Chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19, thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thể hiện tin cậy chính trị sâu sắc, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Trách nhiệm đa phương
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 từ ngày 5 đến 6/10 với lịch trình sự kiện liên tục các hoạt động đa phương và song phương mang lại nhiều kết quả tích cực. Hội nghị có sự tham dự của gần 100 nước thành viên cộng đồng Pháp ngữ, các thể chế Pháp ngữ, tổ chức quốc tế và khu vực; trong đó gần 40 quốc gia tham dự ở cấp người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, Việt Nam là thành viên được các nước bạn đánh giá chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong ngôi nhà chung Pháp ngữ.
Bài phát biểu trong phiên họp “Vì một chủ nghĩa đa phương đổi mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị đã lan tỏa mạnh mẽ hơn thông điệp về một Việt Nam chủ động, tích cực, có trách nhiệm và luôn sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó các thách thức, đóng góp vào một tương lai “hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và phát triển bền vững”, như mục tiêu mà Hội nghị cấp cao Pháp ngữ hướng tới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định vai trò không thể thay thế của các cơ chế đa phương trong xử lý các vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. “Tôi mong muốn Pháp ngữ sẽ đổi mới theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, tập trung hơn vào ưu tiên của các thành viên, nhất là về hợp tác kinh tế và phối hợp triển khai các văn kiện của Hội nghị Thượng đỉnh tương lai”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ. Mặt khác, chủ nghĩa đa phương chỉ có thể thành công nếu bảo đảm được tính bao trùm, toàn diện, lấy người dân làm trung tâm, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ðặc biệt, nhiều nước coi Việt Nam là biểu tượng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, khâm phục tinh thần quật cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam, và ngày nay là tấm gương thành công trong xóa đói nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế. Nhiều nguyên thủ các nước gặp gỡ, trao đổi đều muốn mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam và đánh giá cao sự phát triển, thiện chí, thái độ của Việt Nam đối với những vấn đề quốc tế, trách nhiệm đối với toàn cầu nói chung, Pháp ngữ nói riêng, đặc biệt là các nước châu Phi.
Tổng Thư ký OIF Louise Mushikiwabo đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam: “Chúng tôi rất vui mừng khi Việt Nam tham dự Hội nghị ở cấp cao nhất. Ðây là vinh dự cho cộng đồng Pháp ngữ bởi Việt Nam là nhân tố không thể thiếu trong cộng đồng Pháp ngữ”. Tổng thống Madagascar Andry Nirina Rajoelina thì “mong muốn tăng cường quan hệ song phương ở tất cả các cấp, các kênh và trên tất cả các lĩnh vực với Việt Nam và mong muốn hai bên tìm hiểu cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là hợp tác sản xuất lúa gạo”.
Tổng thống Mauritania Mohamed Ould Ghazouani, Chủ tịch đương nhiệm Liên minh châu Phi (AU) khẳng định Việt Nam là tấm gương thành công cho các nước châu Phi, trong đó có Mauritania; tin tưởng Việt Nam sẽ là cầu nối tích cực cho hợp tác AU-ASEAN. Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd đánh giá Việt Nam là đối tác kinh tế ngày càng quan trọng trong khu vực, là đối tác ưu tiên cao về hợp tác phát triển và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu.
Mối “lương duyên” Việt Nam-Pháp
Việt Nam và Pháp có mối quan hệ đặc biệt về mọi mặt, từ lịch sử, chính trị, kinh tế đến văn hóa, kiến trúc và con người... với nhiều thăng trầm và đột phá. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, trong lễ dâng hoa trước tượng Bác cùng Thị trưởng thành phố Montreuil khẳng định: “Có lẽ những gắn bó của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Pháp cũng như con đường cách mạng và giải phóng dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn là minh họa rõ nét nhất cho mối “lương duyên” giữa hai đất nước, hai dân tộc chúng ta”.
Ðiểm đáng chú ý trong chuyến thăm là những người bạn Pháp luôn dành cho Việt Nam sự chào đón nồng hậu nhất, với những giá trị chung về hòa bình và đoàn kết đã tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ giữa hai nước.
Mối “lương duyên” còn thể hiện khi quan hệ Ðối tác chiến lược Việt Nam-Pháp ghi nhận nhiều thành quả tích cực, với trụ cột quan trọng là hợp tác về kinh tế, thương mại. Pháp hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu, nhà đầu tư và nhà viện trợ ODA lớn trong EU của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương tăng 42% trong 10 năm qua và đạt 2,96 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2024. Pháp có tổng vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam đạt 3,57 tỷ USD, tổng vốn vay ưu đãi ODA đạt 3 tỷ euro.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp báo chung. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Trong buổi họp báo cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định Pháp mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam, nhất là thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp. Chính phủ Pháp sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để đón tiếp doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Pháp và giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả những dự án của mình. Ngoài hợp tác kinh tế, hướng tới tương lai, Pháp rất coi trọng hợp tác về giáo dục và nghiên cứu về giảng dạy, đào tạo cũng như hợp tác liên quan bảo tồn phát triển, công trình, giá trị văn hóa.
Không chỉ ở các trao đổi đoàn cấp cao, mối “lương duyên” giữa hai nước Việt Nam-Pháp còn được gắn kết bởi hơn 300 nghìn người, trong đó đội ngũ trí thức đông đảo với khoảng 50 nghìn người và hàng nghìn doanh nhân, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp là cộng đồng người Việt Nam lớn nhất châu Âu, luôn chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc và cũng là nhịp cầu nối quan trọng đưa quan hệ Ðối tác chiến lược Việt Nam-Pháp đi vào chiều sâu, thiết thực.
Chuyến thăm Pháp kết thúc với nhiều văn kiện hợp tác giữa Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương hai nước mở ra những cơ hội hợp tác mới trên nhiều lĩnh vực là cơ sở nền tảng vững chắc củng cố tin cậy chính trị, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu vì lợi ích của nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định khu vực và trên thế giới.