Thích Quảng Độ và các tham vọng chính trị đội lốt tôn giáo

Những ngày này, khi hoạt động chống phá Nhà nước, gây rối làm mất trật tự công cộng… của một số phần tử cực đoan do Thích Quảng Độ cầm đầu ngày càng trở nên trắng trợn, công khai, lại nhớ tới lời cư sĩ Tâm Thành trong bài Nhận định về Giáo hội Việt Nam thống nhất công bố trên giaodiemr.com – một website của Phật tử tại Mỹ, gửi Thích Quảng Độ rằng: “Lúc nào Hòa thượng cũng chỉ trích, buộc tội, chống đối nhà nước bằng lời lẽ cay cú, thù hằn chứ không thấy đóng góp hay xây dựng gì cả. Hòa thượng có tư tưởng vọng ngoại quá nhiều nên không còn thuần túy là người Việt Nam nữa rồi. Hành động tranh đấu, hơn thua, cố chấp mãi miết của Hòa thượng khiến chúng con rất thất vọng, vì những biểu hiện đó đều là chấp ngã, si mê. Nó đi ngược với tinh thần giải thoát giác ngộ của đạo Phật và còn cho thấy Hòa thượng đã ra khỏi đạo Phật để đi về hướng thế gian hệ lụy. Còn như là Tu sĩ thì sao Hòa thượng không có cái tâm thương yêu, hòa hợp và hỷ xả. Ngược lại chỉ toàn chất chứa oán hờn chia rẽ và cố chấp” (1). Hẳn là bức xúc lắm cư sĩ Tâm Thành mới phải viết ra như vậy, và cũng thật ngoan cố cho nên Thích Quảng Độ mới không nghe theo lời khuyên của đồng đạo.

Nhìn lại lịch sử, vào năm 1965, với sự phân hóa thành hai nhóm là Viện hóa đạo Việt Nam quốc tự và Viện hóa đạo Ấn Quang – hai phe nhóm Phật giáo ngay sau lúc ra đời đã đối đầu, cạnh tranh nhau thì phong trào phản kháng chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm do Phật giáo phát động ở miền Nam đã bước vào giai đoạn thoái trào. Sự phân hóa ấy đã trực tiếp xác nhận giới chóp bu Phật giáo miền Nam khi đó đã lợi dụng tinh thần yêu nước của Phật tử để phục vụ cho tham vọng chính trị của họ. Bàn về vấn đề này, tác giả Mark Moyar trong bài viết có nhan đề Sư chính trị: Phong trào Phật tử tranh đấu trong cuộc chiến Việt Nam đã viết: “Peter Grose của tờ New York Times tường trình: “Các quan sát viên Việt Nam và ngoại quốc đồng ý rằng chính sách của Phật giáo không phải là một chính sách xuất phát từ tâm tư tín ngưỡng của tín đồ, mà đúng hơnlà nỗ lực của các sư để thâu tóm quyền lực chính trị thế sự”… Tạp chí Newsweek nhận xét rằng Trí Quang và các đồng sự “chỉ đại diện cho một thiểu số nhỏ Phật tử Việt Nam”. Ngoại trừ ở các đô thị, các Phật tử tranh đấu “ít được biết đến và nhiều Phật tử ở nông thôn nếu biết về họ cũng không chấp thuận việc lũng đoạn lòng mộ đạo vì mục đích chính trị”…”(2).

Sinh năm 1928 tại Thái Bình, năm 1954 Thích Quảng Độ (Đặng Phúc Tuệ) di cư vào Nam và dần dà trở thành một nhân vật hoạt động Phật giáo. Sẽ không có gì để nói về con người này, nếu không phạm tội danh “vi phạm luật pháp, xúi giục chia rẽ tôn giáo, phá hoại tình đoàn kết quốc gia” mà ông ta đã bị Tòa án Việt Nam kết án, sau đó nhờ lượng khoan hồng mà án tù được rút ngắn để ông ta trở về với cuộc sống của nhà tu hành. Những tưởng khi tuổi tác càng cao, nhận thức Phật đạo ngày càng sâu sắc, Thích Quảng Độ sẽ “ngộ” ra con đường cần đi của một cao tăng, của một người dân nước Việt, nhưng không như thế, ông ta lại ngày càng đẩy mình vào cõi “vô minh”, hành đạo dưới sự chi phối của “tam độc” (tham – sân – si), tự giác trở thành con bài trong tay các thế lực đang hằng ngày, hằng giờ nhẫn tâm phá hoại, cản trở con đường đi tới ấm no, hạnh phúc mà mấy chục triệu người Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu.

Biện hộ cho các phát ngôn, cho các hành vi tôn giáo nhưng mang đầy mầu sắc chính trị ông ta đã tiến hành, Thích Quảng Độ nói rằng ông ta: “Không làm chính trị nhưng phải có thái độ chính trị”. Có lẽ phải coi đây là một phát ngôn đầy ngụy biện, vì Thích Quảng Độ đã đánh tráo khái niệm, coi thái độ chính trị đồng nghĩa với những hành vi chính trị của chính ông ta. Thử điểm qua một số văn bản do Thích Quảng Độ viết ra và vài điều ông ta đã tuyên bố:

– Không ít lần Thích Quảng Độ cho rằng cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” mà ông ta là “Viện trưởng Viện hóa đạo” có vai trò đại diện cho hàng triệu tín đồ Phật giáo Việt Nam, là sự tiếp nối truyền thống hàng nghìn năm của Phật giáo Việt Nam. Bằng lối nói lấy được ấy, ông ta tảng lờ một thực tế mang tính lịch sử là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” chỉ ra đời sau khi được Nguyễn Khánh – nhân vật đứng đầu của chính quyền Sài Gòn khi đó, ký cho phép thành lập vào năm 1964, và sau khi Phật giáo phân hóa vào năm 1965 thì cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” đã không còn tồn tại. Cho nên về pháp lý và trên thực tế, cái tổ chức mà Thích Quảng Độ cố tình sử dụng làm chiêu bài để che đậy các hoạt động chính trị của ông ta, trong sự hà hơi tiếp sức của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước, vốn đã không có bất kỳ vai trò tôn giáo – xã hội nào sau một năm tuổi đời. Cùng với đó, sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981 đã thống nhất Phật giáo trên toàn cõi Việt Nam, trở thành tổ chức duy nhất lãnh đạo Tăng đoàn và Phật tử vừa gắn bó với Phật pháp, vừa lao động để góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, sống một cuộc sống “tốt đời đẹp đạo”. Như vậy phải khẳng định rằng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” mà Thích Quảng Độ mơ tưởng sẽ được phục hồi để ông ta có thể thao túng hoàn toàn không có giá trị tôn giáo – xã hội. Hơn thế nữa, các vị cao tăng mà tên tuổi gắn liền với Phật giáo, với dân tộc hàng nghìn năm qua hẳn sẽ không lấy làm hài lòng nếu biết ở thế kỷ XXI này lại có một người nhân danh nhà tu hành Phật giáo phát biểu loạn ngôn, hung hăng, càn rỡ đi ra ngoài các tín điều Phật dạy như Thích Quảng Độ. Xin đừng nhân danh họ để làm vấy bẩn tên tuổi của họ, bởi truyền thống Phật giáo Việt Nam chưa bao giờ có những thành viên như Thích Quảng Độ.  

– Năm 1999, nhân Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ khi đó là bà Madeleine K. Albright đến thăm Việt Nam, Thích Quảng Độ đã gửi đến bà ta một bức thư yêu cầu quan tâm vấn đề nhân quyền ở Việt Nam (!). Điều lố bịch, cũng là điều “vô minh” nhất cho thấy bản mặt của nhân vật này là ông ta kêu gọi Hoa Kỳ phải kết hợp giữa viện trợ kinh tế, các quan hệ mậu dịch với các điều kiện về nhân quyền. Ông ta coi: “Đòi hỏi này không được coi là xen vào công việc nội bộ của một nước. Nếu không có những đảm bảo ấy, quyền lực chuyên chế sẽ lợi dụng viện trợ kinh tế để củng cố ý thức hệ bất khoan dung, khống chế tự do tư tưởng, trấn áp tự do ngôn luận”(!).

Trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, các vết thương chiến tranh vẫn còn hằn sâu trên cơ thể hàng triệu người, rồi thiên tai, rồi hậu quả của hàng chục năm “cấm vận”…, cả dân tộc đang nỗ lực để vượt lên và đang cần tới sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, vậy mà với “tấm lòng từ bi” của mình, Thích Quảng Độ vẫn không ngần ngại yêu cầu nước Mỹ nghe theo ý kiến của ông ta, cũng may mà quan hệ quốc tế ngày nay đã thay đổi, hành xử văn minh và sự ràng buộc lẫn nhau giữa các quốc gia đã làm cho người Mỹ tỉnh táo và không bị cuốn theo suy nghĩ lầm lạc của một vị hòa thượng sẵn sàng hy sinh cả đồng bào mình vì các tham vọng cá nhân! Và khi các tham vọng cá nhân không được đáp ứng, lại thấy Tổng thống Mỹ đến Việt Nam dự Hội nghị APEC thì Thích Quảng Độ nổi khùng và không ngần ngại úp lên đầu Tổng thống G. Bush cụm từ “kẻ phản bội” như ông ta đã nói với phóng viên Sebastien Berger của báo Daily Telegraph ngày 28-11-2006.

– Năm 1994, Thích Quảng Độ cho đăng trên tập san Quê mẹ (sản phẩm của Phòng thông tin Phật giáo quốc tế do Võ Văn Ái cầm đầu) một văn bản có nhan đề Nhận định về những sai lầm tai hại của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với dân tộc và Phật giáo Việt Nam. Ngoài những nội dung vu khống, đổi trắng thay đen… mà người ta thường thấy trong các bài viết mà các nhân vật “chống cộng” công bố lâu nay, văn bản này còn: “chứa những mâu thuẫn, sơ hở rất sơ đẳng, phản ánh trí tuệ thấp kém của tác giả bản văn nhưng lại mang tên Thích Quảng Độ” như một trí thức người Việt ở nước ngoài đánh giá. Vị trí thức này còn cho rằng văn bản có những câu chữ không thích hợp với một cao tăng và đạo đức Phật giáo (xin không dẫn lại ở đây vì chúng tỏ ra thiếu văn hóa) và ông đặt câu hỏi: “Phải chăng đây là ngôn từ của một cao Tăng đạo cao đức trọng dùng để tranh đấu cho tự do và nhân quyền ở Việt Nam?”!

– Một hai năm nay, sau khi tính toán cơ hội rồi chớp lấy thời cơ để gây ra sự nhập nhằng giữa việc một số đồng bào về TP Hồ Chí Minh để khiếu kiện với khái niệm “dân oan”, Thích Quảng Độ lộ rõ bản chất thâm hiểm và âm mưu chính trị của ông ta với những lời lẽ vừa mỵ dân vừa mang tính kích động, đẩy các sự kiện theo hướng phù hợp với mục đích chính trị ông ta theo đuổi. Hình ảnh lố bịch của Thích Quảng Độ tay cầm loa điện hô hào “chấm dứt cái nạn độc quyền cai trị” đã không còn cho thấy ông ta là một nhà tu hành, Phật pháp liệu còn có ý nghĩa gì không khi ông ta ngang nhiên tuyên bố như vậy?

Xưa kinh Phật có câu “y pháp bất y nhân” (tin theo giáo lý nhà Phật chứ không phục tùng vào cá nhân cụ thể), điều này xem ra rất thích hợp với trường hợp của Thích Quảng Độ vì ông ta không có ảnh hưởng gì trong hàng triệu tín đồ Phật giáo Việt Nam hiện nay, ông ta chỉ là “chiến sĩ đấu tranh cho nhân quyền, tự do tôn giáo” dưới con mắt của những kẻ đang lợi dụng hình ảnh, lợi dụng hành vi chống đối của ông ta để kích động dân chúng, gây rối xã hội. Kinh Phật cũng nói rằng: “gây ra các ác nghiệp, đều là bởi sân si”, thiết nghĩ những “sân si” mà Thích Quảng Độ đang vướng phải chính là tham vọng cá nhân, sự ngông cuồng không được kiềm chế… và càng ngày càng đi ra khỏi chính đạo. Nếu biết theo chính đạo, Thích Quảng Độ sẽ chuyên chú tu hành, lấy sự am tường Phật pháp để mưu cầu hạnh phúc cho chúng sinh… chứ không loay hoay bày đặt ra các âm mưu lợi dụng chúng sinh thành “chiêu bài” phục vụ mục đích chính trị đen tối của mình. Hơn nữa, nếu biết đi theo chính đạo, Thích Quảng Độ sẽ đứng cùng đội ngũ dân tộc, vui mừng trước các thành tựu kinh tế – xã hội mà dân tộc đã đạt được trong thời kỳ đổi mới và chia sẻ những khó khăn nhân dân đang phấn đấu vượt qua vì phồn vinh của đất nước. Quay đầu lại là bờ, nếu không, Thích Quảng Độ sẽ trở thành một vết nhơ trong lịch sử tự hào của Phật giáo Việt Nam trong mấy nghìn năm đi cùng dân tộc.  

(1) http://www.giaodiem.com/mluc/mluc-IV05/1105 – ý kiến-tthanh.htm

(2)http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name= News&file= article&sid=3 815.