Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nha Trang Lê Quang Nhất cho biết, qua khảo sát, trên địa bàn thành phố có hơn 300 xe xích lô đang hoạt động phục vụ du khách.
Thành phần lao động hành nghề xích lô chủ yếu là thợ hồ, lao động tự do hoặc không có việc làm, có hoàn cảnh khó khăn. Việc chạy xích lô mang tính tự phát, ai đón được khách thì tự thỏa thuận giá cả với khách. Do không được quản lý nên hoạt động của xích lô rất lộn xộn, thường xuyên xảy ra tình trạng tranh giành khách, ép giá du khách, tạo ra những hình ảnh xấu.
Từ thực tế đó, tháng 9/2023, qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của số đông lao động làm nghề xích lô du lịch, Liên đoàn Lao động thành phố xác định cần phải thành lập nghiệp đoàn xích lô du lịch. Mục tiêu chính là bảo vệ quyền lợi, chính đáng, hợp pháp của người lao động hành nghề xích lô và đem lại lợi ích cho khách du lịch. Khi Liên đoàn Lao động thành phố kết nối, đề nghị thành lập nghiệp đoàn xích lô du lịch, đa số người chạy xe xích lô tích cực hưởng ứng.
Ngày 22/12/2023, Nghiệp đoàn Xích lô du lịch được thành lập, có 6 tổ, với 264 đoàn viên. Đồng chí Lê Quang Nhất, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố được chỉ định làm Chủ tịch Nghiệp đoàn Xích lô du lịch Nha Trang.
Đồng chí Lê Quang Nhất cho biết, du lịch xích lô đang trở thành một sản phẩm đặc trưng của Nha Trang, được nhiều du khách quốc tế, nhất là khách Hàn Quốc, khách tàu biển lựa chọn trong hai năm trở lại đây. Việc thành lập Nghiệp đoàn Xích lô du lịch Nha Trang nhằm chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, đồng thời góp phần tạo môi trường làm việc công bằng, an toàn. Trên cơ sở đó, hướng tới xây dựng thương hiệu xích lô du lịch Nha Trang, góp phần làm sinh động thêm những sắc màu du lịch Nha Trang-Khánh Hòa.
Nghiệp đoàn quy định khi hành nghề, các đoàn viên phải bảo đảm các nội quy mặc đồng phục đã quy định và số xe đăng ký phù hợp; không uống rượu bia, cờ bạc dưới mọi hình thức; chào mời khách phải nhã nhặn, lịch sự, thỏa thuận giá cả trước khi chở khách, không ép giá… Thời gian tới, nghiệp đoàn sẽ phối hợp với Sở Du lịch tổ chức các lớp tập huấn, trang bị kỹ năng cho những người hành nghề xích lô; nâng cao văn hóa ứng xử, tạo sự thân thiện với du khách, nâng cao vốn kiến thức cơ bản về ngoại ngữ và văn hóa, để mỗi người làm nghề đạp xích lô cũng là một hướng dẫn viên du lịch, góp phần quảng bá thương hiệu du lịch Nha Trang-Khánh Hòa.
Cùng với đó, nghiệp đoàn sẽ phối hợp với ngành chức năng xây dựng các tour, tuyến đón khách, trả khách cụ thể; xây dựng nền nếp hoạt động, bảo đảm công bằng, nâng cao thu nhập cho người hành nghề. Trong đó, từng bước xây dựng lộ trình, giá tour và niêm yết công khai để bảo đảm tính minh bạch, tránh tình trạng tranh giành, chặt chém, ép giá du khách. Ngoài việc chủ động trang bị các kỹ năng cho đoàn viên, nghiệp đoàn sẽ giúp đoàn viên chủ động trang bị những kiến thức cơ bản về Nha Trang-Khánh Hòa, các điểm tham quan du lịch, di tích lịch sử để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách.
Từng làm nghề đạp xích lô đã hơn 30 năm, ông Châu Hải Tuấn, ngụ phường Phương Sài, Nha Trang cho biết, du khách nước ngoài đến Nha Trang rất thích thú khi dạo quanh thành phố bằng xích lô. Từ đó, nghề đạp xích lô du lịch phát triển mạnh. Tuy nhiên, do phát triển tự phát nên thường xuyên xảy ra nạn chụp giật, thu tiền khách giá cao, lừa du khách… khiến nhiều người làm nghề chân chính bị ảnh hưởng. Vì thế, từ lâu, anh em hành nghề đạp xích lô rất mong muốn thành phố thành lập một nghiệp đoàn xích lô để mọi người tham gia sinh hoạt theo đúng quy chế; xây dựng các tour, tuyến, bảng giá công khai. Vào nghiệp đoàn, mọi người sẽ chung sức xây dựng một môi trường làm việc công bằng, an toàn, thân thiện, mến khách, từ đó, từng bước xây dựng hình ảnh, thương hiệu xích lô du lịch Nha Trang. “Hiện nay, các đoàn viên đều được trang bị mũ, áo đồng phục, nhìn rất chuyên nghiệp”, ông Châu Hải Tuấn chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa Bùi Đăng Thành, việc thành lập Nghiệp đoàn Xích lô du lịch Nha Trang là rất cần thiết, nhằm quy tụ những người làm nghề xích lô, hướng tới tạo dựng thương hiệu, bảo đảm quyền lợi cho đoàn viên. Sau nghiệp đoàn nghề cá, nghiệp đoàn xe ôm, đây là nghiệp đoàn thứ ba ở nhóm lao động phi chính thức được các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh thành lập.