Thực hiện nếp sống văn hóa mới của đồng bào Mông ở Thanh Hóa

Thanh Hóa có 2.242 hộ, với 15.156 nhân khẩu dân tộc Mông cư trú ở 46 bản thuộc ba huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Mông từng bước được nâng cao nhưng hủ tục tang ma dài ngày, tốn kém còn tồn tại. Với nhiều nỗ lực, Thanh Hóa đã đạt kết quả bước đầu trong vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ.

Tiết mục của các học viên lớp học Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Mông ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát (Thanh Hóa).
Tiết mục của các học viên lớp học Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Mông ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát (Thanh Hóa).

Đồng bào Mông ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát sớm ổn canh, ổn cư, có trình độ dân sinh, kinh tế tương đối khá. Dù vậy, hủ tục không quàn người quá cố vào quan tài, bón cơm cho người chết, ăn uống linh đình, tổ chức tang ma dài ngày còn tồn tại. Tập tục này rất mất vệ sinh, gây tốn kém chi phí. Ban Dân tộc tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành “Đề án tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”, cùng chính sách khuyến khích thực hiện.

Xã Pù Nhi quy hoạch đất làm nghĩa trang tập trung, đồng thời tổ chức đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tham quan, học tập mô hình, bảo lưu thuần phong, mỹ tục; hỗ trợ gia đình có việc hiếu năm triệu đồng mua áo quan, dòng họ ba triệu đồng làm tang lễ; hỗ trợ bốn triệu đồng cho thôn, bản tổ chức tang lễ theo nếp sống mới do chính cộng đồng soạn thảo, thông qua. Tại bản Pù Toong các thành viên ban vận động, người có uy tín trong cộng đồng, tổ công tác quần chúng của Đồn Biên phòng Pù Nhi đến từng gia đình tuyên truyền, vận động các hộ, con cháu trong dòng họ thay đổi tập quán tang ma lạc hậu, không bắn súng kíp báo tin, quàn người mất vào quan tài, bỏ tục chăm sóc người chết, không tổ chức ăn uống linh đình, rút ngắn thời gian tang lễ nhằm giữ vệ sinh, bảo vệ sức khỏe cho người thân, cộng đồng. Đồng chí Lâu Minh Pó, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát đổi một ha đất để bản Pù Toong làm nghĩa trang xa khu dân cư.

Từ kết quả tổ chức tang lễ cho người thân tộc theo quy định mới, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Mặt trận bản Cá Nọi Hơ Chứ Xá đã vận động con cháu trong dòng họ Hơ thay đổi tập quán tang ma lạc hậu. Ông cùng các già làng, người làm nghề thầy cúng có uy tín đến các hộ, chòm, bản tuyên truyền, chỉ ra những tổn hại về sức khỏe, kinh tế khi tổ chức tang ma dài ngày. Các cán bộ, đảng viên người dân tộc Mông đi tiên phong trong thực hiện tang lễ theo quy định mới đã tạo chuyển biến, thay đổi rõ nét từ nhận thức đến hành động của cộng đồng tộc người.

Hiện bảy bản ở xã Pù Nhi đã làm được nghĩa trang xa khu dân cư cho người chết. Chính quyền xã, thôn, bản thường quán triệt nội dung văn hóa trong tang lễ, thuyết phục nhân dân bỏ mê tín dị đoan, xóa hủ tục; hướng dẫn, trợ giúp gia đình có người mất tổ chức tang lễ chu đáo, tiết kiệm, trang nghiêm. Do vậy, 70% số hộ có người mất đã thực hiện thủ tục khai tử với chính quyền địa phương, không bắn súng kíp thông báo có người chết, khâm liệm người chết vào quan tài, an táng trong vòng từ 24 đến 36 giờ. Hơn 70% số già làng, trưởng họ, trưởng bản, người có uy tín cam kết thực hiện nội dung, quy ước nếp sống văn hóa trong tang lễ.

Từ kết quả đạt được ở Pù Nhi, tỉnh Thanh Hóa nhân rộng việc thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ ở 39 bản có đồng bào Mông sinh sống. Chính quyền các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang tiếp tục tuyên truyền Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL về xây dựng nếp sống văn minh trong tang lễ, các quy định của tỉnh, một số chính sách pháp luật liên quan cùng nội dung đề án thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ tới cộng đồng. Ngoài tuyên truyền, vận động dòng họ Hơ ở xã Pù Nhi, Nhi Sơn thực hành tang lễ theo nếp sống mới cho 12 người trong họ quá cố, Bí thư chi bộ bản Cá Nọi Hơ Chứ Xá còn sang xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn tuyên truyền, hướng dẫn, trợ giúp họ hàng, hộ đồng tộc làm theo điều tốt, lợi nhà, có ích cho người thân tộc; thay đổi tập quán tang lễ cũ không làm ảnh hưởng đến gia đình, người thân tộc. Những nỗ lực đó đã dần dần chuyển hóa tư tưởng, nhận thức, hành vi của đồng bào Mông theo hướng tiến bộ. Nhiều gia đình, các dòng họ, đồng bào Mông ở Thanh Hóa học tập, làm theo.

Theo Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa Lương Văn Bường: "Trước năm 1997, huyện Quan Hóa đã vận động đồng bào Mông thay đổi hủ tục tang ma nhưng không có chính sách đủ mạnh cho nên hiệu quả thực hiện đạt thấp. Từ năm 2013 triển khai đề án nêu trên, các đảng viên, cán bộ đương chức gương mẫu tổ chức tang lễ theo nếp sống mới; đề cao trách nhiệm của mỗi cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng chung sức, đồng lòng thực hiện. Các địa phương, thôn, bản cụ thể hóa nội dung tổ chức tang ma theo nếp sống mới trong quy ước, hương ước xây dựng làng, bản văn hóa, gia đình văn hóa. Do vậy đã chuyển hóa nhận thức thành hành động và đạt được kết quả bước đầu".

Trong giai đoạn 2016-2020, mục tiêu là 100% số thôn, bản hoàn thành việc xây dựng nghĩa trang tập trung, có đường giao thông từ bản ra nghĩa trang, đám tang của đồng bào Mông thực hiện đúng quy định tại Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL và 100% số bản đạt danh hiệu bản văn hóa, gia đình văn hóa. Với nguồn kinh phí hơn 400 triệu đồng chủ yếu phân bổ cho công tác tuyên truyền cho nên khả năng nhân rộng thực hiện tang lễ theo nếp sống mới gặp khó khăn. Đáng nói là, việc không còn nguồn hỗ trợ gia đình có người quá cố mua quan tài và hỗ trợ 41 bản quy hoạch đất xây dựng, hoàn chỉnh nghĩa trang cho nên tục không quàn người quá cố vào quan tài, hung táng phân tán vẫn diễn ra ở nhiều bản có các dòng họ, số đông đồng bào Mông sinh sống ở vùng thượng du Thanh Hóa.