Do đó, sau 15 năm thành lập, quy mô và diện mạo đô thị ở thành phố Hà Tĩnh chưa có nhiều thay đổi, kết cấu hạ tầng vẫn thiếu đồng bộ. Để thành phố thật sự trở thành một cực phát triển của tỉnh và là đô thị hạt nhân của vùng, rất cần một chiến lược phát triển dài hơi gắn với việc mở rộng không gian đô thị nhằm khai thác hiệu quả thế mạnh liên kết vùng.
Hạ tầng thiếu đồng bộ
Sau gần 10 năm lên phương án di dời, chuyển đổi sản xuất, đến nay Cụm công nghiệp Bắc Thạch Quý (phường Thạch Quý) vẫn tồn tại trong khu vực đô thị trước sự phản đối gay gắt của người dân địa phương. Mặc dù các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở đây đã thống nhất phương án di dời, chuyển đổi sản xuất, song do chính quyền địa phương và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung liên quan phương án chuyển đổi, cách thức định giá, bồi thường tài sản trên đất, cho nên chủ trương di dời vẫn đang nằm trên giấy.
Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hà Tĩnh Trần Quang Hưng cho biết: Cụm công nghiệp Bắc Thạch Quý được triển khai đầu tư trên diện tích khoảng 10 ha, tổng mức đầu tư 14,2 tỷ đồng, giai đoạn 1 đưa vào hoạt động năm 2005 với diện tích 5 ha. Do có sự điều chỉnh quy hoạch đô thị, trong đó phần đất bám đường Nguyễn Du được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thương mại cho nên giai đoạn 2 của cụm công nghiệp không được thực hiện đầu tư theo quy hoạch đã được phê duyệt. Từ đó đến nay, hạ tầng kỹ thuật của cụm công nghiệp không được đầu tư, hoàn thiện. Trong sáu doanh nghiệp đăng ký sản xuất tại cụm công nghiệp này, đến thời điểm hiện nay, chỉ còn bốn doanh nghiệp hoạt động. Mặc dù các doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi một phần dự án sang mục đích thương mại, dịch vụ, tuy nhiên việc tồn tại của cụm công nghiệp Bắc Thạch Quý đang gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân do ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường từ các bãi tập kết vật liệu...
Bí thư Đảng ủy phường Thạch Quý, Nguyễn Duy Ngân cho biết, do hạ tầng kỹ thuật của cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa được xây dựng cho nên quá trình hoạt động của cụm công nghiệp đã tác động tiêu cực đến đời sống của người dân cũng như diện mạo đô thị. Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị di dời các cơ sở sản xuất nhằm bảo đảm mỹ quan, quy hoạch phân khu đô thị Thạch Quý, song đến nay, quyết định cuối cùng vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Tương tự, hiện trạng phát triển tại Cụm công nghiệp Thạch Đồng (xã Đồng Môn) cũng không khá hơn. Theo lãnh đạo xã Đồng Môn, mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp vận động hơn 100 hộ sản xuất các mặt hàng chăn, ga, gối, đệm, khung màn inox… di dời vào cụm công nghiệp, nhưng do chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hạ tầng kỹ thuật sơ sài… cho nên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn “ngó lơ” cụm công nghiệp này. Theo chia sẻ của lãnh đạo thành phố Hà Tĩnh, ngoài những vướng mắc liên quan hai cụm công nghiệp nêu trên chưa được xử lý, việc thiếu không gian phát triển cũng khiến thành phố gặp khó khăn trong việc di dời hơn 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, làng nghề đang hoạt động xen kẽ ở khu vực dân cư đông đúc và khu vực nội đô. Khó khăn này không chỉ kìm hãm sức sản xuất mà còn tạo ra sự nhếch nhác mỹ quan đô thị.
Cần phát triển hài hòa
Với diện tích hơn 56 km2, thành phố Hà Tĩnh là một trong những đô thị có quy mô nhỏ nhất cả nước, do đó, thành phố không thể bố trí đủ quỹ đất để phát triển sản xuất công nghiệp. Mô hình tăng trưởng của thành phố thời gian qua chủ yếu dựa vào các nguồn vốn đầu tư và các hoạt động thương mại, dịch vụ. Theo số liệu từ Chi cục Thuế khu vực thành phố Hà Tĩnh-Cẩm Xuyên, năm 2021, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt 1.255 tỷ đồng, đạt 180% kế hoạch. Tuy nhiên, không ít người cho rằng đây là điều “lo nhiều hơn vui” bởi nguồn thu từ đất đang chiếm tỷ lệ gần 70% tổng số thu.
Theo chia sẻ của lãnh đạo thành phố Hà Tĩnh, nhiệm vụ quan trọng cần tập trung trong thời gian tới là đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số cạnh tranh nhằm thu hút các tập đoàn, nhà đầu tư lớn có sức lan tỏa, thúc đẩy thương mại dịch vụ phát triển xứng tầm, nhất là phát huy hiệu quả vai trò kết nối hành lang phát triển bắc-nam, đông-tây thông qua hệ thống giao thông trọng yếu kết nối với Khu kinh tế Vũng Áng, các đô thị phía bắc của tỉnh, nhất là các tỉnh đông bắc Thái Lan, Lào thông qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Đồng thời, thành phố cũng đang đề xuất tỉnh nghiên cứu tổng thể việc phát triển khu vực thành phố và các xã phụ cận gắn với việc xây dựng hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại nhằm khai thác hiệu quả thế mạnh liên kết vùng với vai trò là một đô thị trung tâm. Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung hỗ trợ, phát triển các vùng sản xuất, các sản phẩm có lợi thế để đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị, hình thành vùng sản xuất hàng hóa (rau, củ, quả), vùng đặc thù (hoa, cây cảnh)... trên diện tích 2.400 ha đất sản xuất nông nghiệp ven sông Rào Cái, sông Phủ…
Kỳ vọng về hướng phát triển nông nghiệp đô thị theo chuỗi liên kết gắn với khai thác dịch vụ sinh thái ven đô, Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh Dương Tất Thắng chia sẻ, đây là sự mở đầu cho cả chiến lược lớn, tạo ra kết nối những trục phát triển đô thị mới, gắn với quy hoạch tổng thể của thành phố. Đầu tư cho nông nghiệp đô thị không dàn trải, lựa chọn đúng trọng điểm cho từng giai đoạn để tập trung nguồn lực, phát triển một cách bền vững. Điều này không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn góp phần phát triển vành đai xanh, tạo thế cân bằng sinh thái cho đô thị. Đối với thành phố Hà Tĩnh, lợi thế lớn nhất vẫn là nuôi thủy sản nước mặn, lợ và trồng rau, củ, quả công nghệ cao. Do đó, thành phố vẫn áp dụng phương pháp “len lỏi”, tận dụng hết quỹ đất để xây dựng các mô hình sản xuất nhỏ, phù hợp thị trường nhằm đáp ứng nguồn thực phẩm tại chỗ, tạo thêm không gian xanh cho thành phố ■