Lào bước vào giai đoạn phát triển mới

Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước Lào dưới sự dẫn dắt của Ðảng Nhân dân Cách mạng Lào thu được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong giai đoạn mới, Lào tiếp tục nỗ lực vượt qua thách thức, triển khai những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra, không ngừng nâng cao vai trò và vị thế trong khu vực và trên thế giới.

Thủ đô Viêng Chăn chuẩn bị đón du khách quốc tế trở lại Lào. Ảnh TÂN HOA XÃ
Thủ đô Viêng Chăn chuẩn bị đón du khách quốc tế trở lại Lào. Ảnh TÂN HOA XÃ

Trong năm 2021 vừa qua, Lào đã tổ chức thành công Ðại hội đại biểu toàn quốc Ðảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ XI, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh khóa II, kiện toàn bộ máy lãnh đạo, đề ra các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tới. Theo đó, Lào chủ trương tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, triển khai đường lối đổi mới theo chiều sâu, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, tiếp tục đưa đất nước tiến lên theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

Với các biện pháp chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ Lào, cũng như sự hỗ trợ của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, Lào nỗ lực kiểm soát và ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Dù đối mặt khó khăn do tác động của dịch bệnh, tổng kim ngạch thương mại của Lào đạt khoảng 8,3 tỷ USD trong chín tháng đầu năm 2021; tăng trưởng GDP đạt khoảng 2,2% trong năm 2021. Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội lần thứ IX giai đoạn 2021-2025 của Lào đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 4%. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo tăng trưởng GDP của Lào năm 2022 dự kiến đạt khoảng 4,5%.

Nhằm phục hồi ngành du lịch có nhiều thế mạnh, tiềm năng, cũng như góp phần tạo đà tăng trưởng bền vững trong thời gian tới, Lào quyết định mở cửa lại đất nước theo phương châm mở cửa từng bước. Theo kế hoạch, trong năm 2022, Lào sẽ mở cửa đất nước theo ba giai đoạn; đồng thời đẩy mạnh tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân. Từ đầu năm 2022, du khách đã tiêm phòng đầy đủ và được xét nghiệm Covid-19 từ 31 quốc gia, trong đó có Việt Nam, có thể thăm thủ đô Viêng Chăn và một số tỉnh tại "đất nước triệu voi" theo chương trình vùng xanh du lịch.

Với đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị, hợp tác để phát triển, uy tín và vai trò của Lào ngày càng được nâng cao trong khu vực và trên thế giới. Lào là thành viên tích cực của các tổ chức khu vực, quốc tế như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)...; từng đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng như Chủ tịch ASEAN năm 2004 và 2016. Trong quan hệ với các nhà nước, chính đảng, Lào tiếp tục triển khai quan hệ hợp tác đa dạng, đa phương, đa cấp độ; đồng thời tăng cường tính chủ động trong tổ chức thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các nước bạn bè chiến lược. Hiện nay, Lào có quan hệ ngoại giao với 140 nước và hơn 130 đảng trên thế giới, quan hệ thương mại với 60 nước và vùng lãnh thổ.

Với Việt Nam, Lào tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước đi vào chiều sâu. Ðiều này đã được khẳng định rõ trong các chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith (Thoong-lun Xi-xu-lít) và Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane (Xay-xổm-phon Phôm-vi-hản) diễn ra sau các sự kiện chính trị quan trọng của Lào trong năm 2021.

Ðược các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước gây dựng và dày công vun đắp, trải qua gần 60 năm, quan hệ Việt Nam-Lào ngày càng toàn diện và thực chất, trở thành hình mẫu hiếm có trong quan hệ quốc tế. Mối quan hệ đặc biệt này là nguồn lực quan trọng với sự nghiệp xây dựng và phát triển của mỗi nước, đồng thời đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.