Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật KBCB. Báo cáo cho biết: Tại kỳ họp thứ năm, QH khóa XII, các đại biểu QH đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật KBCB. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo Ủy ban Về các vấn đề xã hội phối hợp cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan tổng hợp ý kiến, nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật này. Tại phiên họp thứ 21, 22 và 24, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật. Dự án Luật KBCB gửi các đại biểu QH tại kỳ họp thứ sáu gồm chín chương và 91 điều, tăng thêm một chương (chương quy định về điều kiện bảo đảm cho công tác KBCB) và tăng 10 điều so với dự thảo Luật trình QH tại kỳ họp thứ năm. Báo cáo đã nêu một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, như các quy định về cán bộ, công chức, viên chức hành nghề y tế tư nhân; về cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế; cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở KBCB; về vấn đề y đức; xã hội hóa trong các bệnh viện công...
Thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án luật này, các đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc), Phan Trọng Khánh (Hải Phòng), Trương Thị Thu Hằng (Ðồng Nai) đề nghị bổ sung các quy định liên quan điều kiện bảo đảm KBCB; tạo cơ sở pháp lý giữa y tế của Nhà nước và y tế tư nhân, cho phép cán bộ y tế tiếp tục làm ngoài giờ theo hợp đồng với các cơ sở KBCB tư nhân để tận dụng chất xám, đáp ứng nhu cầu KBCB của nhân dân, đồng thời tránh tình trạng lạm dụng cơ sở vật chất và uy tín của bệnh viện Nhà nước để phục vụ lợi ích cá nhân. Theo các đại biểu nói trên, để phù hợp quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Cán bộ, công chức, trong luật chỉ cấm cán bộ y tế tham gia thành lập và quản lý điều hành bệnh viện tư nhân hoặc các cơ sở KBCB được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã..., tạo điều kiện để sử dụng trình độ chuyên môn, chất xám của cán bộ y tế, nhất là trong tình trạng còn thiếu nhân lực ở các bệnh viện hiện nay.
Ðại biểu Cầm Chí Kiên (Sơn La) đề nghị, bổ sung quy định về điều kiện bảo đảm cho công tác KBCB như: đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, quy định về ưu tiên trong KBCB, các hình thức KBCB đặc thù (nhân đạo, đông y), tuyến y tế, đào tạo và chế độ đãi ngộ cán bộ y tế, cơ chế tài chính và giá dịch vụ KBCB, xã hội hóa y tế, y đức... quy hoạch cơ sở KBCB, tổ chức hệ thống KBCB theo bốn tuyến, xã hội hóa hoạt động KBCB, đào tạo và đào tạo liên tục, đào tạo về y đức và kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, đầu tư nguồn lực cho công tác y tế, giá dịch vụ y tế, quỹ KBCB; tập trung đầu tư cơ sở y tế và nguồn nhân lực cho y tế các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo... Ðồng thời có cơ chế, chính sách quan tâm hơn nữa đối với đội ngũ cán bộ y tế trong thời gian tới.
Góp ý về cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế, các đại biểu đề nghị nên cấp chứng chỉ hành nghề một lần, nhưng cần có quy định nhằm tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước; vì nếu quy định năm năm cấp lại chứng chỉ hành nghề một lần, sẽ gây tốn kém và phiền phức cho cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như người hành nghề; hạn chế thủ tục xin cho, phù hợp điều kiện của cơ quan quản lý nhà nước, xu thế cải cách hành chính. Theo đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái), nếu cấp chứng chỉ hành nghề một lần, thì phải bổ sung quy định về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thu hồi chứng chỉ khi có sai phạm. Ðề nghị Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn quốc gia và chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc cấp chứng chỉ hành nghề, còn Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế trên địa bàn và chứng chỉ có giá trị toàn quốc, nhằm phân cấp trong quản lý nhà nước. Về quy định cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở KBCB, các đại biểu đề nghị giao thẩm quyền cho Bộ Y tế cấp giấy phép đối với bệnh viện thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc các bộ, ngành và các bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài. Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở KBCB trên địa bàn quản lý.
Một số đại biểu đề nghị bổ sung thêm các quy định về y đức để nhấn mạnh sự quan trọng và cần thiết phải chấn chỉnh y đức, vì đây là vấn đề mà dư luận xã hội đang có nhiều bức xúc hiện nay. Ðại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) đề nghị bổ sung các quy định về y đức các cụm từ "Người KBCB phải tận tâm trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Không được kê đơn, chỉ định sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vì mục đích trục lợi. Người hành nghề có nghĩa vụ thực hiện đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Bộ Y tế". Ðồng thời kiến nghị bổ sung quy định người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở KBCB phải có thời gian hành nghề KBCB ít nhất là 36 tháng (Ðiều 43) và cần quy định bắt buộc thực hiện bảo hiểm trách nhiệm trong KBCB cho người hành nghề rõ ràng, cụ thể, bổ sung quy định cấm người hành nghề y bán thuốc cho người bệnh; quy định cụ thể người hành nghề KBCB có thể ký hợp đồng hành nghề KBCB với bao nhiêu cơ sở KBCB và bổ sung quy định chế độ ưu tiên trong KBCB. Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh), ở các nước lương ngành y là cao nhất, thi vào các trường y là khó nhất, học đắt tiền nhất. Nhưng chúng ta lương khởi điểm là như nhau mà thời gian lại học dài hơn hai năm. Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị đã nói rằng, nghề y là một nghề đặc biệt, tuyển chọn đặc biệt, đào tạo đặc biệt, sử dụng đặc biệt, đãi ngộ đặc biệt. Trong luật này chỉ nói nghĩa vụ, quyền lợi của bệnh nhân, nghĩa vụ, trách nhiệm chủ yếu của người thầy thuốc, chưa có một chính sách cụ thể nào; do đó sẽ chảy máu chất xám trong ngành y tế trong tương lai. Hiện nay các nước rất muốn bác sĩ, chuyên gia của Việt Nam. Ðề nghị Chính phủ có quy định nghĩa vụ, chính sách để khuyến khích cán bộ y tế về công tác ở vùng sâu, vùng xa và có phụ cấp thỏa đáng.
Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, các đại biểu đồng tình với nhận xét trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Sau hơn ba năm thi hành, Luật Giáo dục bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để tăng cường hiệu lực thi hành và để phù hợp hơn với thực tiễn. Việc sửa đổi tập trung vào những vấn đề thật sự bức xúc mà thực tiễn đòi hỏi nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả quản lý giáo dục.
Về khoản 1, Ðiều 11, các đại biểu đều thống nhất "phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở". Ðại biểu Phan Thị Mỹ Bình (Tuyên Quang) dẫn chứng, ở Tuyên Quang, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, tạo mọi điều kiện để trẻ đến trường tỷ lệ cao nhất. Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn vì điều kiện đường sá xa xôi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, do mưa lũ học sinh không thể đến trường. Ngoài ra, lớp học thiếu thiết bị dạy học, phụ cấp cho giáo viên thấp nên nhiều người bỏ nghề, kinh phí cho con em đi học ở các gia đình người dân tộc thiểu số còn khó khăn. Do đó, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm đầu tư đồng bộ để trẻ em miền núi được đến trường, để giáo dục mầm non đi vào cuộc sống. Ðại biểu Nguyễn Ðức Kiên (Sóc Trăng) cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng trường lớp và chế độ cho đội ngũ giáo viên, nhất là ở các địa phương nghèo, để tránh tình trạng khi luật đã có hiệu lực nhưng việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Các đại biểu đồng ý với dự thảo bổ sung Ðiều 50 để làm rõ hơn điều kiện thành lập nhà trường và tách quy trình thành lập nhà trường thành hai bước: quyết định thành lập nhà trường và cho phép hoạt động giáo dục để tránh tình trạng nhiều nhà trường sau khi có quyết định thành lập vẫn phải hoạt động cầm chừng vì không đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, thậm chí có trường không thể đi vào hoạt động sau khi công bố quyết định thành lập nhiều năm. Tuy nhiên, cần quy định rõ trong dự thảo về điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục, sao cho phù hợp Luật Ðầu tư và theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính. Ðại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Ðịnh) cho rằng, quy định thành lập nhà trường trong Ðiều 50 (điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện để được cho phép hoạt động giáo dục) còn chung chung, đề nghị Ban soạn thảo thiết kế điều luật này cho chuẩn mực, quy định rõ hơn trường hợp nào sáp nhập, chia tách, giải thể nhà trường và đình chỉ hoạt động giáo dục. Ðại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) nêu lên thực trạng vẫn còn nhiều trường đại học ngoài công lập chất lượng chưa cao, hoạt động cầm chừng, điểm chuẩn đầu vào thấp, do đó chất lượng đầu ra khác nhau, dẫn đến có sự phân biệt bằng cấp giữa các trường đại học, đề nghị nên có chuẩn các trường đại học, đồng thời việc tách quy trình thành lập trường thành hai bước sẽ buộc các cơ quan quản lý nhà nước thẩm định hồ sơ hai lần, việc kiểm soát sẽ chặt chẽ hơn.
Về thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học, vẫn còn hai luồng ý kiến. Một số đại biểu đồng tình với quyết định của luật hiện hành là "Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với trường đại học"; Tuy nhiên, một số đại biểu khác lại đề nghị sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo Luật: "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo quyết định đối với trường đại học. Trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thành lập trường". Ðại biểu Võ Thị Thúy Loan (Tiền Giang) và một số đại biểu khác cho rằng, chỉ cần Bộ trưởng GD và ÐT quyết định đối với trường đại học, nhằm tăng trách nhiệm cho Bộ trưởng GD và ÐT, vì Thủ tướng điều hành nhiều vấn đề vĩ mô của đất nước, chứ không chỉ riêng vấn đề quyết định cho phép thành lập trường đại học.
Về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (SGK), Dự thảo Luật bổ sung vào Khoản 3 Ðiều 29 trách nhiệm của Bộ trưởng GD và ÐT trong việc quy định tiêu chuẩn về SGK, việc biên soạn, tổ chức dạy thí điểm, thẩm định, duyệt và quyết định chọn sách để sử dụng làm SGK. Nhiều đại biểu cho rằng việc xây dựng chương trình giáo dục và SGK còn nhiều hạn chế, bất cập và đề nghị quy định ngay trong luật tiêu chuẩn về chương trình giáo dục và SGK, nguyên tắc lựa chọn và sử dụng SGK, đồng thời giao cho Bộ trưởng GD và ÐT quy định cụ thể, chặt chẽ về quy trình xây dựng chương trình giáo dục và biên soạn SGK. Theo đại biểu Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) cần có chế tài xử lý trách nhiệm Hội đồng biên soạn và người đứng đầu khi để xảy ra sai sót trong SGK. Ðại biểu Huỳnh Nghĩa (Ðà Nẵng) nêu rõ, dự thảo luật thể hiện còn đơn giản, cần nghiên cứu đưa vào những quy định cụ thể hơn trong luật về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, bảo đảm giảm tải nội dung SGK, tránh sai sót, dùng được trong nhiều năm.
Dự thảo luật bổ sung quy định vào khoản 1, Ðiều 58 nhiệm vụ của nhà trường: (Công bố công khai mục tiêu, chương trình giáo dục, nguồn lực và tài chính, kết quả đánh giá chất lượng giáo dục và hệ thống văn bằng, chứng chỉ của nhà trường). Thảo luận về vấn đề nói trên, đại biểu Phạm Mạnh Hùng (Thái Nguyên) và một số đại biểu đều cho rằng, việc bổ sung quy định nêu trên sẽ góp phần định hướng tốt hơn cho người học trong việc lựa chọn cơ sở giáo dục để theo học, đồng thời tăng khả năng giám sát của xã hội đối với nhà trường.
Về kiểm định chất lượng giáo dục (CLGD), đa số đại biểu QH tán thành việc bổ sung một số quy định về kiểm định CLGD và thành lập các tổ chức kiểm định CLGD ngoài công lập nhằm xã hội hóa và tăng cường tính độc lập của hoạt động này. Ðại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) cho rằng việc bổ sung một số quy định về kiểm định CLGD và thành lập các tổ chức kiểm định CLGD ngoài công lập là cần thiết, nhưng cũng cần quản lý chặt chẽ và có chế tài xử lý đối với các cơ quan, tổ chức kiểm định CLGD chưa chính xác.
Ða số đại biểu thống nhất không cần thiết sửa đổi, bổ sung Khoản 4, Ðiều 38 về thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ. Một số đại biểu đồng ý đề nghị bỏ quy định cấp văn bằng trình độ tương đương với trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ ở một số ngành chuyên môn đặc biệt và sửa quy định này theo hướng đào tạo và cấp văn bằng sau đại học công nhận trình độ kỹ năng thực hành, ứng dụng đối với một số ngành chuyên môn đặc biệt. Một số ý kiến cũng đề nghị Nhà nước cần quan tâm hơn và có chính sách ưu đãi hợp lý đối với giáo viên và đầu tư cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Các đại biểu cũng đề nghị cần tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục, tránh tình trạng quản lý các chương trình hợp tác quốc tế trong giáo dục và các hoạt động giáo dục có yếu tố nước ngoài hiện còn lỏng lẻo như hiện nay.
Tại hội trường, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD và ÐT Nguyễn Thiện Nhân giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm thảo luận như phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, nâng cao chất lượng giáo dục, hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục, chăm sóc tốt hơn đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD và ÐT cũng thay mặt ban soạn thảo tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu và cùng với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH hoàn chỉnh dự thảo, để trình QH xem xét, thông qua.