, Thủ tướng giao UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất mô hình quản lý. Thủ tướng thống nhất quy định công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức UBND quận. Về vấn đề giám sát, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc, ở đâu có quyền lực thì phải có sự giám sát. Vậy khi không có HĐND quận, phường thì ai giám sát, Thủ tướng cho rằng, vai trò của HĐND thành phố, của Đoàn Đại biểu Quốc hội, của Ủy ban MTTQ và đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Đảng, của Quận ủy rất quan trọng trong việc giám sát cấp quận, phường khi không có HĐND.
Thủ tướng giao Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của Thường trực Chính phủ, các ý kiến tại cuộc họp hôm nay khẩn trương hoàn thiện các dự thảo Nghị định, trình Chính phủ xem xét, ban hành để các thành phố kịp thời triển khai tổ chức bộ máy theo mô hình mới, phục vụ công tác bầu cử HĐND các cấp trong tháng 5 tới.