Khi con người đang phải đối mặt với những thách thức về ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên ngày càng nghiêm trọng thì mô hình kinh tế tuần hoàn mang đến một giải pháp tầm nhìn có thể giúp thay đổi xã hội và nền kinh tế.
Những mô hình mới
Tại Việt Nam, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn trong khu vực tư nhân đang được thực hiện khá thành công, tạo ra nhiều cơ hội sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Có thể kể đến mô hình khu công nghiệp sinh thái tại các tỉnh Ninh Bình, thành phố Cần Thơ và thành phố Ðà Nẵng… giúp tiết kiệm hàng triệu USD mỗi năm.
Hiện tại, Việt Nam đã hình thành liên minh tái chế bao bì. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khá năng động trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thông qua các kế hoạch tái chế rác thải, phụ phẩm với quy trình xử lý chất thải hiện đại, tiên tiến và được kiểm soát minh bạch.
Công ty Nestlé sản xuất gạch không nung từ rác thải lò hơi, chế biến phân bón từ bùn thải không nguy hại và sử dụng vỏ hộp sữa làm tấm lợp sinh thái. Nestlé cũng có kế hoạch tái chế và tái sử dụng 100% bao bì sản phẩm tới năm 2025. Công ty Heineken Việt Nam có gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế; 4 trong tổng số 6 nhà máy bia sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu không phát thải các-bon. Công ty Unilever Việt Nam triển khai chương trình thu gom tái chế bao bì nhựa và phân loại rác tại nguồn...
Trong ngành dệt may, những phần vải vụn được một số doanh nghiệp đưa vào tái chế thành vải mới và các sản phẩm quần, áo được tạo ra có sử dụng một phần vải tái chế này được gắn nhãn CE (giúp lưu thông sản phẩm trên thị trường châu Âu và Hiệp hội thương mại tự do EFTA). Các bộ phận như bã, vỏ hạt cà-phê được tận dụng và sản xuất thành những chiếc cốc uống cà-phê đạt tiêu chuẩn và được dán nhãn sản phẩm CE.
Trong ngành xây dựng, với các biện pháp tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng tái chế, không nung… giúp đánh giá vòng đời của các tòa nhà và thúc đẩy phát triển thị trường thứ cấp cho vật liệu xây dựng, thúc đẩy đổi mới về sử dụng tài nguyên và giải quyết hiệu quả các vấn đề thâm dụng vật liệu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tại nước ta các mô hình sản xuất, kinh doanh theo nền kinh tế tuần hoàn chưa phổ biến, vì đa số các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động theo lô-gích nền kinh tế tuyến tính, có các mục tiêu tập trung vào việc tạo ra giá trị ngắn hạn, trong khi kinh tế tuần hoàn là mô hình tạo ra giá trị dài hạn.
Ngoài ra, các điều kiện về pháp lý, kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế tuần hoàn còn thiếu, nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc triển khai các mô hình kinh doanh mới. Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi ngay từ đầu phải có chiến lược sản xuất và phát triển sử dụng sản phẩm lâu nhất có thể và lập kế hoạch đưa nguyên liệu trở lại sản xuất sau này. Ðể đạt được điều đó, đòi hỏi đầu tư lớn vào kết cấu hạ tầng thu gom, phân loại và tái chế rác thải.
Khó khăn, thách thức còn đến từ nhu cầu về các sản phẩm tuần hoàn và các sản phẩm thay thế vẫn còn nhỏ; thiếu những chuyên gia có trình độ, kỹ thuật để thực hiện mô hình kinh tế mới này. Cách đo lường chỉ số tổng sản phẩm trong nước (GDP) hiện nay chưa chú trọng xem xét các yếu tố thuộc về xã hội và môi trường, chưa khuyến khích việc tạo ra giá trị trong cả hai lĩnh vực này.
Mặc dù gặp các thách thức khi triển khai, nhưng kinh tế tuần hoàn mang tới nhiều lợi ích cho cộng đồng. Mỗi sự thay đổi đều bắt đầu bằng những hành động nhỏ, chúng ta cần tin vào nó và giúp các bên liên quan, ủng hộ cùng tin theo.
Phạm Dũng Nam, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC)
Kinh tế tuần hoàn còn khó hơn đổi mới sáng tạo vì đổi mới sáng tạo tập trung vào phát triển kinh tế còn kinh tế tuần hoàn vừa cân bằng kinh doanh vừa bảo vệ, cải tạo môi trường. Chính vì vậy kinh tế tuần hoàn không chỉ là quá trình kinh doanh, huy động đầu tư mà còn là chiến lược và đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
Những thách thức cần giải quyết
Chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững đã được khẳng định. Ðó là việc Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính tới nền kinh tế tuần hoàn, với nhiều mô hình kinh doanh mới dựa trên sự ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới về chính sách, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó khẳng định ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện sử dụng rác thải, chất thải để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức luật hóa quy định về kinh tế tuần hoàn.
Ðề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QÐ-TTg ngày 7/6/2022 đã xác định phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với nhiều quốc gia và khu vực, trong đó có những cam kết về tiêu chuẩn an toàn môi trường sinh thái, nên việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam là xu hướng tất yếu nhằm hướng tới phát triển bền vững.
Tiến sĩ Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách và tài nguyên môi trường đề xuất một số giải pháp như: Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; ban hành các quy định, tiêu chuẩn phát triển kinh tế tuần hoàn phù hợp với xu thế mới trong khu vực và trên thế giới. Sử dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, công cụ thuế... nhằm hạn chế việc sử dụng quá mức tài nguyên, hạn chế rác thải trong quá trình sản xuất.
Ðồng thời đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào hiệu suất sử dụng các yếu tố đầu vào, vốn và lao động, tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả. Nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh một cách bền vững, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường; quy định chặt chẽ về trách nhiệm của doanh nghiệp với chất thải do doanh nghiệp tạo ra.
Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, thời gian tới, chúng ta phải phá vỡ các hiểu lầm về kinh tế tuần hoàn như cách hiểu đây là một quy trình tái chế, hay một trào lưu tạm thời, thậm chí để “làm màu”, chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn làm thương hiệu chứ không phải các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững
Thực tế, kinh tế tuần hoàn không chỉ là một cách để tái chế, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo giá trị và phát triển thông qua việc sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả. Kinh tế tuần hoàn không chỉ dành riêng cho doanh nghiệp lớn, mà là một xu hướng phổ biến và thực tế trong thời đại mới, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và người tiêu dùng. Sự đổi mới sáng tạo mở và kinh tế tuần hoàn đều hỗ trợ nhau trong việc xây dựng một tương lai bền vững và thịnh vượng, giúp giảm lãng phí và ô nhiễm môi trường, tạo ra giá trị và phát triển bền vững cho xã hội và doanh nghiệp.