Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương phối hợp Sở Công thương tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn “Kỹ năng kinh doanh trên môi trường số và kiến thức livestream” cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tỉnh Gia Lai.
Trong điều kiện tỉnh Gia Lai cách xa các trung tâm kinh tế lớn, cảng biển; chưa có đường cao tốc, đường sắt; kết nối chủ yếu thông qua hệ thống đường bộ, do vậy, việc áp dụng phương thức kinh doanh mới trên nền tảng số để phát triển kinh tế là điều rất cần thiết để trang bị cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh những kỹ năng mới, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại.
Năm 2023, Sàn Việt đã kết nối được 7 sàn thương mại điện tử địa phương thuộc 4 vùng kinh tế, với 300 sản phẩm. Trong năm 2024, Trung tâm EcomViet đang kết nối sàn thương mại điện tử Bắc Ninh, Ðồng Nai và Gia Lai, với mục tiêu kết nối đủ 6 vùng kinh tế lên Sàn Việt, thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử.
Hơn 77,6 tỷ đồng thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững tại Lâm Đồng
Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Ðồng vừa ban hành kế hoạch đầu tư công năm 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều của tỉnh 0,3%, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 0,5%; bảo đảm nguồn vốn cho tất cả hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; người nghèo trong độ tuổi lao động được hỗ trợ đào tạo nghề và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm; giảm tỷ lệ hộ tái nghèo, tái cận nghèo hằng năm xuống dưới 10% so với tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo trong năm… Tổng nhu cầu vốn thực hiện là 77,67 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương hơn 67,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng hơn 10 tỷ đồng.
Huyện Ðam Rông, tỉnh Lâm Ðồng quan tâm hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo trên địa bàn. |
Năm 2023, hộ nghèo tại Lâm Ðồng chiếm tỷ lệ 1,09%, hộ cận nghèo 2,07%; trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số 3,24%; tỷ lệ nghèo đa chiều còn 3,16%. Dự kiến đến cuối năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm từ 0,5-1%, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 1-2%.
Kết nối Đắk Lắk với các doanh nghiệp Mông Cổ
Ðoàn công tác Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Lắk vừa phối hợp Ðại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ tổ chức chương trình kết nối Ðắk Lắk-Doanh nghiệp Mông Cổ, tại Thủ đô Ulan Bato.
Tại chương trình, đoàn công tác tỉnh Ðắk Lắk đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cùng các sản phẩm giá trị cao, như: cà-phê, ca-cao, trái cây, mía đường… Về phía Mông Cổ, các doanh nghiệp đã bày tỏ sự quan tâm đến các sản phẩm của Ðắk Lắk và mong muốn được tìm hiểu, hợp tác với các doanh nghiệp của tỉnh. Hai bên đã trao đổi, giải đáp những thắc mắc của các doanh nghiệp liên quan đến chất lượng sản phẩm, những khó khăn về dịch vụ logistics, cũng như khả năng hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên.
Dịp này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Lắk Nguyễn Thiên Văn mời các doanh nghiệp Mông Cổ đến tỉnh Ðắk Lắk để tìm hiểu các sản phẩm của tỉnh, kết nối trao đổi thông tin về nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp Mông Cổ.
Đắk Nông lập đồ án điều chỉnh quy hoạch thành phố Gia Nghĩa
Sau hơn 10 năm thực hiện, quy hoạch chung đô thị Gia Nghĩa đã phát sinh nhiều điểm chưa hợp lý với thực tiễn phát triển đô thị, không phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện, vì vậy tỉnh Ðắk Nông đã thống nhất chi hơn 13 tỷ đồng để lập đồ án điều chỉnh quy hoạch thành phố Gia Nghĩa.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu uy tín, đáp ứng năng lực theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, công khai, minh bạch, bảo đảm chất lượng đồ án theo quy định hiện hành; Sở Kế hoạch và Ðầu tư chịu trách nhiệm về tính chính xác, pháp lý về các nội dung thẩm định, trình phê duyệt.
Ðồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Gia Nghĩa đến năm 2045 gồm 3 gói thầu. Trong đó, gói thầu tư vấn lập đồ án quy hoạch chung và hồ sơ quy hoạch theo hệ thống thông tin địa lý (GIS) đồ án điều chỉnh quy hoạch có giá trị hơn 13,1 tỷ đồng, được đấu thầu rộng rãi và tổ chức lựa chọn nhà thầu trong thời hạn 50 ngày. Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu từ quý III năm 2024 và thời gian thực hiện gói thầu trong vòng 12 tháng. Quy hoạch chung đô thị Gia Nghĩa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trước đó, được Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Nông phê duyệt theo Quyết định số 1292, ngày 14/8/2013.
Kon Tum tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm
Thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum tổ chức 10 cuộc kiểm tra, thẩm định đối với 70 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh nông, thủy sản; ngành y tế tỉnh thực hiện kiểm tra 117 cơ sở; Sở Công thương và Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra 19 cơ sở; Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh tổ chức 6 đợt kiểm tra đột xuất với 6 cơ sở; các xã, huyện, thành phố tổ chức kiểm tra 3.691 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ăn uống. Qua đó, phát hiện và xử lý 38 cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, với số tiền hơn 161 triệu đồng.
Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh Kon Tum tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng, địa phương đẩy mạnh thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ; tổ chức kiểm tra theo trọng điểm dựa trên cơ sở đánh giá, phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm; triển khai xây dựng mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn; thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh.