Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) ASEM khai mạc sáng 30-11 tại Hà Nội, Nhân Dân Điện tử đã có cuộc phỏng vấn ông Kim Won-Sik, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc về việc hợp tác trong lĩnh vực ICT giữa hai nuớc.
Xin ông cho biết về tình hình hợp tác hiện nay trong lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông giữa Việt Nam và Hàn Quốc?
Công nghệ thông tin truyền thông (ICT) là một trong những lĩnh vực hợp tác chính giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Gần đây, thương mại và đầu tư trong lĩnh vực ICT giữa hai nước đang tăng lên và tôi cho rằng sẽ “có sự bùng nổ” trong tương lai gần.
Khi Việt Nam gia nhập WTO, ông có nghĩ rằng các công ty Hàn Quốc sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam?
Chắc chắn rồi. Có hai lĩnh vực mà các doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm nhất. Thứ nhất là thiết bị viễn thông. Trong thương mại giữa hai nước, thiết bị viễn thông là mặt hàng chính, chiếm một phần lớn, và tôi nghĩ rằng việc buôn bán mặt hàng này sẽ tăng mạnh khi Việt Nam gia nhập WTO.
Thứ hai là lĩnh vực phần mềm. Nhiều công ty Hàn Quốc đánh giá Việt Nam có khả năng để phát triển phần mềm, và họ hy vọng sẽ tăng cưòng kinh doanh và hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam và tôi tin chắc rằng đầu tư và thương mại giữa hai nước trong lĩnh vực này cũng sẽ tăng mạnh trong tương lai gần.
Ông có thể cho biết điều gì xảy ra với các doanh nghiệp ICT của Hàn Quốc sau khi Hàn Quốc gia nhập WTO vào năm 1995?
Các doanh nghiệp Hàn Quốc phải đối đầu với sự cạnh tranh quyết liệt hơn từ các công ty nước ngoài, Điều đó buộc họ phải quan tâm nhiều hơn tới tính hiệu quả, mở rộng đầu tư và giảm giá sản phẩm của họ.
Nhờ chú trọng tính hiệu quả và tăng sức cạnh tranh mà trong một số lĩnh vực đến nay, các công ty Hàn Quốc có sức cạnh tranh ở tầm thế giới, chẳng hạn như bán dẫn và thiết bị viễn thông
Trong giai đoạn đầu, ngành dịch vụ viễn thông được bảo hộ bởi những quy định của chính phủ. Nhưng sau đó, chính phủ Hàn Quốc bãi bỏ những quy định này và các công ty Hàn Quốc phàn nàn rất nhiều. Tuy nhiên, sau một thời gian những quy định này được bãi bỏ, các công ty Hàn Quốc trở nên có sức cạnh tranh lớn hơn. Trong một số lĩnh vực, một vài công ty thất bại, nhưng nhìn tổng thể, ngành công nghệ thông tin và viễn thông của Hàn Quốc trở nên có sức cạnh tranh lớn hơn trên toàn thế giới.
Ông có thể cho biết, chính phủ Hàn Quốc có biện pháp hỗ trợ gì để giúp tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ICT?
Chính phủ Hàn Quốc tập trung hỗ trợ các công ty về mặt nghiên cứu và phát triển công nghệ cơ bản. Chính phủ Hàn Quốc đang điều hành một viện nghiên cứu lớn mang tên Viện nghiên cứu viễn thông và điện tử, gọi tắt là ETRI (Elextronics and Telecommunication Research Institute). Viện này đã lập chiến lược đầu tiên về phát triển CDMA, bán dẫn và nhiều sản phẩm công nghệ thông tin khác tại Hàn Quốc.
Chính phủ Hàn Quốc giúp đưa các kết quả nghiên cứu công nghệ thông tin vào ứng dụng như thế nào?
ETRI chuyển giao công nghệ thông tin thông qua các hợp đồng và sau đó họ đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này. Đôi khi, các nhà nghiên cứu của ETRI tham gia vào các hoạt động phát triển của ngành này, và trong một vài trường hợp, các nhà nghiên cứu của ngành công nghiệp này cùng các nhà nghiên cứu của ETRI làm việc cùng nhau ở giai đoạn đầu phát triển dự án.
Trường Sơn (thực hiện)