Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên

Hiện nay, khởi nghiệp không còn là vấn đề xa lạ đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục. Vì vậy, thúc đẩy và phát huy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên sẽ giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm để biến ý tưởng thành hiện thực.

Sinh viên Trường đại học Mở Hà Nội trình bày dự án khởi nghiệp. (Ảnh Trung Kiên)
Sinh viên Trường đại học Mở Hà Nội trình bày dự án khởi nghiệp. (Ảnh Trung Kiên)

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665/QÐ-TTg về việc phê duyệt Ðề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" (Ðề án 1665). Sau khi đề án được triển khai, với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả của ngành giáo dục và các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục và đào tạo, phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Trong đó, tỷ lệ cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn, tăng từ 30% cuối năm 2020 lên 33% cuối năm 2021; 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp; 100% các cơ sở đào tạo xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên.

Hiện nay, cả nước có 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo; có khoảng 45 cơ sở đào tạo (chiếm 25% số cơ sở đào tạo) thành lập được các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; trong đó có hơn 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên. Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã phối hợp với hơn 50 doanh nghiệp trong nước, tổ chức quốc tế tại Việt Nam đồng hành trong việc triển khai Ðề án 1665 nhằm hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên làm công tác khởi nghiệp; đào tạo kỹ năng khởi nghiệp, kinh doanh và kỹ năng công nghệ kinh doanh trên nền tảng số cho học sinh, hình thành cho học sinh những kỹ năng nghề nghiệp trong thời đại công nghệ…

Ðáng chú ý, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã ban hành quyết định giao nhiệm vụ tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho ba cơ sở giáo dục đại học. Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp và Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên thu hút đông đảo các dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên với hàm lượng khoa học, công nghệ ngày càng cao.

Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên -0
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Ðào tạo trao giải nhất dự án cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" khối học sinh năm 2022. (Ảnh MINH THU) 

Mặt khác, có 50% các cơ sở giáo dục đại học tổ chức cuộc thi về khởi nghiệp cấp trường; hằng năm mỗi trường có khoảng từ 10 đến 20 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên tham dự các cuộc thi; 100% sở giáo dục và đào tạo có học sinh tham gia Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp. Một số ý tưởng, dự án của sinh viên đã được thành lập doanh nghiệp hoặc được các doanh nghiệp lớn mua lại.

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Ngô Thị Minh, riêng năm 2022, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên có gần 400 dự án tham gia. Ðặc biệt, Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp có rất nhiều dự án khởi nghiệp đến từ học sinh THCS cho thấy tinh thần khởi nghiệp hầu như không có tuổi.

Học sinh Nguyễn Minh Anh, lớp 12D1, Trường THPT số 1, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai có dự án "Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm từ củ Hoàng Sin Cô bản địa" đoạt giải ba Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2021 và tiếp tục có dự án tham dự năm 2022 cho biết, em mong muốn các nhà trường tạo điều kiện để học sinh, sinh viên được học, tiếp cận các kiến thức, kỹ năng về tư duy, sáng tạo khởi nghiệp từ sớm. Các nhà trường cần có các chương trình trải nghiệm định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp để học sinh, sinh viên có thể vận dụng các kiến thức đã học tạo nên những dự án khởi nghiệp.

Là một trong những thành viên dự án "Bộ trò chơi tài chính - Finance Challenge của nhóm FICHA" nằm trong tốp 10 dự án xuất sắc nhất cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2022, sinh viên Ðỗ Thùy Dương, lớp K11.TC1 ngành tài chính ngân hàng (Trường đại học Mở Hà Nội) cho biết, cuộc thi không chỉ là một sân chơi để các bạn sinh viên thể hiện tài năng về những ý tưởng khởi nghiệp mà còn là nơi tạo cơ hội, tạo dựng thương hiệu cho các bạn trẻ.

"Nhóm em khi triển khai dự án được các giảng viên nhiệt huyết, các chuyên gia khởi nghiệp và cả doanh nghiệp hướng dẫn chuyên môn cho nên học hỏi tích lũy không ít những kinh nghiệm, bài học, kỹ năng quý giá. Tuy nhiên, chúng em là những sinh viên còn rất non trẻ, nhiều kiến thức, kỹ năng cần hoàn thiện cho nên em mong muốn những dự án của học sinh, sinh viên sẽ được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa"-Ðỗ Thùy Dương chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Ngô Thị Minh, với vai trò và trách nhiệm của mình, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Ðào tạo sẽ tiếp tục chung tay cùng với các bộ, ban, ngành và các địa phương, các tổ chức hỗ trợ ươm tạo khởi nghiệp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, sinh viên có điều kiện được học tập, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Ðào tạo sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu ban hành hoặc tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách thực sự thiết thực để hỗ trợ học sinh, sinh viên, giảng viên và các nhà trường tích cực tham gia các hoạt động khởi nghiệp. Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ góc độ chuyên môn, chức năng nhiệm vụ, ngành giáo dục sẽ thực hiện thật tốt việc trang bị kiến thức, phát triển năng lực, rèn luyện các phẩm chất, kỹ năng cho học sinh từ phổ thông tới đại học để các em có được nền tảng căn bản cho khởi nghiệp. Ngành giáo dục cũng tích cực bồi đắp ý chí và khát vọng cho sinh viên, tăng cường trang bị kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo, cùng với các bộ, ngành, các doanh nghiệp, thực hiện kết nối nhà trường với doanh nghiệp, tạo lập môi trường tốt nhất cho hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên ■

Mạnh Xuân