Tỉnh An Giang có hàng nghìn bè cá, cho nên việc hàng trăm tấn cá nuôi ở huyện An Phú, thành phố Châu Ðốc bị chết những ngày gần đây làm nhiều người nuôi hoang mang lo sợ. Họ lo sợ cũng phải, vì năm 2016 và năm 2020, tại huyện Phú Tân, tỉnh An Giang đã xảy ra hiện tượng gần 100 tấn cá nuôi trên sông Cái Vừng chết, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi.
Nỗi buồn người nuôi cá
Chúng tôi men theo nhánh sông Hậu đến khóm Vĩnh Tân, Vĩnh Chánh 1, Vĩnh Chánh 2 thuộc phường Vĩnh Nguơn, thành phố Châu Ðốc, nơi có làng cá bè lâu đời với khoảng 141 bè. Lúc trước, tuyến sông này luôn nhộn nhịp thì nay vắng lặng, bè thưa thớt do các chủ phải di dời bè đi các nơi khác để tránh con nước độc gây chết cá. Ông Nguyễn Văn Ngời, 57 tuổi, ngụ phường Vĩnh Nguơn buồn bã nói, nuôi cá bè trên đoạn sông này từ hơn 20 năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên thấy cảnh cá nuôi lật bụng chết trắng sông. Trước ngày 13/5 cá bỏ ăn, chết vài chục con, nhưng từ ngày 13 đến 15/5 cá chết nhiều, nổi phềnh, vớt xác không kịp. Ông Ngời thả nuôi bốn bè cá mè vinh, cá he. Sắp đến vụ thu hoạch, ông dự trù bán với giá hơn 40.000 đồng/kg. Nhưng cá chết đột ngột, ông phải thuê người vớt xác cá đem ủ mắm, nhưng quá nhiều, cả mấy chục tấn nên không có chỗ để ủ. Ông Ngời phải bán cá chết cho các điểm thu mua cá mồi để xay xác cá làm thức ăn cho cá lăng nha, cá tra.
Song thời điểm này, các bè cá gần đó cũng xảy ra hiện tượng cá nổi đầu chết nên phải bán tháo với giá 3.000 đến 5.000 đồng/kg, trong khi bình thường mua cá mồi hơn 10.000 đồng/kg. Với cá he, mè vinh còn yếu, bơi lờ đờ, thương lái chỉ mua với giá từ 10.000 đến 20.000 đồng/kg, người nuôi cá như ông Ngời phải ngậm ngùi bán với giá này vì nếu không lại sợ để vài giờ sau cá chết.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hoa thả nuôi cá trên sông Châu Ðốc cũng than, mấy chục năm nuôi cá mới thấy hiện tượng lạ thường này. Bà Hoa thả nuôi cá lăng đuôi đỏ và cá he, nhưng đã bị chết hơn 12 tấn nên vụ này xem như trắng tay. Bà Lý Thị Lệ, 68 tuổi, có thâm niên nuôi cá hơn 40 năm vẫn ngơ ngác chưa hiểu sao họa ập xuống đoạn sông này làm thiệt hại 10 tấn cá ba sa, 10 nghìn con cá he giống bà đã thả nuôi. Bà Lệ than: “Cá chết quá nhiều nên phải thuê người vớt xác để làm sạch nguồn nước. Cá ba sa còn vài tháng nữa thu hoạch với giá 42.000 đồng/kg nay chỉ bán được 11.000 đồng/kg, giá một con cá he giống là hơn 10.000 đồng, thả nuôi mấy tháng rồi bị chết 10 nghìn con nên thiệt hại lớn lắm”.
Tương tự, tại các xã: Quốc Thái, Vĩnh Hội Ðông, Ða Phước, Khánh An, Phước Hưng (huyện An Phú) cũng xảy ra hiện tượng cá chết bất thường dù người nuôi đã hạn chế cho ăn, chạy máy tăng oxy... nhưng bất lực. Nặng nề nhất là các ấp Phước Quản, Phước Thọ thuộc xã Ða Phước, nơi tập trung vùng nuôi rộng lớn với 382 bè cá. Ðể tránh con nước dữ, nhiều bè cá phải di dời đến các nơi khác. Ðến chiều 25/5, thống kê tổng số thiệt hại hơn 449 tấn cá trong đó Châu Ðốc hơn 210 tấn, huyện An Phú hơn 229 tấn gồm các loại như cá lăng nha, cá he, cá mè vinh, cá ba sa, cá điêu hồng... Vẫn chưa thống kê hết thiệt hại kinh tế vì có nhiều loài cá giá trị khác nhau.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang Trần Anh Dũng thông tin, ngay sau khi phát hiện cá chết bất thường, Chi cục đã gửi công văn đến Phòng Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ Kỹ thuật viên thủy sản các huyện, thị xã, thành phố để cảnh báo, tăng cường giám sát tại các vùng nuôi lồng bè tập trung trên địa bàn tỉnh; khuyến cáo hướng dẫn các hộ nuôi cá lồng bè một số giải pháp chủ động phòng tránh, hạn chế thiệt hại như tăng cường bố trí treo vôi ở khu vực đầu bè đề phòng lúc mưa kéo dài và pH nước hạ thấp; trang bị máy thổi khí (quạt nước) và dự trữ oxy hạt để cung cấp cho lồng, bè khi lưu tốc dòng chảy yếu hoặc ban đêm khi kiểm tra thấy thiếu oxygen cục bộ... Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang Tô Hoàng Môn, thông tin, ngay sau khi nhận được thông tin cá chết ở thành phố Châu Ðốc và huyện An Phú, Sở đã tiến hành ngay việc thu mẫu nước, thủy sinh vật để phân tích lý hóa nước (36 chỉ tiêu), thủy sinh vật (định tính, định lượng).
Ðến nay đã có kết quả phân tích mẫu chất lượng nước của 17/36 chỉ tiêu lý hóa cho thấy, tại thời điểm lấy mẫu hàm lượng các chất rắn lơ lửng, sắt, chất hữu cơ… đều ở mức cao hơn quy chuẩn cho phép; oxy hòa tan trong nước thấp hơn quy chuẩn cho phép. Không có kim loại nặng và dầu mỡ trong môi trường nước khu vực quan trắc. Trong môi trường nước khi hàm lượng chất rắn lơ lửng nhiều, chất hữu cơ cao, oxy trong nước thấp, sắt cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của cá, có thể gây bất lợi cho quá trình trao đổi khí qua mang cá.
Quy hoạch vùng nuôi, hạn chế thiệt hại
Theo ghi nhận, đến ngày 18/5 cá chết giảm hẳn, nhưng các hộ nuôi cá huyện An Phú, thành phố Châu Ðốc vẫn chưa thể kéo bè về vị trí cũ vì lo ngại dòng nước nhánh sông Hậu vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ gây chết cá. Nhiều hộ nuôi cá chia sẻ, thiệt hại kinh tế rất lớn nên rất mong ngân hàng hỗ trợ vốn vay và cũng mong mỏi ngành chức năng sớm quy hoạch lại vùng nuôi vì chắc chắn hiện tượng cá chết này sẽ còn lặp lại ở các vùng nuôi khác là điều không tránh khỏi.
Trao đổi cùng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư, về việc nhiều lần xảy ra hiện tượng cá nuôi chết và nỗi lo của người nuôi cá trong tương lai, ông cho biết: Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phải nhanh chóng cảnh báo cho người dân những vùng nguy cơ cao như nơi có lưu lượng dòng chảy kém, mật độ nuôi cao và có hiện tượng tảo nở hoa nhiều... Về lâu dài, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp quy hoạch lại các vùng neo đậu bè cá vừa bảo đảm an toàn giao thông thủy, vừa giảm ô nhiễm môi trường nước tương ứng với khả năng chịu tải của dòng chảy, đồng thời cũng khắc phục tình trạng cá chết vào những thời điểm kiệt và nắng nóng.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang Trần Anh Dũng thông tin, hiện tổng số lồng bè nuôi thủy sản toàn tỉnh khoảng 4.354 lồng bè chủ yếu bố trí trên hai nhánh sông Tiền, sông Hậu và các kinh lớn. Năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 606/UBND-KTN ngày 24/6/2021 về việc tăng cường công tác quản lý nuôi thủy sản lồng bè, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tạm ngưng công tác rà soát kiểm đếm lồng bè, xây dựng phương án, lộ trình sắp xếp, di dời, tháo dỡ những lồng bè không theo quy định để tập trung phòng, chống dịch Covid-19.
Từ đầu năm 2022 đến nay, các địa phương tiếp tục công tác nêu trên. Hiện Chi cục Thủy sản đang tổng hợp kết quả rà soát, kiểm đếm lồng bè từ các huyện, thị xã, thành phố; sau đó phối hợp Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 xây dựng đề án “Sắp xếp lồng bè nuôi thủy sản trên sông đến năm 2025, tầm nhìn 2030” trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.